Tổng Bí thư: Sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, lấy phiếu tín nhiệm là “đúng, cần thiết, sắp tới sẽ tiếp tục làm chứ không không phải không làm nữa”.
Chiều 3/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ bảy, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một trong những nội dung được cử tri quan tâm là vấn đề lấy phiếu tín nhiệm.
Đây là việc làm được cử tri rất hoan nghênh, nhưng Quốc hội sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 5/2014 để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...
Cử tri đề nghị tới đây khi sửa Nghị quyết, Quốc hội chỉ nên quy định việc lấy phiếu ở hai mức tín nhiệm hay không tín nhiệm, không nên quy định 3 mức như đã làm. Bên cạnh đó, chỉ nên lấy phiếu với người lãnh đạo thuộc cơ quan hành pháp. Còn Quốc hội – cơ quan lập pháp làm việc theo tập thể, quyết định theo đa số nên trách nhiệm cá nhân không rõ, vì thế không cần phải lấy phiếu tín nhiệm. Cử tri cũng đề nghị tổ chức định kỳ lấy phiếu tín nhiệm hằng năm...
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phân biệt rõ hai việc “lấy phiếu” và “bỏ phiếu” tín nhiệm.
Theo Hiến pháp, khi UB Thường vụ Quốc hội hoặc 20% ĐBQH trở lên đề nghị thì mới xem xét đến việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là “đúng, cần thiết"
Tổng Bí thư nói: “Bỏ phiếu nghĩa là bỏ phiếu để miễn nhiệm. Nhưng việc này chúng ta chưa thực hiện bao giờ, chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai”.
“Còn lấy phiếu tín nhiệm chưa phải là bỏ phiếu tín nhiệm, mà chỉ là để thăm dò tín nhiệm, xem người đó được đánh giá như thế nào”.
Theo Tổng Bí thư, đây là “kênh” để đánh giá cán bộ. Bởi vì, đôi khi trong họp chi bộ, nội bộ nể nang nhau không nói hết, nhưng dân biết hết cả. Lấy phiếu tín nhiệm để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm, nếu hai lần lấy phiếu có kết qủa quá thấp, mặc nhiên phải đưa ra để bỏ phiếu.
“Đây là biện pháp răn đe, ngăn ngừa, cảnh báo việc làm không tốt để làm tốt hơn chứ không phải để làm mất tín nhiệm của ai”.
Từ hai việc khác nhau giữa “lấy phiếu” và “bỏ phiếu” nên có chuyện 2 mức hay 3 mức tín nhiệm. Nếu bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Nhưng lấy phiếu tín nhiệm có 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, để xem cán bộ đó ở mức nào, nếu tín nhiệm thấp tức là cảnh báo cho người đó.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là tốt nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm. Vì ở cấp cơ sở thì không sao nhưng với cấp trung ương, đưa một lãnh đạo cao cấp ra bỏ phiếu rồi công bố kết quả công khai thì phải làm hết sức thận trọng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Hiện nay, vẫn còn ý kiến khác nhau về những ai sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm; lấy tín nhiệm 2 mức hay 3 mức; thời hạn thời điểm lấy phiếu tín nhiệm kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ bàn bạc, cân nhắc.
Ông nói thêm, lúc đầu Nghị quyết của Trung ương nói hàng năm lấy phiếu tín nhiệm, thực tế cho thấy tổ chức lấy phiếu phải tổ chức rất công phu. Đánh giá cán bộ, tự kiểm điểm cá nhân, cung cấp tài liệu... không thể dựa vào cảm tính được. Nếu cứ lấy phiếu hàng năm, có khi lại dẫn đến loanh quanh, đối phó rồi co lại, không dám làm, vì giữ mình, nếu không cẩn thận có khi phiếu thấp.
Quốc hội đang đề nghị sửa Nghị quyết 35, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Sắp tới, Quốc hội sẽ bàn chuyện này.
“Thực tế làm có những phức tạp, vì thế phải làm sao cho chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên lấy phiếu tín nhiệm là đúng, cần thiết và sẽ tiếp tục làm chứ không phải không làm nữa”, Tổng Bí thư nói.