TP.HCM đề xuất mô hình "hiệp sĩ" bắt cướp

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Sáng 1-3, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM, các lãnh đạo nêu nhiều giải pháp để kéo giảm tội phạm. Đáng chú ý là đề xuất nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm.

TP.HCM đề xuất mô hình "hiệp sĩ" bắt cướp - 1

Công an phường 2, quận 6 kết hợp với đội xe ôm tự quản bắt một đối tượng cướp giật trên đường phố. Ảnh: Văn Bình

Căn cứ pháp lý nào để mô hình này hoạt động, mô hình câu lạc bộ “hiệp sĩ” ở Bình Dương có những ưu điểm và tồn tại gì để TP.HCM có thể học tập? Chúng tôi ghi nhận thực tế cùng ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.

Thưởng cho người truy bắt tội phạm

TP.HCM sẽ học tập kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả trong việc người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự.

Như chúng tôi đã thông tin, tại hội nghị, sau khi nghe hàng loạt giải pháp, đề xuất của ngành công an, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Công an TP nghiên cứu đề xuất cơ chế hình thành, quản lý các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm phòng, chống tội phạm (PCTP).

Khuyến khích dân tham gia

TP.HCM đề xuất mô hình "hiệp sĩ" bắt cướp - 2

Trung tướng Lê Đông Phong

Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong (ảnh), Giám đốc Công an TP.HCM, cho hay các CLB, đội nhóm PCTP tình nguyện mà Công an TP đang nghiên cứu thành lập cũng giống như mô hình CLB PCTP ở Bình Dương. “Tức là một cách thức tổ chức để cho họ sinh hoạt” - ông Phong nói.

Ông cũng cho biết TP.HCM không tổ chức đại trà mà chỉ những người có khả năng, điều kiện và tình nguyện tham gia thì TP sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy với tư cách là thành viên tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trực tiếp PCTP.

“Đề xuất trên đang trong quá trình nghiên cứu. Công an sẽ xem xét tất cả khía cạnh về hình thức tổ chức, thẩm quyền, quy trình, trình tự, cơ chế vận hành… của CLB PCTP” - tướng Phong nói.

Trình bày thêm về mô hình CLB PCTP, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, nói: “Hiện Công an TP chưa có lời giải về mô hình này nhưng rõ ràng các tỉnh xung quanh TP, đặc biệt là Bình Dương đã có CLB PCTP”.

Nhiều cái khó cần tháo gỡ

Theo tướng Minh, TP.HCM hiện có rất nhiều nhóm mà báo chí nói là “hiệp sĩ”. Mô hình mà người dân tự hình thành để đeo bám, phát hiện, bắt giữ tội phạm gây án ở nơi công cộng sẽ được quản lý và đài thọ như thế nào? TP chưa có quy định nên Công an TP phải đề xuất nghiên cứu. “Cái khó là không thể giao thẩm quyền cho một địa bàn quận, huyện vì phạm vi hoạt động, đeo bám đối tượng gây án của họ rất rộng” - ông Minh nói.

Do đó, ông Minh cho biết Công an TP sẽ nghiên cứu thêm để đề xuất các hình thức công nhận, việc thẩm tra tư cách thành viên, trách nhiệm hướng dẫn họ kể cả pháp luật và một phần nghiệp vụ. “Có bột mới gột nên hồ, quan trọng hơn là chế độ đãi ngộ ra sao. Tôi nghĩ rằng sẽ thưởng bằng ngân sách, lâu nay không ai cấm nhưng khá cứng. Còn nếu thưởng bằng quỹ an ninh quốc phòng, quỹ này do HĐND ấn định định mức khung, rõ ràng chưa đáp ứng được. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên Công an TP cũng đã có lần kiến nghị nhưng không thể giải quyết được” - ông Minh lý giải.

Học tập các mô hình hay của các tỉnh lân cận

Tại hội nghị, sau khi nghe các đề xuất, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ lựa chọn, nhân rộng những mô hình mà nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự có hiệu quả theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ. “Đồng thời, TP.HCM sẽ học tập những kinh nghiệm, những mô hình hay của những địa phương khác mà phù hợp với TP. Tăng cường các trang bị, phương tiện để bảo đảm cho lực lượng tại chỗ và vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện PCTP” - ông Phong nói.

Bên cạnh đó, ông Phong cũng đề nghị chính quyền địa phương khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thưởng công cho người truy bắt tội phạm. “Không loại trừ khả năng tham mưu thành lập quỹ PCTP” - ông nói.

Mô hình tự quản ở một khu phố

Trong ba năm liền, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP.HCM) được quận công nhận là một trong những khu phố đi đầu trong công tác đấu tranh PCTP của phường. Khu phố xây dựng 54 nhóm hộ tự quản, duy trì sinh hoạt định kỳ, vận động 11/11 tổ dân phố đóng góp kinh phí lắp đặt camera những tuyến hẻm, khu vực phức tạp trên địa bàn. Người dân còn bắt bóng đèn chiếu sáng những nơi tối vắng.

Tại các con hẻm, số điện thoại của cảnh sát khu vực, công an phường, bảo vệ khu phố được dán công khai để người dân báo tin các vụ phạm pháp, cướp giật, trộm, đối tượng nghi vấn…

Nhờ hệ thống 40 camera, người dân đã phát hiện nhiều vụ trộm xe, truy bắt nghi phạm giao công an xử lý. Hằng đêm bảo vệ dân phố, dân phòng tuần tra nhắc nhở các hộ có biểu hiện thiếu cảnh giác đề phòng kẻ gian. Khu phố có dân quân và dân phòng chia ca trực 24/24 giờ. Ngoài ra, các hộ tự quản, nhà nào đi vắng nhà bên trông coi.

“Người dân ủng hộ mô hình tự quản cũng như việc lắp đặt đèn đường, camera chống trộm. Khu phố 9 giáp ranh với quốc lộ 1 (ngay chân cầu Bình Thuận), đường Cây Cám (giáp xã Vĩnh Lộc B) trước đây hay xảy ra trộm cắp, cướp giật nhưng hiện nay đã giảm hẳn…” - ông Nguyễn Cẩm Thạch (ngụ khu phố 9) nói.

ND

6.000 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong năm 2015 ở TP.HCM (so với năm 2014 giảm 377 vụ), giảm chủ yếu ở các loại án xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tá Lâm (Pháp luật TP.HCM)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN