Tổn thất điện, nước: Dân lãnh đủ

Giá điện vừa tăng, người dân thêm lo ngại khi Bộ Tài chính mở đường cho doanh nghiệp tăng giá nước. Trong khi đó, tổn thất điện, nước vẫn ở mức cao, doanh nghiệp lại được phép “chia” cho người dân gánh chịu.

Điện: Tổn thất cả ngàn tỉ đồng

Sau nhiều năm tích cực giảm tổn thất điện năng, thế nhưng mức tổn thất này ở VN vẫn là 9-10% và sắp tới có thể tăng lên... Tổn thất trên sẽ phải được tính vào giá thành và cuối cùng người phải chi trả không ai khác là người tiêu dùng.

Theo ông Dương Quang Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), tổn thất điện năng dự kiến năm 2012 đạt mức 9,2%. Như vậy, với kế hoạch tổng lượng sản xuất ra mua vào năm 2012 của EVN là trên 118 tỉ kWh, tổng số điện tổn thất sẽ lên tới khoảng 11 tỉ kWh. Theo một quan chức Hiệp hội Năng lượng VN, tất nhiên mức tổn thất trên sẽ được EVN nhân với giá thành mua điện và số tiền phải tính vào giá thành bán điện chắc chắn cũng lên đến cả ngàn tỉ đồng.

Trong khi đó, việc giảm mức tổn thất theo tính toán của Bộ Lao động - thương binh và xã hội (từ báo cáo của EVN từ năm 2008 đến nay), mỗi năm tập đoàn này giảm được khoảng 0,93% tổn thất điện năng và đã giúp tiết kiệm được khoảng 200 tỉ đồng.

Tổn thất điện, nước: Dân lãnh đủ - 1

Công nhân Công ty Cấp nước Gia Định sửa đường ống nước bị vỡ trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Giảm tổn thất: Điều không thể

Ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, xác nhận tổn thất điện năng hiện nay đang được tính vào giá thành điện của EVN, bởi họ không thể tính vào đâu khác và về nguyên tắc điều này được phép. Ông Phúc cho rằng hiện tổn thất điện năng chủ yếu là tổn thất về mặt kỹ thuật... Theo ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN, trong một phát biểu tại Bộ Công thương cho rằng trong quá trình truyền tải điện trên đường dây bao giờ cũng phát sinh tổn thất. Vì vậy giảm hết tổn thất điện năng là điều... không thể.

Trao đổi với PV, một quan chức EVN cho biết muốn giảm tổn thất điện năng, điều quan trọng nhất là phải cải tạo hệ thống truyền dẫn điện, chống được tình trạng quá tải... Chi phí để làm việc này cực cao, vượt quá khả năng tài chính của EVN nên chỉ có thể làm dần dần, từng bước, không thể giảm nhanh được. “Muốn giảm tổn thất xuống 5% cũng được, nhưng phải đầu tư cả trăm ngàn tỉ đồng để chống quá tải, thay hệ thống dây điện cũ nát, thay mới các trạm biến áp...” - quan chức này nói.

Nếu như năm 1995, tổn thất chung của cả nước lên tới 21,5% thì đến năm 2008, mức tổn thất xuống còn 9,21%. Về tiềm năng giảm tổn thất điện năng, ngay Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trong cuộc trả lời trực tuyến tại website Chính phủ ngày 28/6 đã thẳng thắn: “Hi vọng thời gian tới tổn thất sẽ tiếp tục giảm xuống. Đây là vấn đề rất quan trọng, EVN cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới, tiến tới mức trung bình của các nước trong khu vực là khoảng 5%”.

Bao giờ đạt đến 5%?


Tuy nhiên, để thực hiện con số “trong mơ” 5% này quả là nhiệm vụ bất khả thi. Vì ngay cả trong báo cáo năm 2009 của EVN cho thấy mức tổn thất của EVN còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả... quyết tâm. Cụ thể sáu tháng đầu năm do suy thoái kinh tế, nhiều khách hàng công nghiệp cắt giảm tiêu thụ dẫn đến nhiều trạm biến áp bị non tải, đẩy mức tổn thất lên tới 10,3%, vượt mức năm 2008. EVN phải có chỉ thị về các nhiệm vụ trọng tâm trong giảm tổn thất điện năng và ban hành tài liệu hướng dẫn. “Các đơn vị thực hiện quyết liệt” nên theo EVN, kết quả cả năm 2009 tổn thất chỉ còn trung bình 9,7%, thấp hơn 0,1% so với chỉ tiêu Bộ Công thương giao.

Theo ông Dương Quang Thành, do năm 2013 các nhà máy điện ở miền Nam không đủ cung ứng cho nhu cầu miền Nam nên EVN phải truyền tải điện từ miền Bắc vào, do đó tỉ lệ tổn thất điện năng sẽ tăng lên. Đến năm 2015, tổn thất điện năng vẫn phải ở khoảng 7-9%. Theo quan chức Hiệp hội Năng lượng, để giảm tổn thất điện năng, vai trò của các cơ quan chức năng trong quy hoạch, điều phối thực hiện quy hoạch rất quan trọng. “Nếu tính toán xây dựng các nhà máy điện ở miền Nam kịp thời, phân bố các nhà máy điện gần hơn các trung tâm tiêu thụ điện thì chắc chắn tổn thất sẽ giảm” - quan chức này nói.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công thương đã phê duyệt kế hoạch giảm tổn thất điện năng, tới năm 2015 mức tổn thất phải giảm còn 8,9%, đến năm 2016 còn 7,9%... Cho rằng tính toán trên là trên tình hình thực tế theo báo cáo của EVN, quan chức Hiệp hội Năng lượng đề nghị cần đẩy mạnh đầu tư, tăng phí truyền tải điện mà EVN cần trả cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia lên mức hợp lý để họ có tiền đầu tư vào đường dây, trạm điện. Điều này vừa giúp giảm tổn thất điện năng vừa tránh nguy cơ nhiều nhà máy điện hoàn thành nhưng vẫn không thể phát điện do thiếu đường dây như chính tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia từng cảnh báo.

Tổn thất điện, nước: Dân lãnh đủ - 2

Công nhân Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc cải tạo, nâng công suất trạm biến áp 110kV Hưng Hà (Thái Bình) giảm tổn thất điện năng

Nước: Còn tăng giá nữa

Bộ Tài chính vừa ban hành khung giá nước sinh hoạt có mức tăng tối đa lên 18.000 đồng/m3 ở các đô thị loại 1 như Hà Nội, TP.HCM từ ngày 11/7. Mặc dù giá nước hiện tại ở TP.HCM chưa tăng nhưng với khung giá trên, Bộ Tài chính đã “bật đèn xanh” cho các đơn vị cấp nước xây dựng lộ trình tăng giá trong thời gian tới.

Tỉ lệ thất thoát nước quá cao như hiện nay là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá nước lên cao vì một phần thất thoát này được đưa vào cơ cấu giá nước. Theo quyết định 103 (năm 2009) của UBND TP.HCM, giá nước trong các năm từ 2010 đến 2013 liên tục tăng mức 10%/năm. Vì vậy, sau năm 2013, lộ trình tăng giá nước theo khung giá mới mà Bộ Tài chính vừa ban hành sẽ được TP.HCM tính toán tiếp. Hiện tại giá nước vẫn áp dụng theo quyết định 103.

Theo báo cáo của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tỉ lệ thất thoát năm 2008 lên đến 42,54%. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, đến nay tỉ lệ thất thoát còn ở mức 38,43%. Như vậy gần bốn năm qua, Sawaco giảm hơn 4% tỉ lệ thất thoát nước. Sawaco cho rằng để đạt kết quả trên đây là một sự nỗ lực rất lớn của Sawaco. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng kết quả trên chưa đáp ứng được sự mong đợi. Cụ thể, Sawaco được HĐND TP.HCM cho phép đưa 29% tỉ lệ thất thoát nước vào giá thành (bắt đầu năm 2008) và đề nghị giảm tỉ lệ thất thoát 0,5% mỗi năm. Như vậy đến cuối năm 2012, tỉ lệ được đưa vào giá nước hiện nay là 26%.

Theo các chuyên gia tính toán, với công suất cấp nước trên địa bàn TP hiện nay là 1,53 triệu m3/ngày và tỉ lệ thất thoát nước là 38,43% thì mỗi ngày TP thất thoát 587.979m3. Nếu nhân với đơn giá sinh hoạt thấp nhất hiện nay (4.800 đồng/m3 - chưa VAT) thì số tiền thất thoát hơn 2,8 tỉ đồng mỗi ngày, còn nếu theo đơn giá sinh hoạt cao nhất (11.000 đồng/m3) thì số tiền thất thoát hơn 6,4 tỉ đồng/ngày. Một chuyên gia ngành cấp nước phân tích số lượng nước thất thoát nước như trên gần gấp đôi công suất của Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày) được đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch cấp nước từ nay đến năm 2015, Sawaco sẽ tiếp tục xây dựng Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với công suất tương đương Nhà máy nước Tân Hiệp hiện tại. Vì vậy nếu thực hiện chống thất thoát nước tốt thì Sawaco không phải tốn cả ngàn tỉ đồng để xây dựng nhà máy nước mới mà còn thu về hàng chục tỉ đồng mỗi tháng nhờ giảm được lượng nước thất thoát. “Rõ ràng khi đó giá nước cũng sẽ giảm ở mức độ tương ứng” - chuyên gia trên nhận định.

Trong hoạt động đặc thù như hoạt động cấp nước thì việc thất thoát là đương nhiên, các nước tiên tiến cũng vậy. Tuy nhiên việc duy trì tỉ lệ thất thoát nước cao ngất ngưởng trong nhiều năm liền ở một đô thị lớn như TP.HCM là điều khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi phần lớn tỉ lệ thất thoát đó bắt người dân phải gánh chịu. Khi nào tỉ lệ thất thoát nước còn cao thì việc tăng giá nước rất khó nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Vận hành thị trường phát điện cạnh tranh: Đảm bảo giá hợp lý cho khách hàng

Ngày 2/7, Bộ Công thương ra thông cáo về việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, Bộ Công thương khẳng định trong giai đoạn đầu vận hành, 29 nhà máy thuộc 22 công ty phát điện tham gia thị trường sẽ chỉ được thanh toán 5% theo giá thị trường chào từng giờ, 95% còn lại vẫn phải thanh toán theo giá trong hợp đồng đã ký với công ty mua bán điện (thuộc EVN). Tỉ lệ thanh toán theo giá thị trường sẽ được tính toán điều chỉnh hằng năm để nâng tính cạnh tranh. Lý do, Bộ Công thương cho biết ưu tiên hàng đầu của việc vận hành thị trường vẫn phải là đảm bảo điện ổn định, giá hợp lý cho khách hàng sử dụng điện.

Thời gian tới, để tăng cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét đưa thêm các nhà máy tham gia thị trường như các nhà máy mới xây dựng, đưa các nhà máy phụ thuộc EVN sang các tổng công ty phát điện để nâng cao tính cạnh tranh. Các nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Yaly (có giá bán điện rẻ - PV)... sẽ không tham gia chào giá trên thị trường. Bộ Công thương cho biết “về lâu dài”, khách hàng sẽ được lựa chọn nhà cung cấp điện cũng như hưởng các lợi ích từ thị trường điện cạnh tranh.

Giảm hao hụt nước: 1/3 tiền thu được dùng để khen thưởng

Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư liên tịch số 75/2012 quy định phương pháp và thẩm quyền quyết giá nước sạch (có hiệu lực từ ngày 29/6). Theo đó, liên bộ cho phép khối lượng hao hụt (kể cả hao hụt tự nhiên và hao hụt kỹ thuật) giữa sản lượng nước sản xuất và sản lượng nước thương phẩm sẽ do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, tỉ lệ tối đa với mạng lưới cấp nước đã đưa vào sử dụng dưới mười năm không được vượt quá 23%. Đối với mạng cấp nước đã đưa vào sử dụng từ mười năm trở lên, mức hao hụt tối đa lên đến 32%. Nếu mạng cấp nước có cả mạng cấp nước dưới mười năm và mạng cấp nước từ mười năm trở lên, mức hao hụt cho phép tối đa là 27%. Đơn vị cấp nước nào giảm được tỉ lệ hao hụt thấp hơn mức được UBND tỉnh phê duyệt sẽ được sử dụng 100% số tiền thu được do giảm tỉ lệ hao hụt để bổ sung 70% vào quỹ đầu tư, 30% còn lại được bổ sung cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.

C.V.K.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Khải - C.V.Kình (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN