Trạm điện, những ẩn họa dưới hầm nhà chung cư
Trong khi chưa hết lo sợ về những trạm điện lộ thiên có mặt khắp vỉa hè thì nhiều người dân giật mình khi biết ngay tại hầm chung cư vẫn còn tồn tại những trạm điện với đủ kích thước.
Trạm điện tại tầng hầm chung cư CT8 Đại Thanh (huyện Thanh Trì , Hà Nội) được đặt cạnh nơi để xe máy của các hộ dân. Ảnh: Hà Phương
Bất an với trạm điện trong hầm chứa xe
Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai – Hà Nội), khu chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì – Hà Nội), ngoài việc chứa hàng nghìn xe máy và có hầm chứa cả ô tô thì các hầm tòa nhà còn chứa các trạm điện với công suất lớn. Những trạm điện này được xây đặt ngay trong hầm chứa xe mà không có một khoảng không ngăn cách an toàn nào.
Anh Thành, một cư dân tại chung cư CT8 Đại Thanh lo lắng: “Cả khu hầm nối thông 3 tòa nhà luôn chật kín bởi xe máy. Chật đến mức, người ta chỉ trừ lại lối đi nhỏ vừa đủ để dắt được chiếc xe máy. Thế nhưng tại những vị trí sát cạnh trạm điện trong hầm, người dân còn tận dụng để xe máy chất kín. Nếu xảy ra cháy nổ không biết hậu quả sẽ thế nào”. Cũng theo lời anh Thành, ngoài 3 trạm điện ra, hầm CT8 - Đại Thanh còn là nơi đặt 3 máy phát điện công suất lớn phục vụ hệ thống điện công cộng và thang máy lúc mất điện và hệ thống máy bơm đẩy nước từ hầm chứa nước lên tầng thượng.
Được biết, khu đô thị Đại Thanh với 6 tòa nhà đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ cũng được hoàn thành sau đó không lâu. Hai khu chung cư này được chủ đầu tư bán cho khách hàng với hình thức trả tiền theo tiến độ. “Chủ đầu tư xây dựng rất nhanh, khi chúng tôi đặt bút ký mua nhà, lúc đó khu nhà còn đang là công trường ngổn ngang. Người mua không biết là có trạm điện ở ngay dưới hầm. Khi bàn giao nhà thì sự đã rồi. Cứ tự động viên nhau rằng “khi điện lực họ lắp trạm dưới hầm thì chắc hẳn phải có những chỉ số an toàn nhất định người ta mới làm”. Năm ngoái, sau khi trạm điện ở khu Xa La phát nổ thì chúng tôi không thể không lo”, anh Việt, cư dân khu đô thị HH1B bày tỏ.
Cùng chung tình cảnh trên, tầng hầm khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ cũng là nơi xếp hàng nghìn xe máy chung với trạm điện. Anh Trung, sống tại tầng 21 chia sẻ: “Trước đây mỗi lần ra vào hầm gửi xe tôi đều thấy trạm điện nhưng không để ý. Giờ thấy sự cố cháy nổ nhiều khiến mình rờn rợn, bất an. Chẳng ai dám chắc mấy trạm điện khổng lồ ngay dưới nhà mình hoạt động không bao giờ gặp sự cố”.
Sau vụ cháy xảy ra tại tầng hầm chung cư Xa La (Hà Đông – Hà Nội) tháng 10/2015 khiến 10 người bị thương do ngạt khói, một ôtô và 200 xe máy bị hư hỏng, cư dân nhiều khu chung cư ở Hà Nội tiếp tục kiến nghị tới các ban quản lý đưa trạm biến thế ra khỏi hầm gửi xe. Tuy nhiên, tại nhiều tòa nhà chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”. Và cứ vậy, hàng nghìn hộ dân, hàng vạn con người vẫn ngày đêm sống chung với nguy hiểm, với phập phồng âu lo.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Khói đen bốc ra từ trạm điện ở khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) vào tháng 3/2016.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Phạm Văn Quyết, Chỉ huy công trường, thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 135 cho biết: “Theo quy định, không cấm việc lắp trạm điện dưới hầm chung cư, tuy nhiên việc thiết kế phải đảm bảo các tiêu chuẩn cũng như công tác phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, rất ít tòa nhà chung cư lắp đặt trạm điện dưới tầng hầm cùng nơi để xe vì ở đó kín hơi, nhiệt độ cao dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ. Dễ thấy nhất là công tác cứu hộ cứu nạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khu vực xảy ra sự cố. Theo tôi, để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư cần bàn bạc với ban quản lý tòa nhà để tính đến phương án mở quỹ đất, kéo dài đường dây thuận tiện cho việc đưa bốt điện ra bên ngoài”.
TS Hoàng Hải Nam, chuyên gia xây dựng cho hay: “Tại Hà Nội, qua khảo sát của chúng tôi chỉ còn một số khu chung cư như Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ… còn để trạm điện ngay tầng hầm. Mặc dù tại một số tòa nhà, Ban quản lý đã xây lắp hệ thống kiên cố, có cửa ra vào trạm điện tuy nhiên nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu”. Ông Nam cũng cho biết thêm, trong trường hợp khi xảy ra cháy nổ mà xuất phát từ trục trặc trạm điện ở hầm chung cư, dẫn tới thiệt hại tài sản, nếu nguyên nhân cháy do điện thì bên phụ trách điện sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho người dân, còn nếu là nguyên nhân của Ban quản lý thì Ban quản lý sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống ở các toà nhà này.
“Như trường hợp chập điện dẫn đến nổ bốt điện ở chung cư Xa La tháng 10/2015 khiến hàng trăm người dân bị hỏng xe, chủ đầu tư nhận trông giữ thu tiền hàng tháng nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện. Trường hợp này, vé xe chính là “hợp đồng” giữa chủ đầu tư và người gửi xe. Do vậy để tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”, đơn vị quản lý tòa nhà cần sớm có biện pháp di dời trạm điện đến khu vực an toàn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
- Ngày 11/10/2015, vụ cháy lớn bất ngờ xảy ra tại khu chung cư Xa La, Hà Đông khiến nhiều người bị thương phải nhập viện cấp cứu; Hàng trăm ô tô, xe máy đã bị cháy dưới 2 tầng hầm. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện dưới tầng hầm tòa CT4A, lửa nhanh chóng lan theo đường dây điện, hộp kỹ thuật, gây thiệt hại cho các tầng phía trên. - Ngày 16/9/2015, tại chung cư HH4 Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra cháy lớn. Rất nhiều người mắc kẹt trong tòa nhà và phải đợi lực lượng chữa cháy huy động xe thang giải cứu.Trong vụ cháy này đã có 25 người được giải cứu, 43 người thoát nạn. - Ngày 11/8/2014, khi người dân chung cư CT6 Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đang đi thang máy lên nhà thì trạm biến áp phát nổ, nhiều người dân mắc kẹt phải gọi điện cầu cứu. Nguyên nhân là do nổ trạm biến áp, làm cháy rụi 3 chiếc xe máy. |