Tranh cãi về "tuổi hưu" máy bay

Sự kiện: Thời sự

Đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm của Bộ Giao thông Vận tải đang gây nhiều tranh cãi.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng đã trình Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2018 diễn ra ngày 28-9, đại diện Bộ GTVT đã trả lời hàng loạt vấn đề liên quan đến vấn đề này nhưng dư luận vẫn chưa thông.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Giải thích về đề xuất trên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 92, đã có ý kiến cho rằng quy định về tuổi máy bay hiện nay quá "chặt", đặc biệt là tuổi máy bay được phép nhập khẩu về Việt Nam. Theo Bộ GTVT, các hãng hàng không Việt Nam chưa xây dựng được đội máy bay chở hàng theo định hướng phát triển mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vì không đáp ứng được Nghị định 92.

Với tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, Vụ Vận tải đã nghiên cứu dựa trên quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và nhận thấy so với tuổi tàu bay của các quốc gia khác thì quy định của Việt Nam đang khá "chặt chẽ".

Cùng với thống kê của Cục Hàng không, Vụ Vận tải nhận thấy nếu Việt Nam nới tuổi "nghỉ hưu" của máy bay thì cũng chưa tới tuổi "nghỉ hưu" của máy bay trung bình trên thế giới. Đơn cử, theo Bộ GTVT, thống kê của Boeing cho thấy độ tuổi trung bình của máy bay vận chuyển hành khách là 28 năm với máy bay thân hẹp và 25 năm với máy bay thân rộng; với máy bay vận chuyển hàng hóa lần lượt là 38 năm và 31 năm.

Việc nâng độ tuổi máy bay chở khách lên 25 năm được đánh giá tạo thuận lợi rất lớn cho các hãng hàng không, đặc biệt là việc đi thuê máy bay ngắn ngày trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp hàng không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm, khai thác máy bay, nhất là loại hình máy bay trực thăng.

Tranh cãi về "tuổi hưu" máy bay - 1

Hãng hàng không đề nghị tăng thời gian sử dụng máy bay Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tăng tuổi, có tăng cường bảo dưỡng?

GS-TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, cho rằng tuổi thọ của máy bay phải do nhà sản xuất quy định chứ không phải do các cơ quan quản lý hay các hãng hàng không. Thông thường, số năm sử dụng sẽ do nhà sản xuất quy định bởi họ là đơn vị thiết kế. Trước khi xuất xưởng, các hãng sản xuất đã thử nghiệm toàn bộ, xem máy bay đấy chịu được hoạt động bao nhiêu năm, bao nhiêu giờ bay và đưa ra tuổi thọ trung bình.

Theo GS Cương, với những máy bay quân sự mà Việt Nam mua của Nga, khi hết hạn sử dụng nhà sản xuất quy định, phía Việt Nam đã tổ chức kiểm tra an toàn và nâng thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, với máy bay dân sự từ trước tới nay chưa bao giờ có việc nâng thời gian sử dụng.

Thừa nhận tuổi máy bay có tác động nhất định tới sự an toàn của phương tiện này song Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc khẳng định điều này không quyết định hoàn toàn. Sự an toàn của một máy bay phụ thuộc vào bảo dưỡng, duy trì, vận hành cũng như các quy định của ICAO và điều kiện riêng của Việt Nam.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, đã nhiều lần đề nghị bỏ quy định về tuổi máy bay để không gây ra sự hiểu nhầm về an toàn hàng không. "Kiểm soát an toàn hàng không hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến tuổi máy bay mà chỉ liên quan tới chương trình bảo dưỡng và các quy định về bảo dưỡng" - TS Nam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng không ngại máy bay cũ, vấn đề là máy bay có hoạt động tốt hay không. "Máy bay tốt hay không liên quan đến quy trình bảo dưỡng, bảo trì. Các hãng hàng không Mỹ vẫn sử dụng máy bay có tuổi 30-40 năm, là do có điều kiện thay được máy móc, thiết bị, đại tu, thậm chí thay toàn bộ thân máy bay" - ông Trung dẫn chứng.

Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung cho biết quy định bảo dưỡng máy bay còn tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện địa lý. Với khí hậu nhiệt đới, ôn đới, băng giá… có chương trình bảo dưỡng khác nhau. "Với đề xuất tăng tuổi máy bay, phải tăng quy trình bảo dưỡng" - ông Trung nói. 

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các thành viên Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo này, trong đó yêu cầu làm rõ có cho phép tăng tuổi thọ máy bay hay không.

Đầu tháng 9-2018, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp số đăng ký cho 3 máy bay gồm một chiếc Airbus A319 và 2 chiếc Airbus 320 mà hãng dự định thuê. Cả ba máy bay này đều có tuổi trên 10 năm.

Hiện nay, Vietjet Air có máy bay tuổi thọ trung bình 2,8 năm, Vietnam Airlines là 5,5 năm, Jetstar Pacific là 7,8 năm.

100% mảnh vỡ trên biển Quảng Bình không phải của máy bay Việt Nam

100% đây không phải là mảnh vỡ của máy bay Việt Nam, song chưa có kết luận cuối cùng về nguồn gốc của mảnh vỡ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN