Tiền lương, BHXH năm 2024 có gì mới?

Sự kiện: Thời sự

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp

Tại dự thảo Thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH của người lao động (NLĐ) được đề xuất điều chỉnh, dự kiến áp dụng kể từ ngày 1-1-2024.

Điều chỉnh tiền lương đóng BHXH

Theo đó, đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH bao gồm: NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024; NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024.

Mức tiền lương tháng đã đóng BHXH sẽ được điều chỉnh theo công thức tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Mức điều chỉnh tiền lương cũng được dự thảo quy định cụ thể theo các năm tương ứng, từ mốc năm 1995 trở về trước (có mức điều chỉnh cao nhất 5,26) đến năm 2023 (có mức điều chỉnh thấp nhất là 1).

Công chức BHXH TP HCM hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công chức BHXH TP HCM hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định từ ngày 1-1-2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định cũng được điều chỉnh theo quy định như trên.

Cũng theo đề xuất của thông tư, đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH (theo quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP) là người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024. Theo đó, thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm sẽ bằng tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng (được tính từ năm 2008-2023, với mức điều chỉnh ở mức từ 2,07-1).

Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện cũng được điều chỉnh theo công thức này.

Mức lương mới sẽ không thấp hơn mức lương hiện hưởng

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Đồng thời, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Một nữ cán bộ UBND xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ tiền lương, thu nhập luôn là vấn đề được cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quan tâm. Do vậy, khi có thông tin về việc cải cách tiền lương theo đề xuất của Chính phủ, trong đó đối tượng tác động bao gồm cán bộ, công chức, viên chức (dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2024) đã nhận được sự quan tâm của những người đang công tác tại UBND xã.

"Hiện nay, số lượng nhân sự biên chế tại các phường, xã giảm nhiều, khối lượng công việc tăng lên trong khi thu nhập chưa tương xứng, nhất là đối với cán bộ không chuyên trách thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về mức lương cũng như xây dựng bảng lương nên chúng tôi đang rất mong chờ. Hy vọng khi ban hành chính sách lương mới, Chính phủ cân nhắc điều chỉnh sao cho mức lương mới phải cao hơn mức lương cán bộ, công chức, viên chức hiện hưởng tại vị trí công việc hiện tại để tạo thêm động lực làm việc, cống hiến cho mọi người" - nữ cán bộ xã góp ý.

Bà Trần Thị Thúy Liễu, Phó Chủ tịch UBND phường 6 (quận 6, TP HCM), cho rằng việc cải cách tiền lương là cần thiết để tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Song một số ý kiến bày tỏ lo ngại sau khi bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương thì thu nhập của những cán bộ, công chức làm việc lâu năm và có hệ số lương cao sẽ bị giảm thu nhập. "Tuy nhiên, nếu đúng theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW thì khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng nên tôi cũng khá yên tâm" - bà Liễu nói.

"Theo đề án vị trí việc làm mới thì cùng một vị trí việc làm với mức độ phức tạp như nhau sẽ có mức lương như nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải xét đến các yếu tố như mức sống ở từng khu vực để có thêm các phụ cấp hoặc bù trượt giá nhằm bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức sau khi áp dụng cải cách tiền lương" - bà Liễu đề xuất. 

Quan tâm yếu tố thâm niên

Theo ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - vấn đề xây dựng 1 bảng lương riêng theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức được số đông công chức, viên chức quan tâm. Theo đề xuất của Chính phủ, mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có các bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Đồng thời, các nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức hiện nay sẽ được sắp xếp lại nhằm khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

"Hiện nay, một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên làm việc, đang hưởng bậc lương cao, nếu áp dụng nguyên tắc này thì khả năng sắp tới họ sẽ được xếp ở bậc lương thấp hơn nếu như không được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo. Do vậy, khi xây dựng chính sách lương mới nên quan tâm đến yếu tố thâm niên để tránh thiệt thòi cho những người có nhiều năm cống hiến" - ông Phương đề xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Lương hưu sẽ tăng như thế nào khi thực hiện cải cách tiền lương

Theo quy định tại Nghị quyết số 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024 thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN