Từ giữa năm 2021: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM

Sự kiện: Thời sự

TP HCM đề xuất Chính phủ bổ sung quy định cụ thể các vấn đề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM

Sáng 19-12, tại TP HCM, Bộ Nội vụ và UBND TP HCM đã tổ chức phiên họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp.

Phải phù hợp định hướng phát triển

Mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sau khi Quốc hội (QH) xem xét thông qua Nghị quyết 131/2020/QH14 (Nghị quyết 131) về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, Bộ Nội vụ đã phối hợp UBND TP, các bộ - ngành liên quan dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM dựa trên cơ sở của Luật Chính quyền địa phương và các luật, nghị quyết liên quan.

Hiện dự thảo đã cơ bản và tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện để trong thời gian ngắn nhất Chính phủ ban hành Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết 131 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 và triển khai thực hiện từ ngày 1-7-2021.

TP HCM nhìn từ quận 2 Ảnh: Hoàng Triều

TP HCM nhìn từ quận 2 Ảnh: Hoàng Triều

Theo ông Trần Anh Tuấn, dự thảo nghị định được xây dựng căn cứ vào đặc thù của TP HCM, để khi Chính phủ ban hành bảo đảm tuân thủ đúng nội dung Nghị quyết 131, phù hợp định hướng phát triển của TP. Dự thảo có 7 chương và 44 điều; đề cập các vấn đề về tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường; chế độ công chức, viên chức khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM, đặc biệt là các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn quận và phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi quận, phường không còn tổ chức HĐND.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết bên cạnh Nghị quyết 131, Ủy ban Thường vụ QH cũng thông qua Nghị quyết 1111/2020 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM. Đây là mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Do đó, thứ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, sở - ngành góp ý để đưa ra những vấn đề cốt lõi, vấn đề mới, tạo điều kiện thực hiện tốt Nghị quyết 131, làm cơ sở cho TP phát triển trên cơ sở chính quyền đô thị.

Ba kiến nghị lớn

Góp ý cho dự thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu 3 vấn đề lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết để bảo đảm nghị định khi ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù mô hình chính quyền đô thị của TP, TP đã chủ động tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận trên địa bàn. Từ đó, tổng hợp và đề xuất Ban Soạn thảo đưa vào dự thảo một số nội dung.

Cụ thể, TP nhận thấy cần thiết đề xuất bổ sung 1 chương trong dự thảo nhằm quy định cụ thể các vấn đề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM, như cơ cấu tổ chức bộ máy, vấn đề ngân sách của TP Thủ Đức… phù hợp với Nghị quyết 1111/2020. Cụ thể, tại khoản 2 điều 6 của dự thảo quy định Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình QH, Ủy ban Thường vụ QH ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức để thực hiện từ năm 2021. "Đây cũng là cơ sở để TP chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới" - Chủ tịch UBND TP nói.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP còn đề xuất cơ quan trung ương xem xét thêm về số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức có tối đa là 4 người; cơ quan chuyên môn không quá 13 phòng, trong đó có 10 phòng theo Nghị định 108/2020 của Chính phủ và 3 cơ quan khác; số lượng phó phòng bình quân là 3 người/phòng. Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng kiến nghị Bộ Nội vụ có thể bổ sung các kiến nghị phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM vào dự thảo lần này. Việc này để TP có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị, bảo đảm đủ năng lực, chủ động, đáp ứng yêu phát triển nhanh và bền vững của TP, cũng là tạo điều kiện để TP đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước. Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết thay mặt cho Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu kỹ các ý kiến của TP HCM để tiếp thu, đưa vào dự thảo nghị định.

"Sau phiên họp này, bộ phận thường trực của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ làm ngay để có dự thảo mới trên cơ sở ý kiến của các đại biểu" - ông Tuấn nói. Tuy nhiên, đối với những chính sách đặc thù mà TP HCM muốn đưa vào nghị định lần này, kể cả chính sách đặc thù cho TP HCM, TP Thủ Đức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở - ngành chuyên môn nhanh chóng tham mưu cho UBND TP, để sớm gửi cho Ban Soạn thảo dự thảo. Có như vậy, các chính sách mới phù hợp với đặc điểm TP theo từng ngành, từng lĩnh vực.

"Phải làm nhanh, làm liền vì thời gian không còn nhiều. Bởi sau phiên làm việc này, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ - ngành trong Ban Soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét. Chắc chắn tại phiên họp cuối tháng 12, Chính phủ sẽ xem xét, ban hành và có hiệu lực ngay" - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay ngày 16-11-2020, QH đã biểu quyết thống nhất cao, thông qua Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ngày 31-12, TP sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về việc thành lập TP Thủ Đức. 

Sắp công bố nghị quyết về việc thành lập TP Phú Quốc

Ngày 19-12, ông Tống Phước Trường, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cho biết ngày 31-12, tỉnh Kiên Giang dự kiến tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về việc thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, thành lập TP Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện đảo này. TP Phú Quốc giáp TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương, vịnh Thái Lan và Campuchia. Sau khi thành lập, TP Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các phường: An Thới, Dương Đông và các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Dương Tơ, Cửa Dương, Hàm Ninh, Thổ Châu.

Ngoài ra, thành lập TAND và VKSND TP Phú Quốc trên cơ sở thừa kế TAND huyện Phú Quốc và VKSND huyện Phú Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày 31-12, TP.HCM công bố nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức

Dự kiến ngày 31-12, TP.HCM tổ chức lễ công bố thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN