Về nơi "chết chẳng có đất mà chôn"

Không phải nơi xa hoa của thành thị, tuy nhiên một xã vùng ven biển của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa lại được biết đến là nơi có mật độ dân số đông nhất tỉnh. Đến nỗi người dân nơi đây ví von rằng, ai mà chết thì chẳng có nổi mét đất để chôn.

Chết chôn nhờ “hàng xóm”

Xã bãi ngang ven biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) được biết đến là địa phương nổi bật của tỉnh. Sở dĩ người ta nói như vậy đều có cái lý. Đơn cử, nơi đây là xã đông dân nhất, giàu có nhưng lại không có quỹ đất nông nghiệp….

Bên cạnh sự nổi trội đó, không ít ý kiến cho rằng xã Ngư Lộc đang đứng trước một thách thức lớn trong việc cản trở phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.

Nằm cách QL 1A khoảng 20 km, chạy dọc tỉnh lộ 5 về hướng đông, xã Ngư Lộc như một đô thị loại một. Nếu không có bà chủ quán nước tận tình chỉ đường khó lòng chúng tôi tìm được UBND xã.

Về nơi "chết chẳng có đất mà chôn" - 1

Con đường trung tâm xã.

Vừa đặt chân đến đây, đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà bé xíu cao tầng nằm san sát nhau. Đường liên xã, liên thôn được bê tông hoá cứ luồn lách chật chội một cách khó tin. Ấy vậy mà ở một xã vùng quê như thế người dân đã sống qua ba, bốn thế hệ.

Vừa đặt chân tới UBND xã, một vị cán bộ thấy chúng tôi đeo chiếc ba lô to tướng đã nhận ra ngay nhà báo. Ông liền bảo: “Các chú lại về đây thăm “Hà Nội” quê tôi hả?”. Hà Nội quê tôi, làm chúng tôi ngạc nhiên đến lạ thường. Rồi vị lãnh đạo này nói tiếp, các chú muốn biết rõ thì vào ông chủ tịch, ông ấy sẽ nói cho.

Theo giới thiệu của ông cán bộ xã, chúng tôi lên gặp ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, ông khẳng định luôn với chúng tôi rằng: Diện tích của xã chỉ 0,46km2; mật độ dân số cao hơn 36.000 người/km2 với 3.100 hộ gia đình 18.000 nhân khẩu; học sinh đông nhất trên 4.000 học sinh các cấp; ô nhiễm trầm trọng…

Theo ông Ngữ, sở dĩ dân số Ngư Lộc đông như vậy là vì xã thuần ngư với gần 70% dân số sống phụ thuộc vào các ngành nghề trên biển nên quan niệm phải có con trai đã ăn sâu vào tiềm thức. Đặc biệt, những năm trước, họ cho rằng gia đình nào chưa có con trai thì phải tiếp tục sinh cho kỳ được “quý tử” vừa là người chống gậy sau này vừa là lấy người đi biển.

Khi chúng tôi đến không khó để gặp được những nhà có 4,5 người con. Như gia đình nhà anh Đặng Văn Hải, thôn Chiến Thắng vợ bán quán tạp hoá mà có tới 4 người con. Theo anh Hải, chỉ tính riêng khu vực thôn nhà anh đã có tới hàng chục hộ có con thứ năm, thứ sáu.

Về nơi "chết chẳng có đất mà chôn" - 2

Xã vùng quê nhưng mật độ dân số đông đến nỗi người chết không có đất để chôn.

Ông Ngữ cũng chẳng hề giấu giếm, đất chật người đông đang là thách thức lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Ngư Lộc trong hiện tại và tương lai. Trong đó, thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường và thiếu quỹ đất đang là vấn đề nan giải nhất.

Nói về chuyện khó, chuyện khổ của người dân Ngư Lộc, những vị cao niên trong xã đều khẳng định với chúng tôi họ không khổ về kinh tế. Nhưng có thứ lại khổ gấp hàng ngàn lần, đó là phải sống trong cảnh chật hẹp, ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt người chết không có một tấc đất chôn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân thôn Thắng Lộc cho biết: “Phần lớn các hộ gia đình ở đây phải sống trong cảnh chật chội. Không có đất tách hộ. Như nhà tôi, tính đến đời thằng cả đã sang đời thứ 5 rồi mà cả gia đình gần chục người chỉ sống quây quần trong vài chục mét vuông.

Con cái đứa nào có tiền muốn mua đất ra ở riêng cũng không có. Muốn thì phải lên phố, hay sang xã khác thì mới có quỹ đất để mua”.

Không chỉ eo hẹp về đất định cư, mà đã từ lâu Ngư Lộc đang chịu cảnh không có nghĩa trang. Nghĩa trang của xã Ngư Lộc được qui hoạch trên địa bàn của xã Đa Lộc nhưng đến nay cũng đã chật cứng, không thể tiếp nhận thêm việc chôn cất.

Nói đến vấn đề này, ông Thắng phân trần: “Chúng tôi lo lắm. Cứ nghe nói ai ốm đau là đã phải suy nghĩ rồi. Việc hết đất nghĩa địa, chẳng biết rồi sau này người chết phải tính như thế nào”.

Ô nhiễm trầm trọng

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Ngư Lộc cũng đang là nỗi lo lớn đối với nhân dân và chính quyền ở đây. Theo tính toán của ông Thắng, với mật độ dân số đông như hiện nay thì ít nhất trung bình mỗi ngày thải xuống biển khoảng 1,5 đến 2 tấn rác thải sinh hoạt. Dọc bờ biển ngập ngụa rác, mùi bốc lên nồng nặc.

Về nơi "chết chẳng có đất mà chôn" - 3

Rác thải sinh hoạt đổ hết ra biển gây ô nhiễm trầm trọng

Ông Thắng bảo không ô nhiễm mới chuyện lạ. Dân đông, đất ít nên đất nhà ở người dân Ngư Lộc có diện tích bình quân chỉ từ 10-27m2, trong đó, nhiều gia đình có 2 - 4 thế hệ cùng sống.

Như gia đình bà Nguyễn Thị Liên, thôn Thắng Lộc có 12 người mà ông bà, bố mẹ và 6 cháu cùng ở trong một căn nhà rộng chừng 25m2. Từ ăn uống cho đến rác thải sinh hoạt đều tuồn ra đường, mang ra biển vứt...

Sau buổi làm việc ngột ngạt, chúng tôi phi xe máy ra biển hít thở không khí trong lành. Vừa đặt chân tới bờ biển, ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân đi thuyền ở đây liền hỏi “các chú ra đây mua cá à”?. Muốn mua thì phải chờ, chiều thuyền mới về. Tôi bảo không. Cháu ra ngắm biển tí thôi, ông Tuấn liền khua tay: “Ra đây mà ngửi mùi hôi thối của rác à, dọc bãi biển dài 1,2 km này chỗ nào cũng có rác, hôi thối lắm”.

Lý giải cho điều này, ông Tuấn cho biết: Mỗi ngày người dân Ngư Lộc thải ra đây khoảng 1,5 đến 2 tấn rác. Mặc dù đã có một đội thu gom rác 30 người, tuy nhiên không có chỗ xử lý, số rác đều được tống xuống biển, không đầy, không hôi thối mới là lạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Anh - Duy Quang (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN