Vì sao Mỹ mở lại căn cứ ngầm tuyệt mật trong núi?

Căn cứ ngầm tuyệt mật trong núi có thể chịu được cuộc tấn công hạt nhân này từng bị đóng cửa cách đây 10 năm.

Ngày 9/4, báo chí Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đang có những động thái “tân trang” lại Tổ hợp Núi Cheyenne thuộc bang Colorado nhằm sớm đưa vào sử dụng trở lại căn cứ ngầm tuyệt mật được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh này.

Tổ hợp Núi Cheyenne này được mệnh danh là một “thị trấn tự tồn tại” được xây dựng ngầm trong lòng dãy núi Rocky để giúp những người bên trong có thể sống sót được trong một thời gian dài nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Vì sao Mỹ mở lại căn cứ ngầm tuyệt mật trong núi? - 1
Lối vào căn cứ ngầm Tổ hợp Núi Cheyenne

Căn cứ ngầm này được thiết kế để có thể chịu được một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, và là căn cứ của Bộ chỉ huy Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD). Các nhân viên NORAD trong căn cứ này thường xuyên giám sát bầu trời nước Mỹ để đề phòng bất cứ tên lửa hạt nhân nào của Liên Xô.

Tổ hợp Núi Cheyenne là một hầm ngầm rộng khoảng nửa hecta được khoét vào trong lòng núi từ  những năm 1960. Từ trong tổ hợp căn cứ này, các nhân viên NORAD có thể phát đi lệnh báo động và khởi đầu cho quá trình phóng các tên lửa hạt nhân để tấn công trả đũa.

Căn cứ này bị đóng cửa gần 10 năm trước đây, khi Mỹ cảm thấy không còn bị đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Nga, và trụ sở NORAD cùng Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ được chuyển tới căn cứ không quân Petersen ở Colorado Springs. Tổ hợp Núi Cheyenne trở thành căn cứ dự bị cho NORAD từ đó đến nay.

Tuy nhiên hồi đầu tuần Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ bố trí các thiết bị theo dõi và liên lạc hiện đại nhất của quân đội Mỹ vào căn cứ này. Theo Lầu Năm Góc, việc mở cửa trở lại căn cứ này là để đảm bảo an toàn cho các cảm biến và máy chủ rất nhạy cảm của NORAD trước nguy cơ bị tấn công bằng bom xung điện từ (EMP).

Vì sao Mỹ mở lại căn cứ ngầm tuyệt mật trong núi? - 2
Căn cứ ngầm này ngăn cách với bên ngoài bằng cánh cửa thép nặng 25 tấn

Các quan chức quân sự Mỹ cho rằng sự phụ thuộc rất lớn của quân đội Mỹ vào các hệ thống máy tính và liên lạc điện tử đã khiến họ trở nên dễ tổn thương sóng xung điện từ. Loại sóng phát ra từ bom EMP của đối phương này có thể làm tê liệt hoàn toàn các hệ thống điện tử trong phạm vi ảnh hưởng của nó.

Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 700 triệu USD với hãng Raytheon để giám sát quá trình tân trang căn cứ. Đô đốc William Gortney, tư lệnh NORAD cho hay họ chọn Tổ hợp Núi Cheyenne vì khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng bom xung điện từ của nó.

Ông Gortney cho hay nỗi lo lắng hiện nay của ông là làm sao có đủ không gian trong lòng núi cho một lượng lớn nhân viên, binh sĩ chuyển vào làm việc trong đó, nhưng ông không có quyền tiết lộ ai sẽ vào làm việc trong căn cứ.

Vì sao Mỹ mở lại căn cứ ngầm tuyệt mật trong núi? - 3
Đây từng là tổng hành dinh của NORAD và Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ

Theo hợp đồng 10 năm, hãng Raytheon sẽ cung cấp các dịch vụ để giúp quân đội Mỹ có thể “cảnh báo và đánh giá một cách chính xác, kịp thời các mối đe dọa từ vũ trụ, tên lửa và không trung” tại các căn cứ ở Cheyenne và Petersen.

Ngoài ra, hãng Raytheon sẽ thực hiện một số hạng mục hợp đồng không được tiết lộ khác tại căn cứ không quân Vandenberg ở California và Offutt ở Nebraska.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN