Vì sao nồng độ cồn trong ngưỡng cho phép vẫn bị phạt?

Bộ Y tế cho biết kết quả có nồng độ cồn trong máu ở mức nhỏ hơn 10.9 mmol/l không đồng nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0,5023 mg/ml máu" hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể".

Những ngày qua, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc Bộ Y tế cho phép trong máu có cồn dưới 0,5023 mg/ml máu, coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể, bởi trên thực tế việc sử dụng các thức ăn như trái cây, sữa chua nếp cẩm hay đồ uống có nước ngọt ga... cũng có thể sinh ra nồng độ cồn tự nhiên/cồn sinh học.

Vậy làm thế nào để phân biệt cồn tự nhiên và cồn do sử dụng rượu bia? Liệu tài xế có bị phạt nếu phát hiện nồng độ cồn trong ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.

CSGT yêu cầu người dân kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Gia Minh

CSGT yêu cầu người dân kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Gia Minh

Theo bà Trang, Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm "điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và đã áp dụng ổn định đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm trước khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác. Trong bối cảnh tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh và những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng, đặc biệt rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49 và tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới, Quốc hội đã quyết định quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn."

Bà Trang cũng cho biết tại khoản 5, Điều 2, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do đó, điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng Ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục 60 của Quyết định này.

Tại điểm IV "nhận định kết quả" có ghi: Trị số bình thường: <10.9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml); ethanol từ 10.9-21.7 mmol/l: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; 21.7 mmol/l: biểu hiện ức chế thần kinh trung ương và 86.8 mmol/l: có thể gây nguy hại cho tính mạng.

"Nội dung trên tại Quyết định số 320/QĐ-BYT là sự phân loại các mức/ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế. Mức <10.9 mmol/l biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10.9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml máu), không đồng nghĩa với cách hiểu "cho phép trong máu có cồn dưới 0,5023 mg/ml máu" hay "coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể""- đại diện Bộ Y tế giải thích.

Đại diện Bộ Y tế cũng lưu ý trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu nhỏ hơn 10.9 mmol/l là có nồng độ cồn trong máu và áp dụng theo quy định tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết nồng độ cồn trong khí thở có thể được tính theo công thức: B= C:210, B: là nồng độ cồn trong khí thở, C: là nồng độ cồn trong máu.

Công thức tính nồng độ cồn trong máu: C = 1,056 x A : (10W x R).

Trong đó, A là số đơn vị cồn uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).

Ví dụ, một nam giới 70 kg uống 440 ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C = 1,056 x 20:(10 x 70 x 0,7)= 0,0431 và tương đương 43,1mg/100ml máu.

Khi đó nồng độ cồn trong khí thở sẽ được tính là: B = 43,1:210 = 0,20 mg/lít khí thở.

Thông thường, sau 1 giờ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 10 gr cồn nguyên chất), tương đương 220 ml bia (2/3 chai nồng độ cồn 5%), tương đương 100 ml rượu vang (nồng độ cồn 13,5%), tương đương 30 ml rượu mạnh (nồng độ cồn 40%). Thông thường để đào thải hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn cơ thể có thể phải mất khoảng 2 giờ nữa. Tuy nhiên, với những người có gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm thì việc đào thải cồn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Vi phạm nồng độ cồn mức cao, người đàn ông bỏ luôn xe máy

Nhiều người vi phạm say xỉn viện một số lý do để không thổi vào máy đo nồng độ cồn, thậm chí bỏ lại phương tiện khi bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN