Về “làng rượu - thịt” sung túc
Ở cái làng ấy, rượu suốt ngày tuôn chảy như nước sông Đà, còn thịt thì hôm nào cũng có cánh ba toa đánh cả chuyến xe vào nhận hàng. Dân trong làng đổi đời nhờ nấu rượu và chăn nuôi...
Cách trung tâm TP.Sơn La chừng 5-6km, “làng rượu-thịt” dễ nhận ra không phải nó nằm ở khu trung tâm xã Chiềng Xôm mà bởi khách mới đến đầu làng đã nức mũi vì mùi rượu. Làng có tên gọi đầy đủ là Tiểu khu I, xã Chiềng Xôm, nhưng đã từ lâu người ta quen gọi là “làng rượu-thịt”.
Chẳng ai nhận mình là giỏi
Cả làng có 37 hộ với 144 nhân khẩu thì 32 hộ chuyên nấu rượu và chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt. Rượu ở đây ngon có tiếng vì nấu bằng thứ gạo chuẩn, men chuẩn nên dù các bếp rượu đỏ lửa suốt ngày đêm vẫn chẳng khi nào sản phẩm bị ế. Nhưng thứ quan trọng mà nghề nấu rượu đem lại là phế phẩm của nồi rượu: Bỗng. “Bỗng rượu là thức ăn chính trong chăn nuôi của người dân Tiểu khu I với đàn lợn và gia cầm lên tới hàng ngàn con" - ông Cong cho biết.
Gặp một thanh niên đi xe máy chở bó rau muống và cây khoai nước to đùng rẽ vào ngõ Tiểu khu I, tôi vẫy anh ta lại, hỏi thăm: “Ở đây nhà ai nuôi nhiều lợn, gà nhất hả chú?”. Anh nhìn tôi ngạc nhiên, buông câu gọn lỏn: "Ở đây ai cũng nuôi nhiều". Thấy anh ta chực vù ga, tôi cố níu lại hỏi thêm: “Nhà mình nuôi được bao nhiêu con lợn?”. “Cũng chỉ mấy chục con một lứa thôi. Nhưng vừa xuất bán hơn 3 tấn, hết lợn thịt rồi. Phải tháng sau mới đến đợt xuất".
Chị Hoàng Thị Khôn chăm sóc đàn lợn hơn 1 tháng tuổi
Tôi giải thích mình không phải đi tìm mua lợn mà là nhà báo đi tìm điển hình để viết bài, anh vội lắc đầu: “Ối! Em chưa nuôi lợn giỏi đâu. Bác phải sang nhà ông Chu, bà Hồng, chị Anh hay chị Mác... Họ thu nhập cả mấy trăm triệu đồng/năm”.
Hý hửng với mấy "địa chỉ đỏ" được cung cấp, tôi liền tìm đến nhà chị Lò Thị Mác ở cuối làng. Vợ chồng chị Mác mới bước qua tuổi 30 nhưng đã sở hữu căn nhà xây cao tầng to đẹp nhờ tiền tích cóp qua gần chục năm nấu rượu, chăn lợn. Tôi đặt vấn đề tìm hiểu viết bài về nông dân (ND) giỏi, chị lắc đầu quầy quậy: "Nhà cháu mỗi năm bán được có mấy tấn lợn hơi, ăn thua gì. Bác sang bên nhà ông Hà, hay ông Thất tiểu khu trưởng và mấy hộ nhà cao cổng lớn kia kìa...".
Tôi hỏi nhà này thì họ chỉ nhà kia, chẳng ai chịu nhận mình là ND giỏi hay "mát tay chăn nuôi". Đến giờ thì tôi tin lời anh bạn đồng nghiệp báo địa phương: "Cái làng ấy hay lắm, nhưng khó lấy thông tin vì chẳng ai chịu nhận là mình giỏi cả".
Bỏ làm cán bộ để nuôi lợn
Đang định đi kiếm cán bộ Hội ND xã để tìm "ND giỏi", tôi chợt loé lên: Đã là cả làng giỏi thì lấy thông tin ở nhà nào chả được. Tôi quyết định rẽ vào ngôi nhà sàn ở ngay đầu làng. Thật may, chủ nhà là người quen: Vợ chồng anh Tòng Văn Nhân- chị Hoàng Thị Khôn, vốn là cán bộ của Bệnh viện Y học cổ truyền Sơn La.
“Mỗi ngày, làng này đổ ra thị trường mấy ngàn lít rượu. Thịt lợn hơi bình quân mỗi tháng hơn chục tấn. Cả tiểu khu này có hộ nào đói nghèo đâu”. Anh Tòng Văn Nhân |
Chị Khôn bảo: “Chú cứ nhìn cả làng, cả bản, ai cũng nhà xây, lợp ngói, cao tầng cả rồi trong khi chị vẫn cứ ở nhà sàn. Năm trước, nóng ruột vì kinh tế gia đình tụt hậu, chị xin nghỉ việc theo chế độ 132, nhận ngót trăm triệu đồng, đầu tư tất vào nuôi lợn. Mới vài năm đổi nghề nhưng cuộc sống đã dễ thở hơn nhiều rồi”.
Chị tâm sự rằng, chị rất thích nuôi lợn, nhưng vì 2 vợ chồng đều làm cán bộ nên chẳng có nhiều thời gian, chỉ túc tắc nuôi dăm ba con theo kiểu "tiền bỏ ống". Nhưng rồi nhìn lại, kinh tế gia đình ngày một eo hẹp trong khi hàng xóm cứ tăng trưởng ầm ầm từ nấu rượu và chăn nuôi, chị quyết định xin nghỉ việc Nhà nước. Hôm chị chuẩn bị làm chuồng lợn, ông giám đốc bệnh viện mang la bàn vào tận nhà, xem hướng chuồng giúp. Chẳng biết có phải nhờ cái hướng chuồng chuẩn hay không, nhưng 2 năm nay, đàn lợn của chị gần chục lứa cứ lớn vù vù, còn nấu rượu thì chưa nồi nào hỏng. Thu nhập của anh chị nhờ thế cũng gấp chục lần lĩnh lương.
Trò chuyện cùng anh Nhân, tôi mới hiểu tại sao ở làng này nghề chăn nuôi phát triển mạnh đến thế. Tiểu khu I vốn là khu ngụ cư của cán bộ, nhân viên Trường Trung cấp Thương nghiệp và Hạt Giao thông Sơn La. Cả khu này, ngoài tí đất vườn, chẳng nhà ai có lấy mảnh nương, mảnh ruộng. Lúc đầu một vài nhà nấu rượu, chăn lợn và có lãi, thấy vậy, bà con học nhau làm.
Bây giờ cả làng này đỏ lửa suốt ngày. Nhà ít vốn thì nuôi dăm ba chục con lợn, mấy chục con gà, ngày nấu 40-50kg gạo rượu. Những hộ vốn lớn nuôi cả trăm con lợn, ngày nấu tới hàng tạ gạo rượu. Gia súc, gia cầm ở đây không nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên bán được giá mà chẳng ế bao giờ. Cứ nhấc điện thoại a lô là chỉ mươi phút sau đã có mấy ba toa đến...
Theo anh Nhân, nhờ nấu rượu-nuôi lợn nên trong cơn bão giá thức ăn chăn nuôi, dân Tiểu khu I vẫn nuôi lợn ầm ầm. "Chúng tôi có cách làm của mình. Mỗi lứa lợn chỉ bắt 15-20 con. Mỗi nhà nuôi 5-10 lứa, cách nhau khoảng nửa tháng tuổi. Làm vậy vừa đỡ bị dịch bệnh, lại giảm được thiệt hại khi xảy ra “bão” giá mà luôn có lợn xuất chuồng.