Trên những chuyến xe muộn chiều ba mươi Tết
Những bước chân vội vã để kịp về đón Giao thừa mang nặng tâm tư và những cảm xúc không nói nên lời.
Niềm vui của hành khách khi bước lên chuyến xe về quê đón Tết - Ảnh: Quang Định
Chiều cuối năm, phố phường vắng vẻ, mùi hương trầm lan toả phảng phất trong sắc đào chớm nở. Trong không khí đậm đặc hương vị Tết ấy, vẫn có không ít người vì nhiều lý do còn ở đâu đó rất xa gia đình. Những bước chân vội vã để kịp về đón Giao thừa mang nặng tâm tư và những cảm xúc không nói nên lời.
Tết muộn…
Là lái xe chuyên nghiệp hơn chục năm, gần như năm nào anh Nguyễn Việt Khanh, lái xe của nhà xe Hà Sơn - Hải Vân chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng phải đón Tết muộn do được công ty phân công chạy những chuyến xe cuối cùng, chiều giáp Tết. Chiều 29 Tết năm ngoái (Tết Bính Thân - 2016), anh Khanh cũng là người đảm nhận chuyến xe cuối cùng của công ty xuất bến Mỹ Đình về Lào Cai lúc 18h. Ngày cuối năm, sân bến vắng tanh nhưng với chủ trương “không để hành khách không có xe về quê ăn Tết”, tổ xe vẫn kiên nhẫn chờ đợi theo đúng biểu đồ chạy xe. Cứ tưởng chỉ còn một vài khách đặt vé qua điện thoại đã yên vị trên xe nhưng khi xe đang làm thủ tục xuất bến, bỗng một nhóm hành khách rất đông lục tục kéo đến. Chỉ trong chốc lát, những hàng ghế trống đã được lấp đầy.
“Nhìn dáng vẻ, tôi đoán họ chủ yếu là những người đi làm ăn hoặc có công việc cần giải quyết dứt điểm để khóa sổ năm cũ. Sự vội vã của họ khiến anh em tổ lái thực sự đồng cảm. Vào thời khắc ấy, không chỉ hành khách mà chính cánh lái xe chúng tôi cũng muốn nhanh chóng về nhà, có mặt bên gia đình đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới”, anh Khanh tâm sự.
Có mặt tại Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) dịp cuối năm, trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà xe cũng cho biết có kế hoạch phục vụ hành khách đến ngày cuối cùng của năm Âm lịch. Khi được hỏi lịch xe chạy đêm 30 Tết, nhân viên nhà xe Hoàn Hoa chạy tuyến Hà Nội - Vinh (Nghệ An) BKS 37B-012.48 cho biết, chuyến xe cuối cùng của nhà xe này xuất bến Nước Ngầm vào 18h đêm Giao thừa. “Anh cứ lấy số điện thoại của nhà xe, đặt chỗ trước một ngày. Cứ có khách là có xe chạy thôi. Đi xe đêm Giao thừa khác nào được ăn Tết xuyên Việt, lo gì”, phụ xe tếu táo nói. |
Chuyến xe đêm Giao thừa ấy, phải đến hơn 22h mới về đến Lào Cai. Đến cuối bến, không khí Giao thừa đã tràn ngập trên những con phố. Nhiều gia đình đã bày sẵn mâm ngũ quả trước hiên nhà để chờ cúng Giao thừa. Bến xe giờ ấy cũng vắng vẻ, taxi, xe ôm đều nghỉ cả nên công ty lại phải điều xe trung chuyển miễn phí đưa hành khách về nhà kịp đón Giao thừa như món quà tri ân khách hàng.
“Có những năm về sát giờ, chúng tôi ở lại luôn công ty đón Giao thừa cùng anh em. Những chuyến xe chiều cuối năm như thế ai cũng cảm thấy bâng khuâng. Cũng vì vậy mà anh em tổ lái đều tự nhắc mình phải lái xe cẩn thận, đi đúng tốc độ để bảo đảm an toàn cả cho hành khách lẫn bản thân”, anh Khanh nói.
Hành nghề lái xe taxi ở Hà Nội cũng được mấy năm, anh Nguyễn Văn Huy, lái xe hãng Bắc Á, nhà ở Nam Từ Liêm năm nào cũng phải đón Giao thừa ngoài đường. Dù đêm Giao thừa công ty không yêu cầu phải chạy xe nhưng do nhà ở Hà Nội nên 29 Tết năm rồi anh chạy xe cả đêm, chủ yếu phục vụ người quen. “Đêm Giao thừa thông thường các hãng taxi chỉ hoạt động đến 22h, chỉ có một số hãng chạy xuyên đêm. Khách đi chơi Giao thừa rất đông nhưng mình chủ yếu phục vụ khách quen. Chạy xe đêm Giao thừa cũng có nhiều cái vui. Được chứng kiến bà con đi chơi Tết. Nhiều người gọi xe đi chúc Tết đêm Giao thừa còn lì xì cho cả lái xe. Quà ít thôi nhưng vui và ấm cúng. Đã ba năm nay rồi không được đón Giao thừa với vợ con. Năm nay chắc mình phải xin nghỉ để đưa mấy đứa trẻ đi xem pháo hoa”, anh Huy chia sẻ.
Người Việt ở vùng miền nào, mỗi dịp Tết đến, dù có bận bịu đến đâu cũng muốn trở về sum họp bên mái ấm gia đình. Chị Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1989, quê Định Quán, Đồng Nai) tâm sự, chị hành nghề làm tóc ở quận Thủ Đức, TP.HCM đã 5 năm. Hai năm nay chị đều phải về nhà đêm Giao thừa. Năm 2014, khi chị bước chân vào ngõ nhà mình cũng là lúc chuông đồng hồ điểm 0h. Đứa con gái 4 tuổi chờ mẹ về chạy ào ra ngõ khóc và trách móc sao mẹ về trễ khiến chị rớt nước mắt.
“Vì công việc mưu sinh nên bọn em phải chiều khách để giữ mối. Vì thế, khi ngồi xe, trên hành trình trở về trong đêm Giao thừa nhìn không khí năm mới tràn đến, chỉ mong cho nhanh về đến nhà. Có lẽ bác tài xế cũng tâm trạng như thế nên suốt quãng đường dài trong xe đều lặng lẽ dù ngoài kia không khí vui xuân ngập tràn”, chị Nhàn nói.
Trong lúc đứng chờ xe trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh (TP.HCM) những ngày cuối năm 2016, chị Hoàng Thu Thủy (SN 1985, quê Bình Định) kể, Tết vừa rồi chị định không về nhưng vào phút chót thấy các gia đình sum vầy ngày cuối năm nên thay đổi quyết định. “Về sớm hơn sẽ kịp cùng chúng bạn đi bán cúc quỳ hay nướng tôm cá, ngồi hóng gió trên bãi biển về đêm. Năm rồi về trễ, qua ô cửa xe, em được chứng kiến nhiều vùng miền, địa phương đang hối hả chờ đón xuân. Những khoảnh khắc đó cho em nhiều trải nghiệm thú vị”, chị Thuỷ hóm hỉnh nói.
Bến xe Miền Đông yên tĩnh trong ngày 23 tháng Chạp năm 2015 (ngày 1/2/2016) - Ảnh: Trọng Hiền
Và những nghĩa cử đẹp trong đêm Giao thừa
Để phục vụ hành khách dịp Tết năm nay, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, TP.HCM cho biết, nhiều năm nay bến xe duy trì sự ưu ái đặc biệt cho hai chuyến xe và những hành khách cuối cùng. Vào đêm Giao thừa, bến xe miễn tất cả các loại phí ra vào, có thưởng cho hai chuyến xe cuối cùng của năm. Cùng đó, tất cả các hành khách trên hai chuyến xe sẽ được bến xe tài trợ đồ ăn, nước uống để khách yên tâm đón Giao thừa trên xe.
Cũng theo ông Huy, thường năm nào cũng có hai chuyến xe cuối rời Bến xe Miền Đông sau 23h là xe về Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trên xe không chỉ có riêng hành khách về hai tỉnh này mà còn có khách xuống dọc đường. Khách thường là những người làm nghề dịch vụ và họ không thể về sớm để đón Giao thừa với gia đình.
Đối với các bến xe tại Hà Nội, dịp giáp Tết chủ yếu là các xe chạy tuyến ngắn nên thông thường cũng chỉ đến 19h - 20h không còn hành khách đến bến xe. Tuy nhiên, các bến xe luôn được yêu cầu phải hoạt động 24/24 giờ để khi có yêu cầu của doanh nghiệp vận tải hay hành khách sẵn sàng phục vụ.
“Mấy năm nay thông thường chỉ đến 18h chiều 30 Tết là bến không còn xe. Những chuyến xe cuối năm như vậy chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để nhà xe phục vụ nhu cầu của những hành khách cuối cùng, để bà con có xe kịp về quê ăn Tết với gia đình”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết.