Tại sao Tây Phi dần trở thành điểm nóng khủng bố của thế giới?
Những cuộc tấn công tàn bạo đang diễn ra tại khu vực miền Tây châu Phi gần đây dấy lên quan ngại về việc khu vực này đang trở thành điểm nóng khủng bố của thế giới.
Theo nguồn tin ngoại giao và an ninh, một cuộc bạo kích tinh vi xảy ra tại thủ đô Bamako của Mali khiến hơn 70 người thiệt mạng hồi giữa tháng 9, cho thấy khả năng những phần tử khủng bố xâm nhập vào trung tâm quyền lực của đất nước, theo hãng tin Reuters.
Cuộc tấn công nhằm vào học viện cảnh sát và sau đó là sân bay chính ở Bamako, thiêu rụi phi cơ của tổng thống nước này, làm dấy lên nguy cơ bạo lực vốn đã âm ỉ đe doạ đất nước này trong suốt một thập niên qua. Tình trạng bạo lực này cũng khiến Tây Phi đang trở thành điểm nóng khủng bố mới.
Tây Phi hiện là điểm nóng khủng bố của thế giới. Ảnh: REUTERS
Điểm nóng khủng bố thế giới
Vụ việc trên cho thấy các nhóm thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những nhóm này nổi loạn chủ yếu ở vùng nông thôn ở Burkina Faso, Mali và Niger đã giết chết hàng nghìn thường dân và khiến hàng triệu người phải di dời.
Một phân tích của Reuters về dữ liệu từ nhóm giám sát khủng hoảng của Mỹ (ACLED) cho thấy số lượng sự kiện bạo lực liên quan các nhóm thánh chiến ở Burkina Faso, Mali và Niger gần như đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021. Kể từ đầu năm nay, trung bình có 224 cuộc tấn công khủng bố mỗi tháng, tăng từ 128 cuộc so với năm 2021.
15 nhà ngoại giao và chuyên gia nói với Reuters rằng nhiều vùng lãnh thổ do phiến quân thánh chiến kiểm soát cũng có nguy cơ trở thành bãi huấn luyện và bệ phóng cho nhiều cuộc tấn công hơn vào các thành phố lớn như Bamako, hoặc các quốc gia lân cận và mục tiêu của phương Tây trong khu vực hoặc ngoài khu vực.
Burkina Faso có lẽ là nơi bị hậu quả nặng nề nhất khi các chiến binh thánh chiến có liên hệ với Al Qaeda đã thảm sát hàng trăm thường dân chỉ trong ngày 24-8 tại thị trấn Barsalogho, cách thủ đô Ouagadougou 2 giờ chạy xe.
Tấn công khủng bố ở Tây Phi ngày càng gia tăng. Ảnh: AA
Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP - Úc) cho biết Burkina Faso lần đầu tiên đứng đầu Chỉ số Khủng bố Toàn cầu vào năm nay, với số người chết tăng 68% lên 1.907, chiếm 1/4 tổng số người chết liên quan khủng bố trên toàn thế giới. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết khoảng một nửa lãnh thổ Burkina Faso hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Một nhóm chuyên gia của LHQ giám sát hoạt động của hai tổ chức khủng bố Al Qaeda và IS ước tính rằng JNIM - phe phái liên kết với Al Qaeda hoạt động tích cực nhất ở Sahel, với khoảng 5.000 - 6.000 chiến binh, trong khi có khoảng 2.000 - 3.000 chiến binh ở khu vực này có liên hệ với IS.
Chuyên gia Wassim Nasr tại Trung tâm Soufan (Mỹ) cho rằng mục tiêu của những nhóm này là thiết lập chế độ Hồi giáo. Những kẻ thánh chiến áp dụng phương pháp kết hợp giữa cưỡng ép và cung cấp các dịch vụ cơ bản, bao gồm tòa án địa phương, để thiết lập hệ thống quản lý của chúng đối với các cộng đồng nông thôn vốn từ lâu đã bất mãn về sự bỏ bê của chính quyền trung ương yếu kém và tham nhũng.
Trước đó, hồi tháng 8, Văn phòng Chống khủng bố của LHQ (UNOCT) đã cảnh báo một vùng rộng lớn lãnh thổ ở một số khu vực ở châu Phi có thể rơi vào tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các chi nhánh của nó, theo đài RT.
Nguyên nhân khiến khủng bố gia tăng?
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bất ổn này là do việc đảo chính quân sự ở Burkina Faso, Mali, Niger nhằm chống lại chính phủ được hậu thuẫn từ các nước phương Tây như Pháp, Mỹ. Ngoài ra, việc suy yếu trong hệ thống quân sự cũng tạo lỗ hổng cho mạng lưới Hồi giáo tự xưng và các tổ chức khủng bố xâm nhập vào lục địa này.
Những vấn nạn xã hội không được giải quyết cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực. Sahel là một khu vực khô hạn rộng lớn trải dài ở phía nam sa mạc Sahara, sự khắc nghiệt từ lũ lụt và hạn hán xảy ra trong khu vực này cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, đã khiến cho người dân càng kiệt quệ. Đói nghèo và tệ nạn xã hội liên tục châm ngòi cho bạo động khi mà chính phủ của các nước trong khu vực không có những chính sách có thể giải quyết những vấn đề này.
Việc phong trào đẩy lùi khủng bố từ Mỹ và các quốc gia phương Tây suy yếu ở Tây Phi cũng khiến các tổ chức khủng bố mở rộng phạm vi hoạt động. Ảnh: REUTERS
Phong trào đẩy lùi khủng bố từ Mỹ và các quốc gia phương Tây cũng suy yếu. Các cường quốc phương Tây trước đây đã đầu tư rất nhiều vào nỗ lực đánh bại các chiến binh thánh chiến ở Tây Phi.
Quân đội Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) để theo dấu các chiến binh thánh chiến và chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh như Pháp để tiến hành các cuộc không kích chống lại các chiến binh. Nhưng giờ đây các nước phương Tây chỉ còn rất ít năng lực trên thực địa, đặc biệt là kể từ khi chính quyền quân sự ở Niger lên nắm quyền buộc Mỹ phải rút quân khỏi căn cứ cuối cùng ở nước này.
Các cuộc tấn công không chỉ đe dọa sự ổn định tại các quốc gia Tây Phi mà còn làm dấy lên lo ngại về sự phát triển mạnh mẽ của các thế lực Hồi giáo tự xưng, biến khu vực này trở thành điểm nóng khủng bố toàn cầu như tại Afghanistan hay Libya trước đây.
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn 280 tù nhân đã trốn thoát ở bang Borno (Nigeria) trong khi được sơ tán khỏi nhà tù bị nước lũ phá hủy.