Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (12/9), nhiều đại biểu nói rằng, chỉ nên quy định 2 loại phiếu “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, thay vì 3 mức như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ, dư luận cho rằng, lấy 3 mức phiếu là cách làm có tính chất dung hòa, khó đạt kết quả thực chất. Với cách chia phiếu thành 3 mức, sẽ rất ít người bị nhận số phiếu thấp tới 2/3.
Do vậy, chỉ nên lấy tín nhiệm các chức danh ở 2 mức phiếu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện kiến nghị, “nên quy định 2 mức phiếu tín nhiệm, còn để 3 loại phiếu như hiện nay, người dân thấy rất khó hiểu...”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nếu ĐBQH chú ý sâu hơn tới từng lĩnh vực bỏ phiếu, chắc chắn kết quả bỏ phiếu sẽ sát thực hơn. Vừa qua, có ngành bị kêu nhiều, nhưng phiếu vẫn cao, có lẽ ĐB mới chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế, nên chưa thấy hết trách nhiệm của một số bộ, ngành khác. Ở các địa phương, có lĩnh vực tình hình rất phức tạp, thậm chí diễn biến xấu, nhưng phiếu tín nhiệm vẫn cao. Cho nên, để đánh giá kết quả lấy phiếu đã sát thực chưa, phải mổ xẻ từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng cụ thể.
“Nên quy định chỉ lấy 2 mức phiếu “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, không nên quy định 3 mức như hiện nay, vì vừa hình thức vừa tốn kém. Chúng ta cứ bàn đi bàn lại, cứ nghĩ đây là công trình vĩ đại, nhưng xong rồi thấy cũng bình thường. Việc lấy phiếu cần phải đơn giản hơn, đơn giản như cách nghĩ của chính người dân vậy. Cử tri, người dân họ chú ý đến số phiếu thấp chứ còn phiếu tín nhiệm cao hay tín nhiệm, đến tôi cũng không thể nhớ hết”, ông Phước phát biểu.
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 21 để cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Nên lấy phiếu giám đốc sở - ngành
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói rằng cử tri, dư luận đặt câu hỏi có nên lấy phiếu đối với các ĐB dân cử hay không? Đây là vấn đề Thường vụ đã nêu ra trước khi có nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. “Trên thế giới, người ta cũng chỉ bỏ phiếu đối với các vị trí thuộc cơ quan hành pháp, chứ không bỏ phiếu đại biểu dân cử”, ông Hiển nói.
Ông Phước cho rằng “lấy phiếu đối với ĐB dân cử không cần thiết”. Vừa qua, lấy phiếu các chức danh ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND đều có số phiếu cao, nhưng bên Chính phủ, UBND thì số phiếu cao không nhiều. “Khi chấm điểm thì anh không va chạm thường có phiếu cao hơn. Vì vậy, nên thôi không lấy phiếu đối ĐB dân cử. Còn khi ĐB dân cử vi phạm, có thể lấy phiếu bất tín nhiệm luôn. Sát sườn với dân là ĐB cơ quan hành pháp cho nên cần bổ sung lấy phiếu đối với các trưởng ngành, giám đốc các sở - ngành”, ông Phước đề xuất.
“Vừa qua có những giám đốc sở là đại biểu HĐND đi bỏ phiếu các ĐB dân cử khác, nhưng chính bản thân họ là một chức danh quan trọng lại không được đưa ra lấy phiếu”, ông Hiển băn khoăn.
Trên cao, dưới thấp
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, bên cạnh việc đánh giá trách nhiệm người bỏ phiếu, cần phân tích kết quả xem phiếu cao hay thấp là do đâu. Kết quả vừa qua cho thấy, càng xuống dưới cơ sở, số người bị phiếu thấp càng nhiều: Cấp tỉnh có 2 người, huyện có 12 người, còn xã thì mấy trăm người phiếu tín nhiệm thấp trên 50%. Phải chăng do cán bộ cấp xã yếu kém hơn, dễ thấy, càng lên cao vì càng xa nên khó đánh giá? “Cần đánh giá cả những mặt khác như xem họ có liên quan đến tham nhũng không, phẩm chất ra sao, nguyên nhân do đâu mà phiếu thấp”, ông Hiện nói.
Về thời gian lấy phiếu, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất: “Cần tạo điều kiện cho cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đưa ra những quyết định quyết liệt, hoặc có thời gian để khắc phục sai sót, nên tổ chức lấy phiếu 2 năm một lần”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chốt lại, cần khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua thực hiện rất nghiêm túc, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, kết quả lấy phiếu cũng được công khai. Kết quả lấy phiếu đã tác động, khích lệ, động viên cán bộ, đồng thời cũng là dịp nhắc nhở, răn đe để cán bộ làm hết trách nhiệm của mình.
Theo báo cáo của Ban công tác ĐB, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đối với 47 người ở trung ương, không người nào có số phiếu thấp trên 50%. Số người có phiếu tín nhiệm thấp trên 50% ở cấp tỉnh: 2 người (0,3%); cấp huyện: 12 người (0,2%), cấp xã: 396 người (0,8%). |