TP.HCM: Nhà nghiêng vẫn có cách cứu

Trước tình trạng hàng loạt căn nhà bị nghiêng tại TP.HCM, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là do nền đất yếu và xử lý móng không đạt.

Dọc các đường Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13, thuộc các phường 25, 26, quận Bình Thạnh, người ta dễ dàng thấy những căn nhà nhiều tầng xiêu vẹo. Đặc biệt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ ngã tư Ung Văn Khiêm đến cầu Thanh Đa hình thành cả “phố nhà nghiêng” như Khám Phá đã phản ánh. Chỉ riêng phường 26 đã có 23 căn nhà đang nghiêng, chưa kể những căn đã và đang chống nghiêng. Vì sao có hiện tượng này?

Xây trên nền đất yếu

PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc liên hiệp địa chất công trình - xây dựng và môi trường, người đã thành lập bản đồ địa chất công trình phục vụ cho xây dựng của TP.HCM từ năm 1980 - 1982 khẳng định: những căn nhà nghiêng tại quận Bình Thạnh được xây dựng trên vùng có địa hình thấp, nền đất yếu, cấu tạo địa chất không ổn định.

Không chỉ quận Bình Thạnh, nhiều công trình tại các quận Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ; quận 2, 7, 8, một phần quận Thủ Đức, Bình Tân… thuộc vùng có cấu tạo địa chất yếu, thi công móng không đúng, nguy cơ nghiêng rất dễ xảy ra. Vùng đất yếu thường nằm gần các con sông, rạch, vùng trũng và có lớp bùn dày từ vài mét đến hàng chục mét, có khi cả trăm mét.

TP.HCM: Nhà nghiêng vẫn có cách cứu - 1

Phòng giao dịch Thanh Đa của ngân hàng Vietcombank của chi nhánh Bình Thạnh số 612, trên đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, cũng không đứng vững

Đối với vùng có địa hình thấp này khi xây dựng cần khảo sát địa chất kỹ trước khi thiết kế. Thường phải áp dụng biện pháp ép cọc, hoặc khoan cọc nhồi mới đảm bảo cho tải trọng của công trình. Thi công móng đúng, tại các vùng đất yếu này vẫn xây dựng được tòa nhà vài chục tầng không có gì khó khăn.

Khác với vùng đất yếu, theo PGS.TS Diệp, tại TP.HCM thuộc các quận 1, 3, 10; một phần quận 9, quận 11; quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp; huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi…, cấu tạo địa chất cho phép nhà hai, ba, thậm chí bốn tầng móng làm trực tiếp trên đất không cần phải đóng cừ, cọc.

Móng không đảm bảo

Tại các vùng đất yếu ở TP.HCM, móng nhà không thể làm theo kiểu đóng cừ tràm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người chủ nhà khi xây dựng vẫn sử dụng cách thiếu đảm bảo này. Do cừ tràm không có đủ độ đài đến lớp đất cứng phía dưới (có nơi sâu đến cả 100m), nên sau thời gian sử dụng công trình bị nghiêng là điều khó tránh khỏi, PGS.TS Diệp phân tích.

TS Hoàng Nam, Phó trưởng khoa xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ ra: “Nhà nghiêng sau thời gian sử dụng có nhiều nguyên nhân và thường liên quan đến nền móng. Nổi bật phải kể trước khi xây dựng không khảo sát địa chất, hoặc khảo sát chưa đủ. Thi công móng bằng cách đóng cừ tràm, hoặc ép cọc chưa đến lớp đất cứng cần thiết”.

TP.HCM: Nhà nghiêng vẫn có cách cứu - 2

Căn nhà đối diện số 226 lại nghiêng hẳn sang bên phải

Theo TS Nam: yêu cầu trước khi thiết kết một căn nhà phải khảo sát địa chất nền. Một nhà có diện tích 4 x 20 m, cần phải khoan ba mũi cho đến khi đến lớp đất cứng để có cách thiết kế, thi công móng thích hợp.

Nhưng trên thực tế nhiều chủ nhà do không hiểu, tiết kiệm kinh phí, lấy thông số địa chất từ các hộ xung quanh để áp dụng. Mặt khác nhiều chủ nhà khoán trọn gói khảo sát, thiết kết, đến thi công cho một đơn vị. Đơn vị nhận thầu này làm không đủ, hoặc bỏ qua một số bước để tiết kiệm kinh phí làm cho ngôi nhà thiếu chất lượng.

Cùng với đó tình trạng bát nháo trong xây dựng hiện nay cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nhiều chủ thầu khi nhận thi công, làm móng theo kinh nghiệm. Trong khi đó, PGS.TS Diệp khẳng định: “Địa chất tại các vùng đất yếu có sự khác nhau trong một khu vực rất nhỏ”.

Cứu nhà nghiêng

“Để trả lại căn nhà không còn nghiêng, về giải pháp kỹ thuật có nhiều cách. Tuy nhiên việc xử lý khá phức tạp, có khi chi phí để chống nghiêng có thể lớn hơn xây mới”, TS Nam nói. Một căn nhà đang nghiêng đều, kết cấu phía trên chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng trong quá trình chống nghiêng vẫn có những rủi ro nhất định.

Với kinh nghiệm di dời, chống nghiêng cho công trình, sau một vòng khảo sát nhà nghiêng tại khu vực Bình Thạnh, anh Nguyễn Trung Nguyễn, con “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy và là Phó giám đốc Công ty xây dựng Cẩm Lũy khẳng định: Những ngôi nhà đang xiêu vẹo này có thể được xử lý cho thẳng lại. Chi phí xử lý hết nghiêng cho một căn ước tính khoảng 400 triệu đồng. Chiều cao của công trình không có tính quyết định nhiều đến chi phí.

Theo nhận định ban đầu của anh Nguyễn, những căn nhà này bị nghiêng do móng yếu, để chống nghiêng được phải ép cọc lại. Thời gian sửa chữa hết nghiêng cho một nhà khoảng ba tháng, hiệu quả kéo dài trong nhiều năm.

Cũng theo anh Nguyễn, với trường hợp một nhà nghiêng đứng gần những căn không nghiêng, không khó để trả lại vị trí ban đầu. Nhưng nếu nhiều căn nghiêng nằm kề nhau thì sửa phải sửa hết, hoặc chỉ sửa được với căn ngoài cùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN