Vì sao dự án “lên trời gọi mưa” bị cho là viển vông?
Dù dự án “lên trời gọi mưa” rất quy mô và nếu thành công sẽ rất hữu ích cho đời sống người dân nhưng các nhà khoa học cho đó là dự án viển vông, không có cơ sở khoa học và không có tính khả thi.
Toàn cảnh trạm an sinh mặt đất của dự án "Lên trời gọi mưa". Ảnh: Kim Oanh.
Xin 5.000 tỷ đồng để “hô phong hoán vũ”
Mới đây, ông Phan Đình Phương – Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Đà Nẵng) đề xuất lên Chính phủ cho tạm ứng số tiền 5.000 tỷ đồng để mua tàu, máy bay, khinh khí cầu, nguyên vật liệu… thực hiện dự án “lên trời gọi mưa”.
Theo đó, dự án của ông Phương nhằm mục đích “trị mưa” chống ngập cho những vùng trũng, vùng hay xảy ra mưa lũ và “gọi mưa” giải hạn cho những nơi thường xuyên xảy ra hạn hạn, thiếu nước.
Về việc “trị mưa”, ông Phương cho rằng sẽ đặt các tàu bơm nước từ biển vào đường ống cao khoảng 5km, phía trên trời cho máy bay (trực thăng hoặc khinh khí cầu) giữ ống và “dắt” ống đi phun nước xuống những vùng mây nhiều. Mây bị nước đè sẽ nặng và rớt xuống, không thể bay vào đất liền gây mưa.
Đối với các vùng hạn hạn, thiếu nước ngọt, ông Phương sẽ dựa vào lợi thế nước ta có nhiều núi. Núi sẽ là nơi tập hợp nhiều mây nhất, kết hợp với việc phun các hợp chất “made in Việt Nam” do ông Phương tự chế ra để tạo mưa.
Ông Phương cho hay, để thực hiện các ý tưởng nêu trên, dự án cần thiết lập ban đầu 1.000 trạm điều tiết gây mưa và phá mây cho cả nước. Trong đó, 100 trạm trên biển, 400 trạm ở đồng bằng và 500 trạm ở miền núi
Dự án đã được ông Phương gửi bản thảo lên Văn phòng Chính phủ từ tháng 5/2016. Tuy nhiên, nó vẫn còn khá sơ khai và chưa chứng minh được hiệu quả mang lại cùng kế hoạch chi tiêu số tiền 5.000 tỷ đồng.
Dự án viển vông, hoang tưởng?
Khi được hỏi về dự án 5.000 tỷ đồng, TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, đây là dự án rất viển vông và tiêu tốn số tiền quá lớn trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Theo TS Trường, nghiên cứu tạo mưa nhân tạo là hết sức khó khăn về lý thuyết và vô cùng phức tạp về điều khiển, thực hành. Kinh phí thực hiện lại cực kỳ tốn kém trong khi chưa chắc chắn được hiệu quả mang lại.
Ông theo dõi qua các tạp chí khoa học quốc tế và nhận thấy, khoa học đã nghiên cứu làm mưa nhân tạo từ những năm 1940 của thế XX nhưng cho đến tận ngày nay, chưa có sáng chế nào tin cậy được áp dụng để “hô phong, hoán vũ”. Ngay các nước tiên tiến, giàu có trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc… vẫn phải chịu cảnh cháy rừng, ngập lụt do thời tiết.
Cùng quan điểm, TS Ngô Quang Toàn - Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển (Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho hay: “Chuyện phòng tránh biến đổi khí hậu là chuyện lâu dài, mất nhiều thời gian và tâm sức, tiền của. Việc này phải thực hiện theo chiều sâu là tìm ra nguyên nhân để khắc phục hoặc nương tựa vào nó mà sống chứ không phải muốn xoay chuyển tự nhiên theo ý con người là được”.
Về số tiền 5.000 tỷ đồng cho việc khởi động dự án “Lên trời gọi mưa”, ông Toàn cho rằng nên dùng để xây dựng nhiều công trình thủy lợi, tiêu nước, sử dụng lâu dài ứng phó với hạn hán, thay vì chỉ để thử nghiệm dự án khó thành công này.
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) cũng cho hay, ông chưa nhận được dự án “Lên trời gọi mưa” nhưng những gì ông nghe qua thì dự án này là quá hoang tưởng.
“Tôi mới chỉ đọc trên báo chí chứ chưa được cầm bản kế hoạch của dự án này. Dự án chưa hoàn thành mà đã xin tạm ứng 5.000 tỷ đồng là hoang tưởng. Không hiểu sao Văn phòng Chính phủ lại có công văn yêu cầu đến 7 Bộ vào cuộc vì dự án viển vông này”, ông Toàn chia sẻ.