Thời của chạy sô, “cày” việc
Đang ở giai đoạn kinh tế khó khăn, làm một công ty chưa đủ, nhiều người phải “cày” tới hai, ba job (việc làm) mới trang trải nổi cuộc sống.
Mừng vì hay tin vợ có bầu, nhưng rồi anh Hoàng Quốc Thắng, nhân viên một công ty tổ chức sự kiện ở quận 3, TPHCM lại rầu rĩ: “Vậy là từ nay phải gánh thêm nỗi lo”. Anh Thắng lo là có cơ sở khi lương tháng chỉ hơn 5 triệu đồng, vợ làm nhân viên văn phòng cũng chỉ hơn 3 triệu đồng, phải nuôi một con đang học cấp hai.
“Mỗi tháng tiền thuê nhà, tiền ăn học của con đã ngốn hết 5 triệu rồi. Chưa kể tiền ăn, tiền điện, nước và các chi tiêu phát sinh khác. Bây giờ vợ mang thai, phải lo thêm nhiều thứ nữa”- anh Thắng nói.
“Cày” việc & chạy sô
Từ chỗ làm chỉ ở một công ty, nay anh Thắng tranh thủ thời gian làm thêm hàng tháng ở công ty đa cấp tại quận Phú Nhuận. Theo anh, bán hàng đa cấp không chịu sự ràng buộc nhiều về giờ giấc nên cũng không gây rắc rối cho công việc chính.
Cuộc sống khó khăn, sẵn sàng làm thêm việc, thêm ca để bám trụ Sài Gòn
Anh chịu khó dành thời gian gặp gỡ, tư vấn khách hàng, “rót mật” vào tai họ, làm sao bán được các sản phẩm sức khỏe mà công ty đa cấp đưa ra, thì cũng kiếm thêm được 4-5 triệu đồng nữa. “Trong thời buổi khó khăn này, giá cả sinh hoạt lại đắt đỏ, lương vẫn đứng yên, không “cày” thêm một vài Job thì khó sống lắm”- anh nói.
Bán hàng đa cấp là cách mà nhiều dân văn phòng chọn để tăng thu nhập. Chị Đỗ Thị Hảo, sống ở quận 7, lâu nay làm cán bộ văn phòng của một UBND phường. Với chị Hảo, công việc nhàn nhã nhưng thu nhập theo biên chế nhà nước chẳng bao nhiêu nên đã một năm nay chị tranh thủ làm thêm ở công ty bán hàng đa cấp V. đóng ở quận 4. “Không làm cũng không được vì chồng làm thầu xây dựng đã thất nghiệp, hai con đang đi học”- chị Hảo không giấu giếm.
Chị D. làm tạp vụ ở một cơ quan nhà nước, vẫn tranh thủ nhận thêm hàng đan thêu từ một công ty gần nhà. Chị bảo, ai cũng mong được nghỉ ngơi sau những lúc công việc mệt mỏi nhưng nghỉ thì không có tiền. Rảnh là phải xoay xở kiếm thêm.
Nhận hàng thêu thùa trong thời gian rảnh là cách chị D. làm thêm. Ảnh: L.N
Không chỉ dân văn phòng, nhiều sinh viên ra trường, sau khi kiếm được một chỗ thử việc cũng bắt đầu “nhảy” ra làm thêm. Có ba sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vào thử việc ở một viện nghiên cứu.
Thời gian hành chính, họ phải vật vã với khối công việc ở cơ quan nhưng sau khi tan sở, cả ba chạy sang một cơ sở sản xuất bánh có thương hiệu trên đường Cao Thắng, quận 3 để làm thêm.
Nguyễn Thị H.A, nói nếu muốn bám trụ ở đất Sài Gòn, “tụi em không còn cách nào khác là phải chạy sô làm thêm. Lương thử việc của tụi em chỉ hơn 2 triệu đồng, tụi em làm thêm buổi chiều đến tối ở tiệm bánh kiếm thêm 3 triệu mỗi tháng nữa mới tạm đủ”.
Ở các bệnh viện, thì khỏi nói, rất nhiều bác sĩ tranh thủ làm thêm. Người đứng khám ở phòng mạch, bệnh viện tư; người mổ “chạy sô” ở bệnh viện khác... Chị Hồng H., điều dưỡng ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, những đêm không trực ở bệnh viện, chị thường phụ giúp nhận bệnh nhân, thay băng, đo huyết áp… cho người bệnh tại phòng khám tư của một bác sỹ ở đường Bà Hom, quận 6.
“Mỗi tháng họ trả 3 triệu đồng. Số tiền này em dành dụm để lo cho cha mẹ già”- chị H. thổ lộ. Lương của các bác sĩ ở bệnh viện công hiện khoảng 4-5 triệu/tháng, cộng các khoản mổ và chi phí khác, tổng số tiền họ nhận được mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn còn quá ít so với nhu cầu và chi tiêu. Vì vậy, việc kết hợp với các bệnh viện tư, hoặc làm thêm hai, ba bệnh viện là chuyện dễ hiểu.
Tróc vảy trầy vi vì cơm áo
Mười tháng nay, chị Nguyễn Tô O. tự hào đã làm ba công ty dược có văn phòng ở TPHCM nhưng vẫn chưa bị sếp phát hiện ra. Hai năm sau ngày ra trường, O. làm cho văn phòng một công ty dược nước ngoài ở TPHCM với vai trò là trình dược viên.
Mức lương 8 triệu/tháng chưa đủ so với chi phí và quãng thời gian 5 năm lăn lộn trên ghế giảng đường đại học, thế là mới đây O. nộp đơn xin vào phỏng vấn ở một công ty dược tư nhân.
Có lúc đi với công ty này thì sếp của công ty kia gọi về gấp, lúc đó chỉ còn biết cách nói dối mà thôi. Chạy liên tục vừa mệt, vừa phải đối phó. Lộ ra, công ty sẽ đuổi việc Chị Nguyễn Tố O - làm thêm một lúc tại 2 công ty dược |
Trúng tuyển với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng công việc không quá bận bịu, sáng đến vài bệnh viện gặp bác sĩ giới thiệu thuốc xong rồi về, chị quyết định kiếm thêm việc ở một công ty nữa. Ba job với tổng mức lương trên 18 triệu đồng/tháng nhưng theo O., “ tiền nào của nấy”. Kiếm được đồng tiền của người ta trong thời buổi này cũng “trầy vi tróc vảy”.
O. kể: “Có lúc đi với công ty này thì sếp của công ty kia gọi về gấp, lúc đó chỉ còn biết cách nói dối mà thôi. Nhiều khi hết cách đành nói mình đang… bệnh. Do muốn kiếm tiền, trả nợ cho bố mẹ vay mượn lúc đi học nên em cố gắng làm nhiều công ty chứ cũng không sung sướng gì. Chạy liên tục vừa mệt, vừa phải đối phó, vì công ty biết được sẽ đuổi việc”- O. nói.
Để có thêm mỗi tháng 4-5 triệu đồng, đối với anh Thắng cũng không dễ dàng chút nào. “Có khi phải chạy hàng chục cây số để tư vấn cho khách hàng mua sản phẩm. Nói đến khô họng người ta từ chối, thế là xôi hỏng bỏng không”, anh kể.
Để có tiền trang trải cuộc sống và tích lũy, nhiều bác sĩ giỏi phải chạy sô khắp nơi. Ảnh: L.N
Bác sĩ Ánh, làm việc tại một bệnh viện ở quận 5, mỗi lần có chút thời gian rảnh rỗi tụ họp cà phê, bạn bè đều hỏi: “Bữa ni làm mấy job ông?”. Người thì kể làm hai nơi, người thì ba nơi nhưng ai cũng hiểu “nói đâu bỏ đấy”. Bởi theo bác sĩ Ánh, một khi lãnh đạo bệnh viện biết chuyện thì coi như tiêu tan sự nghiệp.
“Vẫn biết bác sĩ không có cơ chế đi làm ngoài trong giờ hành chính nhưng bệnh viện lại không có cơ chế để anh em đủ sống nên việc làm thêm là tất yếu. Nhưng sao kiếm tiền vẫn khó quá!”- bác sỹ Ánh nói.
Còn với chị Hảo, từ ngày đi làm thêm, nhà có thêm đồng vào đồng ra nhưng bù lại chị mất nhiều thứ. Không còn thời gian để chăm sóc con cái, gia đình, công việc ở cơ quan nhiều khi cũng trễ nải.
Chị nói: “Có khi khách hàng gọi giao hàng trong giờ hành chính, chẳng biết phải xử lý sao nữa. Không gặp khách hàng thì không được vì lâu lâu mới bắt được mối, mà bỏ công việc cơ quan thì sợ sếp ngoáy đầu cho nghỉ việc. Thời buổi người nhiều việc ít, mình không làm tốt là mất việc ngay”.
Bác sĩ Ánh, làm việc tại một bệnh viện ở quận 5, mỗi lần có chút thời gian rảnh rỗi tụ họp cà phê, bạn bè đều hỏi: “Bữa ni làm mấy job ông?”. Người thì kể làm hai nơi, người thì ba nơi nhưng ai cũng hiểu “nói đâu bỏ đấy”. Bởi theo bác sĩ Ánh, một khi lãnh đạo bệnh viện biết chuyện thì coi như tiêu tan sự nghiệp. “Vẫn biết bác sĩ không có cơ chế đi làm ngoài trong giờ hành chính nhưng bệnh viện lại không có cơ chế để anh em đủ sống nên việc làm thêm là tất yếu. Nhưng sao kiếm tiền vẫn khó quá!”- bác sỹ Ánh nói. |