Trái đất quá nóng sau cuộc đại tuyệt chủng

Các nhà khoa học cho rằng Trái đất quá nóng để sự sống tồn tại sau cuộc đại tuyệt chủng lịch sử xảy ra cách đây 250 triệu năm.

Các chuyên gia đã từ lâu bối rối về kịch bản của cuộc đại tuyệt chủng xảy ra trong thời gian giữa kỷ Permi và kỷ Trias, cách đây khoảng 250 triệu năm. Giả thuyết cho rằng, 96% sinh vật biển và 70% động vật có xương sống trên cạn đã tuyệt chủng trong thời kỳ này do biến đổi khí hậu và núi lửa hoạt động.

Những loài sinh vật mới phải mất hàng chục nghìn năm để xuất hiện sau cuộc đại tuyệt chủng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc trường đại học Leeds (Anh) cho rằng ‘vùng chết’ này có thể kéo dài tới 5 triệu năm sau cuộc đại tuyệt chủng.

Trái đất quá nóng sau cuộc đại tuyệt chủng - 1

Hóa thạch răng của một loài cá cách đây 250 triệu năm

Các nhà khoa học người Anh giải thích rằng nhiệt độ ở các vùng nhiệt đới sau cuộc đại tuyệt chủng tăng lên mức kỷ lục, 60 độ C trên cạn và 40 độ C ở dưới biển, khiến sự sống không thể tái xuất hiện trong thời kỳ này.

Kết luận trên được các nhà khoa học đưa ra sau khi thu thập và phân tích dữ liệu từ 15.000 hóa thạch răng cá được tìm thấy ở khu vực miền nam Trung Quốc. Bằng cách nghiên cứu nguyên tử ôxy trong răng cá, họ có thể tính toán được nhiệt độ cách đây hàng trăm triệu năm.

“Biến đổi khí hậu đã từ lâu được cho là liên quan tới cuộc đại tuyệt chủng ở cuối kỷ Permi, nhưng nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy rằng nhiệt độ quá nóng khiến sự sống ở vùng xích đạo hồi sinh muộn hơn hàng triệu năm so với chúng ta nghĩ trước đây”, tiến sĩ Yadong Sun, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Trong thời kỳ Trái đất nóng kỷ lục, rừng không thể phát triển ở vùng nhiệt đới, chỉ có cây bụi, dương xỉ và các động vật biển có vỏ có thể tồn tại. Không có loài động vật trên cạn nào tồn tại trong thời kỳ này vì hệ trao đổi chất của chúng không thể thích hợp với điều kiện nhiệt độ cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Phong (Theo Daily Mail) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN