Thượng tá Công an 30 năm trong nghề khám nghiệm hơn 4.000 tử thi
Hơn 30 năm “bén duyên” với nghề, Thượng tá Đặng Sơn Đáng từng giải phẫu hơn 4.000 tử thi, góp phần làm sáng tỏ hàng trăm vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội.
Cũng như nhiều bác sỹ pháp y khác, điều ám ảnh với Thượng tá Đáng không phải là sự ghê rợn khi đối mặt với những tử thi đang phân hủy mà là cảm xúc thương tâm khi luôn phải chứng kiến những phận người bất hạnh…
Nghề chọn người
Hơn 30 năm theo đuổi nghiệp bác sỹ pháp y, Thượng tá Đặng Sơn Đáng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp khám nghiệm, giải phẫu hơn 4.000 tử thi. Giờ những “ca khó” của ngành Pháp y tỉnh Đắk Lắk, người ta vẫn phải nhờ tới tay nghề của anh. Đơn giản là bởi kinh nghiệm và bản lĩnh trong cái nghề mổ xẻ pháp y để bắt “bệnh” của Thượng tá Đáng hiện trong lực lượng Công an Đắk Lắk khó có ai có thể sánh bằng.
Với dáng người hao gầy, đen nhẻm cộng chút khắc khổ và đôi mắt hằn sâu… là những gì tôi nhận thấy khi tiếp xúc với anh.
Trò chuyện với anh, Thượng tá Đáng không kể nhiều, nhưng tôi biết với “tay nghề” vững, anh đã giúp Công an Đắk Lắk khám phá ra nhiều vụ án, trong có những vụ trọng án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Khi được hỏi vì sao lại chọn cái nghề mới nghe đến đã cảm thấy rùng rợn này, Thượng tá Đáng cười nói: “Thú thực mình cũng chẳng biết đó là cái duyên hay cái nghiệp vận vào mình mà theo cái nghề “bắt bệnh cho tử thi” này”.
Thượng tá Đặng Sơn Đáng, người tham gia khám nghiệm hơn 4.000 tử thi.
Rồi anh kể, vốn sinh ra từ vùng đất quê lúa Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã ước mơ sau này trở thành một chiến sỹ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân. Năm 1978, khi vừa tròn 17 tuổi, cậu học trò nghèo Đặng Sơn Đáng đã quyết tâm và thi đậu vào Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân - PV) tại Hà Nội. Và cũng từ đây, cái nghề “bắt bệnh cho tử thi” đã “bén duyên” với anh.
“Khi mới vào trường, mình cứ ngỡ sau này tốt nghiệp sẽ trở thành một chiến sỹ An ninh. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị bước vào giữa năm học thứ nhất thì mình cùng với 20 sinh viên khác trong trường được chọn sang Học viện Quân y để đào tạo chuyên khoa Pháp y. Trong suốt thời gian đó, mình đã phải thường xuyên đến các bệnh viện nghiên cứu giải phẫu học, xem xét kỹ từng bộ phận trên cơ thể con người và cũng nhờ đó, những kiến thức bổ ích học được ở đây đã phục vụ đắc lực cho thực tế công tác sau này”, Thượng tá Đáng nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 9-1985, Thượng tá Đáng được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho đến nay. Là một bác sỹ của người chết, Thượng tá Đáng phải chịu nhiều sự hy sinh, không có thời gian chăm lo cho gia đình. Do đặc thù công việc nên ông phải ra khỏi nhà để mổ tử thi bất cứ lúc nào, có nhiều vụ khó phải đi biền biệt cả tuần mới tìm ra được câu trả lời.
Không chỉ vậy, trong cuộc sống, anh cũng chịu nhiều thiệt thòi vì đặc thù công việc của mình. Anh kể, vào những ngày Tết, anh không dám tới nhà ai thăm hỏi vì sợ người ta kiêng kỵ, chỉ trừ những người rất thân trong gia đình. “Mình là bác sỹ chưa bao giờ đụng tới bệnh nhân sống, chỉ toàn xác chết thôi… Cái mà mình đi tìm là nguyên nhân dẫn đến cái chết để giải quyết 2 vấn đề, cung cấp bằng chứng phá án và giải phẫu bệnh lý”, Thượng tá Đáng nói.
Gỡ nút thắt những vụ trọng án
Nói về công việc, Thượng tá Đáng chia sẻ:
“Kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân chính là cơ sở khoa học góp phần giúp cơ quan điều tra xác định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Nếu khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ nhận định hướng điều tra, truy tìm hung thủ, hung khí gây án được sát hơn. Đó cũng là một trong những căn cứ vững chắc để các cơ quan chức năng xử lý vụ án chính xác, đúng pháp luật. Xác định được nguyên nhân chết cũng có nghĩa là mình và đồng đội không để cho nạn nhân phải chết oan ức. Hiểu rõ tầm quan trọng của công việc đang làm nên bao năm qua, mình luôn cẩn trọng khi khám nghiệm các tử thi. Dẫu là một tử thi đã thối rữa hay chỉ còn một bộ xương, mẩu xương thì mình vẫn phải tỉ mẩn tìm tòi dấu vết liên quan”.
Thượng tá Đáng với đồng đội trong một lần tham gia khám nghiệm tử thi ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Rồi anh nhớ lại, vào khoảng đầu tháng 11-2011, cơ quan điều tra Công an Đắk Lắk nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện xác một bé gái dưới giếng sâu. Là người trực tiếp tham gia khám nghiệm tử thi, Thượng tá Đáng nhận định bé gái đã tử vong khoảng hơn 6 tháng trước. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân tử vong hết sức khó khăn bởi hầu như thi thể nạn nhân đã bị phân hủy.
“Bằng kiến thức và kinh nghiệm, mình đã chọn dạ dày làm điểm đột phá bởi đó là bộ phận bị phân hủy rất chậm so với các cơ quan mềm của cơ thể. Phát hiện trong dạ dày bé gái có ít dịch mật còn sót lại, mình nhận định nạn nhân bị bóp cổ chết trước khi bị ném xuống giếng bởi đây là một cơ chế phản xạ của cơ thể khi bị nghẽn đường thở”, Thượng tá Đáng nói.
Và cũng từ nhận định của anh, các điều tra viên đã tập trung lực lượng đấu tranh với hàng trăm đối tượng trên địa bàn có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Chính chi tiết ấy đã mở nút thắt, giúp cơ quan điều tra lần theo manh mối và tìm ra thủ phạm.
Nỗi niềm trăn trở
Không chỉ là người góp phần tích cực trong việc giúp cơ quan điều tra gỡ nút thắt, khám phá ra những vụ trọng án, bắt hung thủ phải đền tội trước pháp luật, mà trong những năm công tác, Thượng tá Đáng còn giúp giải án oan cho nhiều người vô tội.
Điển hình như trong vụ việc đau lòng xảy ra tại xã Ea KMút, huyện Ea Kar vào giữa năm 2012. Theo đó, một đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được gần một năm thì cô vợ giận hờn chồng treo cổ tự tử khi đang mang thai đứa con đầu lòng. Sau khi cô vợ mất gần 3 tháng, người nhà cho rằng cô bị chính người chồng đánh đập hoặc đầu độc chết rồi dựng hiện trường giả. Người chồng đau đớn vì nỗi đau mất vợ nay lại mang tiếng giết vợ.
Đau đáu trước nỗi oan của người chồng, Thượng tá Đáng là người trực tiếp đề xuất các cơ quan chức năng được khai quật tử thi để khám nghiệm. Anh cũng chính là người trực tiếp khám nghiệm, lấy mẫu vật nội tạng đưa đi giám định. Kết quả sau đó cho thấy, không có tác động ngoại lực hoặc chất độc nào gây nên cái chết của người vợ trẻ ấy và người chồng khi đó mới được giải oan.
Trên đây chỉ là những vụ án mà trong số hàng nghìn vụ án mà Thượng tá Đáng trực tiếp tham gia. Còn nhớ, trong những năm 1985-1995, khi tỉnh Đắk Lắk chưa chia tách, địa hình bị chia cắt, giao thông còn rất nhiều khó khăn trong khi quân số ít, phương tiện, trang thiết bị thiếu thốn trăm bề, anh và đồng đội phải nỗ lực rất nhiều mới hoàn thành được các yêu cầu nhiệm vụ. Có nhiều vụ tử thi phát hiện ở nơi hẻo lánh, hiểm trở, buộc phải đi bộ, có khi mất cả ngày đường. Cũng có những chuyến, sau khi khám nghiệm tử thi ở vùng sâu, anh bị muỗi rừng đốt và mắc bệnh sốt rét.
Cứ miệt mài như thế, đến nay Thượng tá Đặng Sơn Đáng đã khám nghiệm hơn 4.000 tử thi. Những lúc rảnh rỗi, anh tập trung nghiên cứu hồ sơ, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế rồi suy luận, trao đổi với đồng nghiệp ở Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an nhằm tự nâng cao kiến thức, trình độ.
Với những đóng góp qua 40 năm công tác, Thượng tá Đặng Sơn Đáng đã được Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng 4 Bằng khen, Bộ Tư pháp trao tặng 2 Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác. Ngoài ra, UBND tỉnh, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao tặng hàng trăm giấy khen các loại. Cá nhân của Thượng tá Đáng từ năm 2003 đến nay, đều được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…
Khu vực nhà lạnh là nơi u ám nhất của nhà tang lễ. Bên trong lúc nào cũng chứa gần 10 xác chết đang chờ khâm liệm.