Vì sao đàn ông bị vợ bạo lực thường “câm nín”?
Người vợ có hành vi hay lời nói gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của người chồng là bạo lực gia đình.
Có lẽ trong chúng ta không ai xa lạ với Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), nhưng sẽ rất ít người biết đến ngày 19-11 là ngày Quốc tế Đàn ông bởi đến nay, mới chỉ có hơn 70 quốc gia công nhận. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài “Đàn ông bị bạo lực – biết kêu ai?”hi vọng mọi người sẽ có góc nhìn đa chiều hơn về giới. |
TS. Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến bạo lực đối với đàn ông.
Thưa bà, là tổ chức thường xuyên đứng lên bảo vệ quyền của con người, bà có cảm xúc như thế nào khi vẫn còn hiện tượng đàn ông bị bạo lực.
Ngày Quốc tế đàn ông được công nhân với mục đích tập trung vào sức khoẻ của nam giới và trẻ em trai, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới.
TS. Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Đây là dịp để nam giới nêu bật sự phân biệt đối xử đối với họ và để kỷ niệm những thành tựu và đóng góp của mình, đặc biệt là đóng góp đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, tôi không tin rằng cứ có những ngày này thì phụ nữ hay nam giới với những bản dạng khác nhau đã có được sự bình đẳng.
Với tôi, những ngày này nên là dịp để chúng ta trao đổi về quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử, bảo đảm rằng không ai bị loại trừ vì lý do bản dạng của mình.
Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận Ngày Quốc tế Đàn ông, vậy bà nghĩ gì nếu Việt Nam cũng có ngày này?
Tôi không nghĩ rằng cần phải được công nhận thì nam giới mới được tổ chức kỷ niệm ngày này và cũng không chỉ trong ngày này thì nam giới mới có thể nói đến tình trạng sức khoẻ, an toàn, vai trò.
Mỗi ngày nên thảo luận và thực hành các giá trị về tôn trọng, khoan dung để bất kỳ ai, dù người đó là nam giới cũng không trở thành nạn nhân của bạo lực và không gây bạo lực với người khác.
Để có được bình đẳng thì mỗi cá nhân cần được tôn trọng dù người đó là nam giới, phụ nữ….
Trong bạo lực gia đình, mọi người đều nghĩ chỉ có phụ nữ mới bị bạo hành nhưng trên thực tế có nhiều đấng mày râu cũng đang phải chịu chung "kiếp nạn" này nhưng vẫn “câm nín”.. Vậy, theo bà vì sao lại như vậy? Những người đàn ông khao khát được bảo vệ, được bênh vực thì ai sẽ là người bảo vệ họ?
Mọi cá nhân dù là phụ nữ hay nam giới, trẻ em trai hay trẻ em gái, người sống độc thân hay lập gia đình đều có nguy cơ bị bạo lực và quấy rối tình dục.
Một người đang có hành vi hay lời nói gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của người khác nhưng có thể không nhận thức được mình đang vi phạm. Ngược lại, người bị bạo lực và quấy rối tình dục cũng có thể không nhận thức được mình là nạn nhân.
Thống kê ở cấp độ quốc tế và quốc gia thì có từ 5 – 10% nạn nhân của các vụ bạo lực là nam giới nhưng tôi không nghĩ đây là con số thể hiện thực tế.
Ngoài lý do về việc thiếu kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới thì khuôn mẫu, định kiến về tính cách và vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và xã hội cũng là một nguyên nhân của việc nam giới là nạn nhân nhưng không nêu lên tình trạng bạo lực của mình.
Một khi nam giới vẫn còn phải gánh trên mình hình mẫu nam tính, mạnh mẽ, trụ cột, giỏi dang, không uỷ mị… và các nghiên cứu về bạo lực giới chưa chú ý đến tình trạng bạo lực của nam giới và trẻ em trai thì bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra.
Đối với những người đàn ông họ có khao khát được bảo vệ thì có thể tìm đến pháp luật. Bởi Luật pháp quốc gia đã quy định về quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, đã có những quy định về quyền khiếu nại, tố cáo, vì thế bất kỳ ai bị bạo lực cũng có thể lên tiếng.
Theo bà, những trường hợp nào được coi là bạo lực đối với đàn ông? Xã hội đang bỏ ngỏ điều gì khiến 5– 10% nạn nhân của các vụ bạo lực là nam giới xảy ra, thưa bà?
Một người đàn ông cảm thấy mình bị tổn hại về thể chất, tinh thần do những hành vi, thái độ và lời nói mà người khác gây ra thì được gọi là nạn nhân của bạo lực. Người gây ra bạo lực có thể bất kỳ ai ở trong gia đình, cơ quan và xã hội.
Cũng như phụ nữ thì nam giới có thể bị bạo lực ở các dạng như quấy rối tình dục trực tiếp hoặc qua tin nhắn điện thoại, email, facebook hay bị lăng mạ, đánh đập.
Nhiều nạn nhân của bạo lực trong gia đình, xã hội không nhận ra mình bị bạo lực hay thậm chí nhận ra nhưng lại câm nín, chấp nhận, chịu đựng và sống trong thời gian đằng đẵng.
Theo bà, cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng đàn ông/phụ nữ bị bạo lực, ngược đãi trong gia đình, xã hội?
Luật pháp nên tạo ra khung pháp lý để mỗi cá nhân, tổ chức học hỏi về các quyền con người, các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Nên có các buổi để mọi người tìm hiểu về các thiết chế nhà nước và cộng đồng hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, tìm kiếm sự bồi thường từ người gây bạo lực.
Bên cạnh đó, các quyền và các giá trị cần được thực hành mỗi lúc mỗi nơi và các thiết chế cần vận hành hiệu quả để hỗ trợ nạn nhân cũng như người gây bạo lực.
Theo chuyên gia tâm lý, phụ nữ Việt Nam thường bạo lực chồng con bằng bạo lực tinh thần nhưng không nghĩ thế là bạo lực.