Trắng đêm đuổi voi rừng: Phá nát "nhà" của voi

Việc tỉnh Đắk Lắk giao hàng chục ngàn hécta rừng ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H’leo cho các công ty tư nhân trồng cao su và tình trạng người dân phá rừng lấy đất sản xuất đã phá nát "ngôi nhà" của voi rừng.

Môi trường sống bị thu hẹp, thức ăn ngày càng khan hiếm là nguyên nhân làm cho voi rừng thường xuyên về khu dân cư phá hoại cây trồng. Điều đáng lo ngại là tần suất xuất hiện của voi tại khu vực người dân canh tác ngày càng nhiều, thậm chí chúng không ngại va chạm với con người.

Người lấn voi

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 5 đàn voi rừng với số lượng 60-70 con. Khu vực huyện Ea Súp có một đàn khoảng 22-24 con, nơi sinh sống chính là diện tích rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Lốp, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh. Vào mùa khô, đàn voi này di chuyển sang Campuchia để tìm thức ăn.

Trắng đêm đuổi voi rừng: Phá nát "nhà" của voi - 1

Voi rừng phá nát gần 2 sào lúa của gia đình anh Nguyễn Minh Khôi ở thôn 5, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp

Tại huyện Buôn Đôn, do có Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn nên số lượng voi rừng tập trung khá nhiều, từ 40-46 con, chia làm 4 đàn. Dù là VQG nhưng những năm gần đây, tình trạng khai thác gỗ, săn bắn thú rừng xảy ra thường xuyên nên môi trường sống của voi bị tác động mạnh. Vì vậy, có 1 đàn khoảng 25-27 con, cư trú chính ở khu vực phía Bắc VQG Yok Đôn thường xuyên di chuyển tới những khu rừng đã được giao cho Công ty Lâm nghiệp Anh Quốc và Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh. Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, đàn voi này thường xuyên di chuyển về khu vực canh tác, phá hoại cây trồng của người dân xã Ia R’vê, xã Ea Bung…

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Súp, cho biết phần lớn diện tích rừng trên địa bàn huyện đều giao cho 11 doanh nghiệp tư nhân trồng cao su và bảo vệ. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng không được doanh nghiệp chú trọng và tình trạng người dân vào rừng xâm canh xảy ra phổ biến nên rừng mất dần. "Con người đang phá nát ngôi nhà của voi nên chúng thường xuyên về nương rẫy để tìm thức ăn" - ông Phú nhận định.

Việc phá rừng, săn bắn voi trái phép cũng tạo tâm lý hung tợn trong đàn voi rừng. Chúng không ngại giáp mặt với con người. Nhiều trường hợp voi rừng tấn công người dân đã xảy ra. Điển hình là tối 27-10-2012, anh Cao Xuân Cảnh (Công an xã Ea Lê, huyện Ea Súp) bị 1 đàn voi quật chết tại Tiểu khu 276 thuộc lâm phần của Công ty TNHH Hải Hà. Trước đó, ngày 13-3-2011, trên đường đi làm rẫy về, anh Trần Văn Tư (ngụ xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) đã bị 1 con voi đực quật chết tại chỗ...

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, khẳng định: "Đàn voi quật chết anh Cảnh là đàn có 2 con bị thợ săn dùng súng quân dụng sát hại vào tháng 8-2012. Sau khi 2 con voi chết, cả đàn hoảng loạn, hung dữ, sẵn sàng tấn công người nếu chúng bắt gặp".

Số lượng voi rừng giảm mạnh

Theo đề án bảo tồn voi Đắk Lắk, vài năm trước, tỉnh này có 90-110 con voi rừng. Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện tỉnh chỉ còn 5 đàn voi với số lượng khoảng 60-70 con, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn và huyện Ea Súp.

Trắng đêm đuổi voi rừng: Phá nát "nhà" của voi - 2

Các lực lượng chức năng và người dân địa phương đang xua đuổi voi rừng ra khỏi khu vực canh tác

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, khu vực sống đang bị tác động mạnh làm cho voi rừng ngày càng hung dữ và có nguy cơ di chuyển sang Campuchia. Tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, trước năm 2012, voi rừng thường xuyên về phá hoại hoa màu của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây không còn thấy voi xuất hiện. Nguyên nhân là do khu vực này đã được nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp. Các công ty này đã tiến hành khai hoang rừng làm nhiễu loạn sinh cảnh. Rừng nguyên sinh bị tàn phá, thay thế vào đó là các diện tích cây cao su làm cho voi bỏ đi nơi khác.

PGS-TS Bảo Huy - Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, Trưởng nhóm nghiên cứu đề án Bảo tồn voi Đắk Lắk - nhận định: Trong các khu vực có voi rừng sinh sống hiện nay, chỉ vùng lõi của VQG Yok Đôn là ít bị con người tác động. Trong khi đó, hàng chục ngàn hécta rừng ở khu vực phía Tây Bắc huyện Ea Súp, vốn là môi trường sống lý tưởng của voi rừng, lại bị tỉnh giao cho các doanh nghiệp để trồng cao su. Điều này lý giải vì sao voi rừng thường xuyên về khu dân cư và ngày càng lì lợm.

"Nếu muốn bảo tồn voi, cần phải rà soát để quy hoạch một phần diện tích rừng đã giao các công ty lâm nghiệp thành rừng đặc dụng cho chúng sinh sống" - PGS-TS Bảo Huy đề xuất.

Thiếu tiền di dời dân

Thực hiện quyết định phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đang lấy ý kiến người dân và các chuyên gia bảo tồn động vật.

Theo đề xuất của sở này, trước mắt, cần di dời 7 hộ dân sống tại Tiểu khu 167, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ và 43 hộ dân thuộc thôn 3, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp ra khỏi khu vực voi sinh sống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, đó chỉ là đề xuất, trên thực tế rất khó di dời 50 hộ dân này vì không có kinh phí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Nguyên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN