Thôi miên lừa đảo: Coi chừng ảo thuật

Mắt thường không thể thấy nếu động tác đổi tiền nhanh hơn tốc độ 30 hình ảnh/giây. Do vậy, nạn nhân không bao giờ lý giải được vì sao tiền bạc mất ngay trước mắt mình.

Thời gian qua, có nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức bị mất tiền bạc, tài sản mà không thể nhớ được quá trình mất. Chỉ sau khi kẻ thôi miên đi, nạn nhân mới biết bị mất của.

Không chỉ vậy, có thông tin báo chí phản ánh, nhân viên ngân hàng chỉ cần nhìn vào mắt  một người lạ, lập tức bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn đưa tiền cho người khác trong tình trạng vô thức.

Không thể “ép” thôi miên người khác

Trao đổi với PV, thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN bác bỏ khả năng các vụ lừa đảo trên do thôi miên gây ra.

Ông nói: “Nếu ai có thể ép người khác vào trạng thái thôi miên để sai khiến họ làm theo lệnh của mình, hãy đến đây gặp tôi.”

“Để đưa người khác vào trạng thái thôi miên, điều kiện trước tiên họ phải đồng ý hợp tác. Không một ai trên thế giới này có thể ép buộc người khác vào trạng thái thôi miên”, ông Quân - thành viên tổ chức thôi miên quốc tế – NGH khẳng định.

Ông lý giải, thôi miên chẳng qua là tạo điều kiện cho người ta tập trung vào điều họ đang muốn tập trung. Có nhiều cách để giúp một người vào trạng thái thôi miên, nhưng chung quy lại, tìm cách để người khác nhìn tập trung vào một điểm nhất định. Mục đích, làm ý thức hệ của người đó không còn để ý chuyện xung quanh, tập trung vào lời chỉ dẫn của nhà thôi miên.

Thôi miên lừa đảo: Coi chừng ảo thuật - 1

Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân

“Tóm lại, trạng thái thôi miên do bản thân mình tự vào, nhà thôi miên chỉ là gợi ý để quá trình vào trạng thái nhanh hơn”, ông Quân khẳng định.

Thạc sĩ cho biết thêm, từ trước đến nay, nhiều người tin rằng mắt nhà thôi miên có sự huyền bí, nhìn vào sẽ bị thôi miên. Thực ra mắt hay ngón tay hay vật gì khác cũng vậy, chả qua là để người khác tập trung vào một điểm nhất định.

Nhà huấn luyện thôi miên – Viện nghiên cứu thôi miên Arnstorf – CHLB Đức, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng cho rằng, ngay cả trong trạng thái thôi miên, con người tỉnh táo, thông minh hơn nhiều. Không thể có chuyện nhà thôi miên sai khiến họ làm điều   họ không muốn.

Có thể lừa bằng trò ảo thuật

Loại trừ khả năng nạn nhân mất tiền do thôi miên, ông Quân cảnh báo trò lừa đảo bằng ảo thuật. Tuy vậy, ông Quân nhấn mạnh, cả ảo thuật và thôi miên đều có điểm chung “không thể bắt người khác làm theo mệnh lệnh của mình”.

Ông cho biết, ảo thuật dựa vào khả năng phân tích của thị giác, chỉ lưu giữ và phân tích được 30 hình ảnh/giây. Nếu tốc độ nhanh hơn, sẽ để lại hình ảnh ảo, mắt người không ghi nhận được.

Người nắm được thuật ảo thuật sẽ biết cách làm động tác gạt đồ, đổi tiền nhanh hơn tốc độ này. Do đó, người bị lừa sẽ không bao giờ lý giải được vì sao tiền bạc có thể mất ngay trước mắt mình.

Điểm đáng lưu ý, phương pháp sử dụng ảo thuật để lừa đảo chủ yếu được kẻ gian lợi dụng trong trường hợp đổi tiền hoặc vật nhỏ trên bàn, trên tay.

Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đưa ra ví dụ, trường hợp dễ bị ảo thuật lợi dụng nhất là trò lừa đảo ở các cửa hàng.

Bao giờ kẻ dùng ảo thuật lừa đảo cũng đóng vai khách hàng đến mua, thường đi 2 người, một người vào mua hàng, một người ở ngoài đợi.

Sau khi chọn hàng xong, người mua sẽ cùng với chủ cửa hàng ra ngoài đóng gói. Lúc này, người mua sẽ tìm cách để chủ cửa hàng quay mặt đi. Ví dụ, họ thường nhờ chủ của hàng lấy hộ cái kéo, cuốn băng keo...

Đóng gói xong, người mua sẽ lấy lý do đi đổi ngoại tệ, hoặc có việc gửi lại gói hàng, lát sau sẽ quay lại lấy.

Ông Quân khẳng định, gói hàng gửi lại đó chính là đồ giả, người mua hàng không bao giờ quay lại lấy.

Lý giải điều này, ông Quân cho biết, gói hàng gửi lại đó đã được bọn lừa đảo chuẩn bị sẵn, chỉ cần chủ cửa hàng quay lưng đi, gói hàng đã bị “người đứng ngoài” tráo đổi. Động tác rất nhanh, được tập luyện kỹ càng, nạn nhân không kịp nhìn thấy.

Theo Thạc sỹ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân:

Thôi miên không giống như cách người dân vẫn thường nghĩ là đưa người ta vào trạng thái vô thức để sai khiến. Từ “thôi miên” bắt nguồn từ chữ “Hypnos” dịch từ nghĩa tiếng Hy Lạp sang tiếng Việt là “ngủ”.

Tuy nhiên, trạng thái thôi miên không thật sự liên quan đến giấc ngủ. Thật ra thì thôi miên có thể giống như một trạng thái nằm ở giữa giấc ngủ và thức nhiều hơn. Trong khi cơ thể rơi vào trạng thái thôi miên, thì tinh thần được giải toả, cơ thể thư giãn, cảm giác thanh thản, bình tĩnh, không còn sợ hãi hay lo âu, buồn phiền.

Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày ,mỗi con người chúng ta đều đã từng rơi vào trạng thái gần giống “thôi miên”, ví dụ mỗi sáng khi ngủ dậy – trạng thái giữa ngủ và thức, khi chạy bộ, khi đọc một cuốn sách hay, lúc xem một đoạn phim hấp dẫn hoặc khi tập trung cao độ làm việc (nhất là việc bàn giấy, nghiên cứu, học tập…). Lúc đó, não bộ phát ra sóng Alpha (tần số từ 7 đến 13 Hz). Đây chính là trạng thái mà ta sẽ đạt được trong Thôi Miên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN