Vì sao các đề án cấm xe cá nhân liên tục ..."chết yểu"?

Theo chuyên gia giao thông, tại Hà Nội hiện nay, chúng ta không thể cấm hoặc hạn chế người dân ngay được vì nếu cấm sẽ không có phương tiện gì để đi....

Hàng chục năm nay, vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội và TP. HCM, luôn là vấn đề nóng và làm đau đầu các nhà quản lý. Mặc dù, những năm qua, cả 2 thành phố này đã có nhiều biện pháp như phân luồng, phân làn, xén vỉa hè, mở rộng lòng đường và tung hàng trăm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự xuống đường điều tiết giao thông... nhưng tình trạng ùn tắc không được cải thiện nhiều.

Còn nhớ năm 2003, trước tình trạng số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn/lẻ theo số cuối của biển số. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật lưu thông bình thường. Tuy nhiên, quy định này đã nhanh chóng bị “chết yểu” do không nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

Sau thất bại trên, năm 2004, Hà Nội lại ban hành và thực hiện quy định tạm ngừng đăng ký xe máy ở một số quận nội thành. Tuy nhiên, quy định trên lập tức lại trở thành “miếng bánh” để người ngoại thành, ngoại tỉnh “bán suất” đăng ký cho người nội thành. Cuối cùng trước sự phản ứng mạnh của dư luận, sự “tuýt còi” của Bộ Tư pháp, cuối năm 2005, HĐND thành phố Hà Nội đã chính thức bãi bỏ quy định trên.

Không dừng ở đó, cuối năm 2011, cho rằng giải pháp phân làn tách phương tiện sẽ giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Hà Nội đã tiến hành phân làn một số tuyến phố: Bà Triệu, Huế, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân… trong đó có nhiều tuyến được phân làn lần thứ 3. Tuy nhiên, giống như hầu hết các lần phân làn, tách phương tiện trước đó, do lòng đường quá hẹp, lượng phương tiện tham gia giao thông lại quá đông dẫn đến thất bại.

Vì sao các đề án cấm xe cá nhân liên tục ..."chết yểu"? - 1

Cảnh ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường ở Hà Nội.

Cùng phải chịu cảnh ùn tắc nghiêm trọng như Hà Nội, hơn 10 năm qua, TP. HCM cũng nỗ lực tìm cách hạn chế xe cá nhân bằng hàng loạt các đề xuất như: ô tô đi theo ngày chẵn/lẻ; thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố; khống chế hạn ngạch đăng ký xe mới; đấu giá quyền lưu hành phương tiện… nhưng rồi các quy định trên cũng đều “chết yểu” ngay từ khâu đề xuất.

Ngay cấp Bộ cũng vậy. Các đề xuất được Bộ GTVT nêu ra cũng chịu chung số phận bị dư luận “ném đá” ầm ầm dẫn đến “chết yểu”. 

Điển hình, năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) đã xây dựng đề án khá cụ thể, với rất nhiều những giải pháp để hạn chế phương tiện như: Tăng lệ phí đăng ký phương tiện mới bằng 50% giá trị phương tiện; Thu phí phương tiện lưu hành vào giờ cao điểm tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn; không cho phương tiện ngoại tỉnh đi vào khu vực nội đô; bắt buộc học sinh cấp 3 phải đi xe buýt và phương tiện công cộng đến trường. Tuy nhiên, những đề xuất trên cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng…

Mặc dù liên tiếp các đề án hạn chế phương tiện cá nhân được đưa ra đều bị "chết yểu" nhưng mới đây nhất, trước sức ép của tình trạng ùn tắc giao thông sắp diễn ra trong những năm tới, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Viện Phát triển Chiến lược giao thông (Bộ GTVT) dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố", trong đó đưa ra giải pháp hạn chế xe máy thực hiện theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ. 

Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Tuy nhiên, ngay khi lộ trình trên được thông tin đến báo chí, đề án đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

Trao đổi với phóng viên Infonet về việc vì sao các đề án cấm xe cá nhân của cơ quan nhà nước đưa ra nhằm giảm ùn tắc giao thông đều bị người dân “ném đá”, phản đối, một chuyên gia giao thông cho biết, sở dĩ các đề án hạn chế xe cá nhân bị người dân phản đối là do động trạm đến quyền tự do, quyền được mua sắm của người dân đã được Hiến pháp quy định. Hơn nữa, việc cấm các phương tiện cá nhân sẽ hạn chế, ảnh hưởng lớn đến “thói quen” đi lại của người dân.

Theo vị chuyên gia này, tại Hà Nội hiện nay, chúng ta không thể cấm hoặc hạn chế người dân ngay được vì nếu cấm sẽ không có phương tiện gì để đi. Hiện nay, thành phố mỗi ngày có tới 12 triệu lượt người đi lại, trong khi đó xe buýt chỉ có trên 1.000 chiếc, giải quyết chưa được 10% nhu cầu. Người dân không có sự lựa chọn nào khác, phải tự sắm phương tiện cho mình để giải quyết nhu cầu đi lại làm ăn, giao dịch.

“Khi phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển: xe buýt, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm… thì các thành phố đừng nên nghĩ đến việc cấm xe cá nhân. Vì nếu hạn chế thì người dân đi lại bằng gì?”, vị chuyên gia này cho biết.

Theo vị chuyên gia này, để các đề án cấm xe cá nhân đưa ra nhận được sự đồng thuận của người dân, các thành phố Hà Nội, TP. HCM phải phát triển được hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh, có thể phục vụ hết nhu cầu đi lại của người dân, khi đó người dân sẽ tự từ bỏ phương tiện cá nhân để đến với phương tiện công cộng. 

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc nhà xuất bản GTVT, cho biết trước đây Hà Nội từng có phương án dùng khoản kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng để hạn chế xe cá nhân nhưng phương án đó không khả thi.

Theo TS Thủy, tất cả các bài toán hạn chế phương tiện cá nhân phải kèm theo có đường sắt đô thị, có xe buýt đầy đủ, hạ tầng phải phát triển để người dân chọn đi phương tiện nào chứ 90% người dân đi phương tiện cá nhân, bây giờ cấm người ta đi bằng gì? 

“Tôi nhớ cách đây khá lâu tôi được Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình mời tham vấn về vấn đề chống ùn tắc giao thông. Lúc Bộ trưởng ra ngoài, tôi có nói với Viện trưởng Viện quy hoạch giao thông và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch: "Tôi hỏi các bạn, nếu cấm xe máy nhân dân đi bằng gì?

Xe máy lúc đó chiếm 95%. Mọi người ớ người ra. Khi Bộ trưởng vào mọi người báo cáo, Bộ trưởng bảo đúng rồi, cấm dân đi bằng gì, sau đó sửa đề án cấm xe máy bằng hạn chế xe máy. Nói như vậy để thấy việc cấm xe máy là không thực hiện được.

Còn phương án cấm ô tô lại càng sai. Người dân văn minh, phát triển lên người ta có tiền sắm, anh không cho sắm, muốn hạn chế không được đâu. Việc đó phạm vào quyền đi lại của người dân. Cơ quan chức năng phải lo hạ tầng! Không lo được lại cấm người dân không đi lại. Như vậy, chẳng khác gì chúng ta cắt đứt mạch máu của nền kinh tế”, ông Thủy nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh (Infonet)
Hạn chế phương tiện cá nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN