Tuyệt kỹ dát một chỉ vàng thành một ngàn miếng
Từ một chỉ vàng nguyên chất, trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mẩn và bàn tay tài hoa, họ có thể dát thành 1000 lá vàng mỏng như lá lúa, trải rộng trên diện tích hơn 1m2.
Kiêu Kỵ là một trong những ngôi làng luyện quỳ lớn nhất miền Bắc
Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) là ngôi làng luyện quỳ vàng, quỳ bạc lớn nhất nhì miền Bắc. Với gần 400 năm tuổi, Kiêu Kỵ là cái tên người ta nghĩ đến đầu tiên khi nói về nghề “cả ngày cầm vàng” này.
Luyện quỳ đòi hỏi cao ở sự cầu kì và kiên nhẫn. Để làm ra một quỳ vàng hay quỳ bạc, người thợ phải trải qua tất cả 40 công đoạn.
Nghệ nhân Lê Văn Vòng, 59 tuổi, là một trong những người có tuổi nghề cao nhất trong làng chia sẻ: “Luyện quỳ không giống với bất cứ nghề nào, nó đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, đầu tư tâm huyết trong từng công đoạn nhỏ. Trước kia, để làm ra một quỳ vàng, phải trải qua 40 công đoạn, hoàn toàn thủ công; giờ có máy móc nên cũng rút được một vài công đoạn nhỏ”.
Loại giấy để làm quỳ phải là giấy dó, được chế tạo theo bí quyết riêng của từng gia đình
Theo đó, công đoạn đầu tiên của luyện quỳ là chế tạo giấy quỳ. Người thợ sẽ mua giấy dó từ vùng khác, đem về luộc với nước để tạo độ ẩm. Sau đó dùng búa giã nhiều lần đến khi tờ giấy phẳng và mịn bóng.
Giấy dó sau khi làm mịn sẽ được quét một loại mực làm từ bồ hóng của nhựa thông đốt cháy, hồ và keo da trâu. Quét mực rồi phơi khô, làm đi làm lại như vậy 3 lần sẽ tạo thành giấy quỳ. Người thợ bắt buộc phải dùng loại giấy này để làm lá bọc cho vàng thì mới có thể tiến hành các công đoạn sau.
Theo nghệ nhân Vòng, chất lượng của giấy quỳ sẽ quyết định chất lượng của lá vàng khi hoàn thành. Màu mực và độ mịn của giấy quỳ sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, độ bóng của lá vàng. Chính vì tầm quan trọng này, những hộ gia đình ở Kiêu Kỵ đều có bí quyết riêng chế tạo giấy quỳ. Đây cũng là lí do nghề luyện quỳ chỉ có ở Kiêu Kỵ chứ không nơi nào khác có được.
Tiếp theo là công đoạn cán. Vàng nguyên chất sẽ được nấu chảy ở nhiệt độ cao, đổ vào khuôn tráng thành phiến mỏng. Mỗi chỉ vàng sẽ được cán thành một sợi dài khoảng 1m, rộng 0,7 – 0,8 cm.
Vàng sau khi cán thành sợi sẽ được cắt thành nhiều mảnh nhỏ, rộng chừng 1 cm2
Sợi vàng này sẽ được cắt thành từng miếng vuông nhỏ khoảng 1cm2, xếp lên các mảnh giấy quỳ đã cắt sẵn rộng 4 cm2.
Cứ như vậy, vàng và giấy quỳ được xếp xen kẽ, thành từng chồng ngay ngắn khoảng 500 miếng. Người thợ sẽ dùng vải mịn bọc chặt chồng giấy quỳ và vàng để cố định vị trí. Đặt khối này lên phiến đá lớn, dùng búa giã cho những miếng vàng trong đó mỏng ra. Trung bình, một người thợ sẽ mất 40 – 45 phút để hoàn thành xong lần giã thứ nhất này.
Để là vàng mỏng và đều, người thợ phải giã nhiều lần bằng tay
Những lá vàng đã giã mỏng được cắt thành 16 miếng bằng nhau, sau đó lại được xếp xen kẽ từng miếng với giấy quỳ để giã lần thứ 2. Công đoạn này gọi là “trại”.
Yêu cầu khó nhất trong bước này đòi hỏi người thợ phải giã đều tay, liên tục, giữ được nhiệt độ ổn định của bọc quỳ. Có như vậy, lá vàng mới mỏng đều, bóng và không bị gãy.
Công đoạn cuối cùng là “long”, nghĩa là lấy từng lá vàng sau khi “trại” xếp xen kẽ với giấy, buộc ngay ngắn thành từng quỳ. Mỗi quỳ vàng, bạc theo đúng tiêu chuẩn sẽ có 490 lá, tương đương với nửa chỉ vàng.
Công đoạn "long" quỳ phải làm trong phòng kín, luôn có một bát tro bếp đặt bên cạnh
Bà Ngô Thị Tứ, 70 tuổi và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Long quỳ tuy là giai đoạn nhẹ nhàng nhất nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, luôn có một bát tro bếp đặt bên cạnh, thi thoảng xoa tay vào đó để không có mồ hôi. Đặc biệt, long quỳ phải làm ở nơi kín gió, trước kia còn phải chăng màn để long, giờ thì ngồi trong phòng kín, đóng toàn bộ cửa lại”.
Quỳ vàng, quỳ bạc sau khi hoàn thiện sẽ được các nghệ nhân dát mỏng lên các bức tượng, câu đối, đồ vật mạ vàng, mạ bạc hoặc bán cho các họa sỹ, thợ điêu khắc... có nhu cầu.