Thâm nhập lò độ siêu xe phá rừng

Dọc tỉnh lộ Một - cung đường nóng nhất tỉnh Đăk Lăk về tệ nạn phá rừng có rất nhiều xưởng cơ khí chuyên độ chế đủ loại phương tiện chở gỗ theo đặt hàng của lâm tặc.

Phóng viên báo Tiền Phong đã thâm nhập vào những lò độ này để khám phá công nghệ chế tạo “quái vật rừng xanh” .

Từ máy cày thành “siêu trọng”

Tỉnh lộ Một (TL 1) - cung đường hàng chục năm trước từng được Cục Quản lý đường bộ tôn vinh là “1 trong 5 cung đường đẹp nhất Việt Nam”, nay xuống cấp tồi tệ bởi hoàn toàn không có vỉa hè, lòng đường hẹp, nhiều đoạn lồi lõm, vỡ nát. Hai bên đường có hàng chục tiệm sửa chữa, đóng mới xe cơ giới lớn nhỏ. Chủ tiệm thường là những thợ cơ khí giỏi, có khả năng độ chế các loại xe với những tính năng “ưu việt” để có thể vận chuyển gỗ với số lượng lớn, vượt qua các địa hình khó khăn, dễ dàng đưa gỗ ra khỏi rừng.

Thâm nhập lò độ siêu xe phá rừng - 1

Chiếc xe này anh H. rao bán với giá 110 triệu đồng

Chúng tôi chui vào xưởng cơ khí ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) đang ngổn ngang máy móc cũ, những chiếc máy cày đang đóng dở dang. H. chủ xưởng tiếp tôi bằng cái nhìn nghi ngờ, thăm dò: "Trông chú thế này thì biết gì về xe cộ mà mua?". Chúng tôi bịa chuyện có em chuyên đi rừng nhờ hỏi xem giá cả như thế nào, rồi sẽ đến xem xe và chốt giá sau. Sau một hồi trò chuyện, H. cởi mở: Chú em cần xe cỡ nào thì anh mới báo giá được, ở đây nhiều loại, tiền nào của nấy! - “Thế một con xe trọng tải khoảng 3-4 khối gỗ, giá bao nhiêu?”. Suy nghĩ vài phút, H. chốt giá chiếc rẻ nhất là 80 triệu đồng, còn xịn thì khoảng 110 triệu. Thấy chúng tôi lăn tăn, H. trấn an: Chú cứ thử hỏi một vòng xung quanh đi, giá tiệm anh là mềm nhất rồi đó. Xe của anh làm ra để đi rừng chở gỗ chứ mấy xe công ty đóng thì đầy ra đó, vài chục triệu đã có một chiếc mới, nhưng loại đó chả lội rừng được, chứ đừng nói chở gỗ!

Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn khẳng định: "Muốn giảm nạn lâm tặc phá rừng, trước hết chính quyền địa phương phải dẹp bỏ các tiệm độ chế xe đóng trên địa bàn! Chỉ trong năm nay, chúng tôi đã bắt giữ hơn 1.000 phương tiện độ chế vận chuyển gỗ lậu. Trong đó, hơn 700 phương tiện trong đợt bán đấu giá vừa rồi đơn vị phải thuê xe ủi cán qua rồi mới bán sắt vụn, tránh việc lâm tặc mua lại rồi tái chế, hoán cải".

H. giới thiệu về cách chế tạo và công năng của những chiếc xe mà anh đã dày công tạo ra. Để đẻ ra mỗi “siêu xe”, H. đều phải mua máy móc, hộp số bán lẻ ở ngoài, còn tất cả những bộ phận khác như khung xe, tời, thắng, cần số, đèn… đều được anh mua vật liệu rồi độ chế. Khó nhất trong việc độ chế một con xe theo H. là bộ tời và phần tay lái.

Để độ một bộ tời H. sẽ độ thêm một trục trong hộp số rồi để lòi ra ngoài khoảng 5cm được mài vuông, sau đó gắn với một nhông nhỏ. Kế đó, H. sẽ dùng một thanh sắt đặc dày khoảng 3cm, dài khoảng 40cm, một bên gắn với nhông nhỏ còn bên kia gắn với hai nhông lớn được gọi là tời trên. Một sợi xích sẽ được nối giữa cần trục hộp số với trục trên. H. dùng một chiếc nhông lớn loại có đường kính khoảng 30cm gắn vào một trục sắt, trục sắt này sẽ được luồn qua ống lu cuốn cáp đã được làm sẵn và cố định vào thân máy.

Từ trục tời trên H. độ thêm một chiếc cần gạt. Khi muốn tời gỗ lên xe hay vượt dốc thì chỉ cần nổ máy xe, trục hộp số sẽ quay, sợi xích nối với trục trên sẽ chuyền lực làm quay trục này, chỉ cần gạt chiếc cần gạt thì nhông nhỏ của trục tời trên sẽ bám vào nhông lớn của trục tời dưới làm quay hệ thống lu cuốn cáp. Phía sau thùng xe H. độ thêm hai thanh sắt loại lớn hình chữ Y, có thể tháo rời khỏi thân xe. Khi muốn bốc gỗ lên xe, hai thanh này được dựng lên, một khúc gỗ được bắc ngang qua giữa hai thanh. Chỉ cần kéo sợi dây cáp từ lu tời ra vắt lên trên thanh gỗ giữa hai thanh sắt chữ Y, buộc cáp vào đầu cây gỗ rồi khởi động tời. Sợi dây cáp được cuốn lại và từ từ nâng gỗ lên thùng xe.

Thâm nhập lò độ siêu xe phá rừng - 2

Những chiếc xe máy độ bị bắt giữ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Còn về hệ thống điều khiển xe, H. mua lại vô lăng, một chiếc bốp, bơm nhớt để chế nên. Chiếc vô lăng sẽ được gắn vào phần trên của bộ phận bốp, phía dưới bốp sẽ gắn với phần một thanh sắt (gọi là tay lái). Bơm nhớt có hệ thống chứa nhớt và bơm, có hai ống dẫn nhớt sẽ được gắn vào bốp hoạt động bằng dây cua- roa gắn vào máy. Khi máy nổ, hệ thống bơm nhớt sẽ hoạt động có tác dụng trợ lực khiến việc điều khiển trở nên nhẹ nhàng hơn.

Nhìn con xe H. mới đóng xong quả thật đáng nể với chiếc máy công suất 30 mã lực. Toàn bộ phần khung đều được hàn bằng ống sắt loại lớn. Phía trước là cuộn dây cáp tời dài gần trăm mét… Hầu hết các chi tiết đều làm thủ công nên để hoàn chỉnh mỗi chiếc xe, H. phải làm trong vòng một tháng.

… Đến siêu xe máy, xe đạp thồ

Nghe tôi ngỏ ý muốn mua thêm một chiếc xe máy và vài chiếc xe đạp để đi làm gỗ quý ở rừng cấm, H. giới thiệu tôi đến D. -chủ tiệm sửa chữa xe máy ở thị trấn Ea Súp. Nhờ có H. điện báo trước, D. chẳng nghi ngờ, cho biết tiệm của anh làm được xe chở khoảng 0,3-0,4 m3 gỗ (tương đương khoảng 3-4 tạ - để bạn đọc dễ hình dung, nó chở 8 bao xi măng), giá trên 10 triệu đồng/chiếc. Nhưng đợt này do chưa có hàng, muốn mua phải đặt trước 2 tháng.

Thâm nhập lò độ siêu xe phá rừng - 3

Tiêu hủy xe đạp thồ ở VQG Yok Đôn

"Độ xe đi rừng nó khác hoàn toàn với xe đua. Đối với xe đua thì cần tốc độ lên nhanh để vượt qua người khác, còn xe đi rừng thì ngược lại chỉ cần khỏe và lỳ chứ không cần nhanh". - D. nói.

Để có được một con xe máy độ chở gỗ, D. tìm mua loại xe trộm cắp không giấy tờ, dĩ nhiên rất rẻ. Rã hết các bộ phận xe ra, sau đó, máy được làm lại, nâng cấp bằng cách thay piston loại lớn, xoáy lớn xi lanh và dên cũng được thay bằng loại lớn. Bộ khung được gia cố bằng nhiều thanh thép to, lắp thêm 3-4 cặp nhún, một can xăng bự thay thế cho bình xăng cũ của xe, thay lốp, độ đèn... D. bật mí tuyệt chiêu trong việc chế tạo ra con “quái vật” rừng xanh này “Độ xe đi rừng nó khác hoàn toàn với xe đua. Đối với xe đua thì cần tốc độ lên nhanh để vượt qua người khác, còn xe đi rừng thì ngược lại chỉ cần khỏe và lỳ chứ không cần nhanh. Điều này nằm ở việc điều chỉnh côn. Côn xe đi rừng khi nào cũng phải khít hơn côn xe đua”. Xe đạp thồ gỗ thì ở đây mỗi chiếc 4 triệu, khung gia cố bằng nhiều thanh thép, vành và lốp đều mượn từ xe máy, có thể chở mỗi lần khoảng 1m3 gỗ.

Những công cụ phá rừng đắc lực

Có dịp trà dư tửu hậu với Minh “còi”, một lâm tặc có thâm niên 20 năm “ăn” gỗ rừng, chúng tôi được lão khoe công năng ưu việt của những phương tiện phá rừng. Lão kể : “ Trước đây đi làm gỗ dễ ợt, bởi rừng dày, gỗ nhiều vô kể. Loại cổ thụ vài người ôm đầy rẫy nhưng khai thác chẳng được bao nhiêu vì chủ yếu dùng rìu, cưa tay và vận chuyển bằng xe bò, mất mấy ngày mới lấy được một cây gỗ và cả tuần mới mang được ra khỏi rừng. Từ ngày việc làm gỗ được cơ giới hóa bằng cưa xăng, xe cày, xe máy độ chế... thì việc lấy gỗ trở nên dễ dàng và năng suất tăng lên đáng kể, nhưng cũng vì vậy mà rừng ngày càng lùi xa, gỗ ngày càng ít”.

Tự suy từ lão mà ra, từ ngày kiếm được con xe cày độ chế, việc lấy gỗ đối với lão dễ như trở bàn tay. Chỉ cần 3 người, trong 3 ngày 2 đêm đã đủ trộm được cả xe gỗ làm trụ tiêu khoảng 4m3. Xe vào đến rừng, bộ ba tỏa ra dùng cưa xăng hạ những cây đã được trinh sát đánh dấu sẵn . Sau đó dùng tời gỗ lên. Đoạn đường nào dốc hoặc lầy lội thì đóng cọc dùng tời kéo xe . “Gỗ to nếu dùng tay phải hơn chục người lực lưỡng, khó khăn lắm mới bốc lên xe nổi. Còn có tời, chỉ cần ba người điều khiển đã đủ móc gỗ xếp nhẹ nhàng lên xe!”

Mới đây, trong Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2013, UBND tỉnh Đăk Lăk đánh giá: Một trong những tồn tại lớn dẫn đến mất rừng trong thời gian qua là do các địa phương chưa xử lý dứt điểm các phương tiện độ chế khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép.

Nhận định này rất đúng, nhưng… nghe quen quá! Bởi hàng chục năm rồi chẳng có hội nghị, họp hành chủ đề Bảo vệ rừng nào ở Đắk Lắk không lặp đi lặp lại điệp khúc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thiên Nga - Vạn Tiếp (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN