Theo đại xa điều tra phá rừng
Phía sau khối tài sản bất minh của các đầu nậu gỗ là cuộc sống lầm than, chui lủi của đội ngũ làm thuê nghèo khó, liều mình vì cuộc mưu sinh. Những ngày xuyên rừng cùng cánh tài xế đại xa (xe chở gỗ siêu trọng) thuê cho lâm tặc giúp phóng viên hiểu rõ vì sao kiểm lâm chốt trong chặn ngoài, gỗ lậu vẫn ung dung tuồn đi, và rừng xanh ngày một điêu tàn.
Ngủ ngày, cày đêm
Hoàng hôn buông xuống, những nóc nhà lụp xụp vừa le lói ánh đèn, đoàn xe chở gỗ lậu gần chục chiếc bắt đầu ì ạch tiến vào xã Ea Rốc (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Nhờ có “quan hệ thân tình” với một tài xế tốt bụng, báo Tiền Phong đã cài được người của mình vào vai … vợ bác tài, kín đáo ém vào khoang lái, theo xe.
Đúng 18 giờ, đoàn xe dừng lại giữa vùng rừng tan hoang của tiểu khu 737 – điểm hẹn của các cánh đầu nậu và thợ rừng chuyên khai thác, mua bán gỗ trái phép. Mỗi chiếc xe chọn cho mình một chỗ ẩn náu, tránh sự chú ý của người dân địa phương và lực lượng chức năng. Yên vị, các lái xe tắt đèn, đóng cửa, nằm chờ. Đầu nậu không bao giờ trực tiếp vào tụ điểm mua hàng, thường giao cho một tài xế thân tín kiêm việc giao dịch với người bán gỗ. 20 giờ, điện thoại reo, “ông chủ” lệnh : “Mọi thứ OK rồi, bắt đầu đi !”.
Một chiếc 67 máy nổ giòn phóng trước dẫn đường, xe cẩu gỗ gầm lên lao theo. Đoàn xe tải từng chiếc nối đuôi nhau chạy, rung chuyển cả rừng đêm. Tới bãi tập kết gỗ, xế Một đi tới đi lui, xách thước đo đo chỉ chỉ, ngã giá: “Hàng bình thường, không ngon cho lắm! Bớt 2 xị (xị= trăm nghìn - PV) mỗi khối, OK ?”. Người bán gật đầu cái rụp, vậy là xong!
Chất gỗ giữa đêm
Không ai bảo ai, người nào việc ấy thành thục. 2 thanh niên móc dây vào đầu trụ gỗ, tài xế xe cẩu điều khiển nhấc gỗ lên, 2 người khác chờ sẵn trên thùng xe xếp gỗ, tháo móc, hạ gỗ vào thùng xe tải, chỉnh lại đống gỗ cao dần cho thật kín kẽ trước khi ràng xích cột cả khối cây đồ sộ lại cho thật chắc chắn. Phụ xe đóng nắp, chốt khóa cẩn thận xong xe nào, là tài đó phóng đi nhường chỗ cho xe khác vào vị trí xếp gỗ. Tiếng động cơ nổ rền, âm thanh những cây gỗ đổ rầm rầm vào thùng xe, chấn động vang xa trong đêm vắng. Người trong cuộc đinh tai váng óc. Dù vậy, sự ồn ào náo nhiệt đó có vẻ như không đủ đánh thức lực lượng tuần tra bảo vệ rừng.
“Dọn dẹp” các chốt !
Đoàn xe chở đầy gỗ lặc lè vượt chặng đường đầy ổ voi, ổ gà hơn 200 cây số từ Đắk Lắk chuyển hàng qua Đắk Nông cho đầu nậu. Trên mỗi đầu xe đều có ít nhất 1 tài, 1 phụ thay nhau lái. Đường dài băng đèo vượt dốc giữa đêm tối mịt mùng, lắm phen cả đám giật nẩy người khi đầu xe đâm thẳng vào gốc cây do bác tài quá buồn ngủ. Chỉ vỏn vẹn một cái gối, một cái chăn tẩm nặng mồ hôi, bụi đường, dễ chừng cả tháng mới được giặt một lần, hai tài xế thay nhau ngả lưng. Trong cái nóng oi bức đêm hè, trên đầu xe liên tục nảy xóc, tài Quy quê Thanh Hóa (PV tạm đổi tên nhân vật) vẫn ngủ ngon lành, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt lấm lem bụi đất .
Một cú xóc bốp đầu suýt móp trần xe khiến chúng tôi choàng tỉnh. Tài chính Dinh (quê Quảng Ngãi) làu bàu bẻ vô lăng. Tài Quy thầm thì tâm sự : “ Nghề nào quen nghề đấy. Tôi quen cảnh ngủ xe nhiều hơn ngủ nhà. Quá cực, nhưng nghề chọn người mất rồi. Quê nghèo, mình vào đây xin chân phụ việc nuôi thân, dư đồng nào lại gửi về quê giúp cha mẹ già, khổ mấy cũng đành chấp nhận !”.
“Được ngủ là còn may chán! Những lúc kiểm lâm xuất hiện bất ngờ, nhận được tin báo, bọn mình phải tìm đường chui núp. Lúc đó mắt mở to, tai vểnh lên, tim đập loạn xạ”. Tài xế Dinh |
Tài Dinh góp chuyện: “Được ngủ là còn may chán! Những lúc kiểm lâm xuất hiện bất ngờ, nhận được tin báo, bọn mình phải tìm đường chui núp. Lúc đó mắt mở to, tai vểnh lên, tim đập loạn xạ. Căng thẳng nhất là lúc chuông điện thoại reo, ông chủ chỉ đường đi nước bước, đường nào cần tránh, đường nào phải đi…”. Dinh chưa dứt lời thì điện thoại đã reo, anh mở loa. Phóng viên có cơ hội chứng kiến cách xẻ rừng trốn kiểm lâm của đoàn quân chở gỗ lậu.
Đầu nậu gọi: “Bọn nó (kiểm lâm) đang chặn ngay trung tâm Buôn Đôn, 5 xe bị ách lại kiểm tra, chưa giải quyết được, tạm thời bọn mày tìm đường núp, đừng để bọn nó thấy, rách việc. Tao đang ra xử lý, nằm đó chờ lệnh !”. Ngán ngẩm, tài Dinh thở hắt : “Không khéo đêm nay lại ngủ rừng!”.
Chiếc xe rẽ sang đường mòn, chạy tít vào trong để tránh bị phát hiện. Tài Quy giải thích: “Nếu họ chốt ở Buôn Ky, mình còn thoát ra đường khác chứ chặn chỗ độc đạo đó thì chịu! ”.
- Nghe giọng ông chủ thấy tình hình căng thẳng quá phải không anh ?
- Lạ gì đâu, bọn nó đòi ăn thêm ! 5 xe cho 100 chai ( chai= triệu - PV) xem có thằng nào thèm khó dễ nữa không? Em tưởng dễ qua mặt lực lượng tuần tra lắm sao ? Có giá hết! Bình quân mỗi chuyến đóng gần 10 chai, chưa kể chung riêng! Nếu không tin, lát nữa em sẽ tận mắt thấy!
Chờ mãi không thấy lệnh, bác tài đóng cửa, chốt khóa tranh thủ chợp mắt . Khoang xe nóng bức ngột ngạt, nồng mùi mồ hôi đàn ông nhưng tôi đành ráng ngồi yên vì theo các anh, hành trình còn dài, phải giữ sức mà đi tiếp. Khoảng 3 giờ sáng, ông chủ thông báo đã “dọn dẹp sạch sẽ”. Bác tài cười khẩy bảo, đi được rồi. Chúng tôi tiếp tục qua CưJut (Đắk Nông) đổ hàng.
Quả thật, trên đường đi từ tiểu khu 737 đến điểm đổ hàng, đoàn xe quá tải gỗ lậu phải vượt qua ít nhất 5 chốt lực lượng kiểm tra nhưng xe nào cũng băng băng chạy. Chỉ cần qua mỗi chốt, tài phụ lại xuống xe dúi tiền “bồi dưỡng đêm khuya làm việc vất vả cho anh em”. Lực lượng công vụ không cần kiểm tra trên xe chở gì, chỉ cần nhìn biển số xe rồi hỏi: Xe này của ai ? Vậy là ổn ! Đến 8 giờ sáng hôm sau, hàng đã đổ xong, bác tài nhận tiền cầm về nộp cho ông chủ, nhận thù lao, tranh thủ ăn sáng, kiểm tra xe cộ thật kỹ và ngủ một giấc, chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi tiếp theo.
Sự cố đường trường
Bước sang ngày thứ ba kể từ lúc phóng viên nhập vai, chúng tôi tiếp tục trải nghiệm hành trình xuyên rừng mang gỗ về thành phố cùng đội quân xế đánh thuê. Dù dầu đã được châm đầy bình, nước đầy can, kiểm lâm đã gật đầu… nhưng sự cố trên đường thì không ai lường trước được.
Nhận lệnh, chính ngọ ngày đầu tháng, xe chúng tôi có mặt tại 6 thôn xã Ea Rốc nhận “hàng”. Khi phóng viên cùng 2 bác tài mới đến điểm bốc gỗ, do tránh ba em nhỏ đùa chạy giữa đường, sự cố va quệt khiến một phụ nữ lái xe máy chạy cùng chiều ngã xe. Cú ngã nhẹ nhưng để giải quyết tranh chấp, cò kéo đến khản giọng, vã mồ hôi. Những sự cố ấy trên đường không hiếm. Tài Thanh rầu rầu: Xui xẻo quá đi! Ngày đầu đã mất tiền ăn vạ, lại bị chủ mắng, nguy cơ mất việc đe dọa. Và hôm sau, tài Thanh mất việc thật.
Vá lỗ thủng bằng chuối chín
Quả là một ngày đen đủi với tài Thanh. Khi đổ hàng xong, xe từ Đắk Nông trở về thành phố Buôn Ma Thuột tới giữa đường thì tua bin nước bị bể, quạt máy động cơ gãy luôn. Dù rất mệt mỏi, chúng tôi đều nhảy xuống chữa bệnh cho xe. Tôi vào nhà dân xin nước đổ bình, tài phụ chạy đi hỏi mua chuối chín để trét tạm vào lỗ rỉ tua bin nước. Anh tài xế tìm quầy tạp hóa mua sáp, quẹt diêm hơ đốt dán tạm lại cánh quạt.
Gần 1 tiếng đồng hồ hì hục chắp vá, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, vui mừng khi xe có thể tiếp tục chạy chầm chậm về tới gara. Bác tài an ủi “Vẫn còn may vì xe hỏng gần thị trấn! ”. Anh kể những lúc xe hỏng giữa rừng, đêm khuya vắng lạnh đành phải khóa trái cửa chờ trời sáng. Nếu xe có hàng, phải gọi lực lượng chi viện giải cứu gấp, sửa ngay trong đêm để kịp về, tránh sự tò mò của người đi đường và “dòm ngó” lực lượng chức năng. Mệt mỏi, đói, khát, thót tim… là chuyện thường ngày của cánh lái xe chở gỗ lậu.
Kết thúc 5 ngày xuyên rừng cùng… đại xa đánh thuê, nối giáo cho lâm tặc, tôi không khỏi ngậm ngùi thay cho phận đời thuê mướn. Họ chấp nhận đổ mồ hôi và có khi cả mạng sống của mình để ngược xuôi móc nối lâm tặc, đầu nậu, những cán bộ thoái hóa biến chất đang từng ngày vắt kiệt rừng xanh để đổi lấy miếng cơm, manh áo. Máu người đã đổ và máu rừng xanh tiếp tục chảy…