Tiếng ru buồn ở làng vô địch... đẻ
Ngày cuối tuần, những đứa trẻ ở xóm Mỏ Ba túm tụm từng đám chơi ngoài xóm. Bọn trẻ ở đây lớn lên phất phơ cứ như cỏ dại. Người lớn trong xóm bảo, chúng đông thế, nuôi được khoẻ là tốt rồi, lớn lên tự lo thôi.
Xóm Mỏ Ba cách thủ đô Hà Nội có hơn 100km nhưng cuộc sống nơi đây như tụt lại hàng thập kỷ. Từ trung tâm xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) vượt qua con đường dốc độc đạo 15km qua đỉnh núi rồi lọt xuống phía bên kia , xóm Mỏ Ba nằm thu mình trong thung, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Xóm gồm 6 dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan cùng sinh sống, 133 hộ nhưng có đến gần 1.000 nhân khẩu. Hầu hết thanh niên trong xóm học hết cấp 2 là nghỉ, trồng lúa, trồng chè, lấy nhau...rồi đẻ. Đẻ từ năm 17-18 mới lập gia đình, đến 50 tuổi vẫn chưa thôi.
Cụm nhà người Mông, nơi có tỷ lệ sinh đẻ "hoành tráng" nhất của xóm hơn 30 túp nhà gỗ xơ xác . Ông Ngô Văn Sùng, "nhà vô địch sinh sản" 56 tuổi với 20 người con, xấu hổ không cho chụp ảnh. Vợ chồng ông Hồng Văn Sình và bà Vương Thị Mị nhà bên cũng có tới 14 đứa con, 8 trai, 6 gái.
Chị Hồng Thị Xoa, con gái thứ ba của bà Mị, bỏ chồng ôm đứa con 9 tuổi về bám mẹ khiến miệng ăn trong nhà đông hơn. Tám năm trước, bà Mị đẻ nốt thằng Dinh, việc nhà nông bận luôn tay, em bú chị, cháu bú bà cũng thành chuyện thường.
Bà Mị qua 14 lần "vượt cạn" mà vẫn còn sức cả ngày ở nương chè, ruộng ngô, về nhà lại quần quật với mấy nồi cám lợn. "...Không phải khoẻ đâu, nhiều miệng ăn quá nên phải cố thôi...", bà than thở mà ánh mắt cứ cụp xuống, theo đôi bàn tay đang xoàn xoạt thái mớ dây rau lang nấu cám.
Tương lai nào cho những đứa trẻ xóm Mỏ Ba?
Vào xóm Mỏ Ba, thường bắt gặp những bà mẹ địu con.
Bọn trẻ ở đây lớn lên như "cỏ dại". Hiếm có đứa nào học hết cấp 3 để rồi thoát ly khỏi xóm nghèo.
Hai đứa bé giúp mẹ đi lấy nước.
Hồng Văn Dinh, con trai thứ 14 của bà Vương Thị Mị ngồi chơi dưới hiên nhà phơi đầy quần áo.
Bé Hồng Thị Lan 9 tuổi con chị Xoa (ngồi bên phải) rúc rích cười, nhất định không gọi thằng cu Hồng Văn Dinh bằng cậu.
Nhà chật lại đông người, cu Dinh phải mắc màn ngủ trên gác xép vốn chứa ngô.
Bà Vương Thị Mị, hết buổi lên nương lại quần quật với nồi cám lợn.