TQ lo ngại "đòn tấn công phủ đầu" của Nhật

Nhật Bản đang xem xét khả năng tiến hành đòn tấn công phủ đầu trong chính sách quốc phòng, kế hoạch sẽ bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xem xét khả năng thực hiện những cuộc tấn công quân sự phòng ngừa theo chính sách quốc phòng mới trong động thái mới nhất nhằm thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của nước này.

Đề xuất nằm trong báo cáo chính sách quốc phòng do chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra vào thứ Sáu tới đây sẽ là tiếng chuông cảnh báo đối với Trung Quốc. Kết luận cuối cùng về báo cáo này sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.

TQ lo ngại "đòn tấn công phủ đầu" của Nhật - 1

Lính dù Nhật Bản trên đường ra trực thăng CH-47

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Abe theo đường lối cứng rắn đã cam kết tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với cái mà Nhật Bản coi là mối đe dọa về an ninh ngày càng tăng trong đó có thái độ hung hăng trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và cách hành xử khó lường của Triều Tiên.

Điều 9 của hiến pháp Nhật Bản do lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo sau Thế chiến II bác bỏ quyền phát động chiến tranh và loại trừ khái niệm về quân đội thường trực. Tuy nhiên trong thực tế lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là một trong những quân đội hùng mạnh nhất ở châu Á.

Báo chí Nhật Bản ngày 25/7 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ nghiên cứu báo cáo này để tìm hiểu cách “tăng cường khả năng răn đe và đáp trả tên lửa đạn đạo”. Tuy nhiên để tránh các vấn đề nhạy cảm, báo cáo này sẽ không đề cập cụ thể đến khả năng tấn công các căn cứ của kẻ địch khi xảy ra nguy cơ bị tấn công.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ xem xét mua sắm máy bay trinh sát không người lái và thành lập lực lượng Thủy quân lục chiến nhằm bảo vệ các hòn đảo xa như nhóm đảo Senkaku hiện đang tranh chấp với Trung Quốc.

TQ lo ngại "đòn tấn công phủ đầu" của Nhật - 2

Nhật sẽ thành lập lực lượng Thủy quân lục chiến bảo vệ đảo xa

Giáo sư Marushige Michishita thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản cho hay: “Việc mua sắm vũ khí tấn công sẽ là thay đổi căn bản trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, một sự thay đổi mang tính học thuyết.”

Tuy nhiên để có được khả năng tiến hành các cuộc tấn công phòng ngừa đòi hỏi phải có thời gian, tiền bạc và huấn luyện.

Những chính sách mới này cũng nhằm hưởng ứng các động thái của Thủ tướng Abe trong việc dỡ bỏ rào cản pháp lý đối với việc thực hiện quyền phòng thủ tập thể hoặc giúp đỡ đồng minh bị tấn công, chẳng hạn như khi Triều Tiên tấn công bằng tên lửa vào Mỹ.

Báo cáo quốc phòng này cũng hối thúc việc thay thế lệnh cấm tự ban hành của Nhật Bản đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí để các nhà thầu quốc phòng Nhật Bản dễ dàng tham gia các dự án quốc tế hơn và giảm thiểu chi phí mua sắm vũ khí.

Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt trước kế hoạch này của Nhật Bản, đặc biệt là sau khi đảng của ông Abe giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua.

Chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ nhận định: “Dù Nhật Bản giải thích thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc sẽ công kích nước này rất kịch liệt.”

Ở Nhật Bản, dư luận ngày càng ủng hộ tăng cường sức mạnh quân sự của nước này với nỗi lo ngại về Trung Quốc.

TQ lo ngại "đòn tấn công phủ đầu" của Nhật - 3

Máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản

Từ lâu, Nhật Bản đã cố tìm cách nới lỏng các hạn chế của Điều 9 hiến pháp và cho rằng nước này có quyền tấn công các căn cứ kẻ thù ở nước ngoài khi có bằng chứng cho thấy Nhật Bản sẽ bị tấn công và không còn lựa chọn phòng vệ nào khác.

Tuy nhiên trong khi các chính quyền trước đều né tránh việc mua sắm các loại vũ khí tấn công nhằm hiện thực hóa khả năng này thì lần đầu tiên chính phủ của ông Abe đã xem xét đến việc trang bị cho quân đội nước này khả năng tấn công.

Hiện tại Nhật Bản có năng lực tấn công khá hạn chế với các máy bay chiến đấu F-2 và F-15, máy bay tiếp dầu trên không và bom vạn năng JDAM. Tokyo đang có kế hoạch mua sắm 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lookheed Martin và sẽ nhận 4 chiếc đầu tiên vào tháng 3/2017.

Tuy nhiên, để có khả năng tấn công các căn cứ tên lửa trên đất liền của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản sẽ phải có được những tên lửa có tầm bắn xa hơn tên lửa hành trình, chẳng hạn như tên lửa xuyên lục địa. Thế nhưng những tên lửa này ngốn rất nhiều tiền và đòi hỏi phải có thời gian cũng như công sức huấn luyện mới có được khả năng tấn công linh hoạt và có ý nghĩa.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN