TQ định xây dựng tuyến tàu điện vượt biển tới Mỹ
Trung Quốc đang xem xét xây dựng tuyến tàu điện cao tốc dài 12.874 km nối với lãnh thổ Mỹ.
Di chuyển với tốc độ 349 km/giờ, tàu điện cao tốc sẽ khởi từ miền đông bắc Trung Quốc, chạy qua vùng Siberia của Nga và đi vào đường hầm dài 201 km dưới eo biển Bering, khoảng cách ngắn nhất giữa Nga và bang Alaska của Mỹ. Sau đó, tàu sẽ tiếp tục chạy trên đất liền ở Alaska, qua Canada trước khi tới trạm dừng cuối cùng ở Mỹ.
Hiện chưa rõ liệu chính phủ Mỹ, Canada và Nga có đồng ý với kế hoạch tham vọng của Trung Quốc hay không. Nhưng theo China Daily, các kỹ sư cho biết dự án này sẽ là một sự thay thế khả thi cho di chuyển bằng đường không.
Nếu hoàn thành, tuyến đường sắt nối Trung Quốc và Mỹ sẽ dài hơn 3.700 km so với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga và trở thành tuyến đường sắt dài nhất trên thế giới. Đoạn chạy ngầm dưới biển cũng dài gấp 4 lần chiều dài của đường hầm eo biển Manche nối Anh và Pháp.
Cho dù kế hoạch vẫn chưa được thông qua, nhưng chính phủ Trung Quốc được cho là sẽ phát triển và đầu tư vào dự án, sau khi nước này trở thành những cường quốc thế giới về tàu điện cao tốc.
Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới tàu điện cao tốc dài nhất thế giới với tổng chiều dài toàn tuyến 10.000 km. Tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới nối Bắc Kinh và Quảng Châu được đưa vào sử dụng năm 2012. Trước đó, một hành trình dài 2.298 km phải mất 24 giờ, nhưng khi những đoàn tàu chạy với tốc độ 270 km/giờ được đưa vào khai khác, hành trình trên chỉ còn 8 giờ.
Tháng 1 vừa qua, một dự án đường sắt quốc tế trị giá nhiều tỷ USD nối giữa Mỹ và Mexico cũng được công bố, tuyến đường dài 482 km kết nối San Antonio, Texas, Mỹ với Monterrey của Mexico. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ 5 giờ bằng ô tô xuống 2 giờ bằng tàu điện.