Thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước khác nhau thế nào?

Đối với công dân Việt Nam, khi làm thẻ căn cước họ sẽ có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước…

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tuyến bài về những quy định mới tại dự thảo Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua (Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), một số bạn đọc có thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân liên quan đến thẻ căn cước…

Liên quan đến những thắc mắc trên, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM có giải đáp theo quy định tại Luật Căn cước.

Trong cơ sở dữ liệu có những thông tin gì?

Bạn đọc Phan Thanh My (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) thắc mắc theo quy định, người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước, thay vì được cấp thẻ căn cước như công dân Việt Nam. Như vậy, quyền của họ về căn cước và các cơ sở dữ liệu (CSDL) số hóa có sự khác biệt hay hạn chế nào không?

“Việc cấp giấy chứng nhận căn cước là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, thông tin trên giấy chứng nhận này lại có nhiều điểm khác so với thẻ căn cước thì quyền của người sử dụng giấy này có khác gì so với công dân Việt Nam? Ví dụ, họ có được cập nhật thông tin vào các CSDL và khai thác, sử dụng chúng không, hay họ có được cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận này giống thẻ căn cước?…” - bạn đọc Thanh My nói.

Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt... Ảnh: HT

Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt... Ảnh: HT

Tương tự, bạn đọc Quế Anh (ngụ quận Tân Bình) cũng có thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân đối với các CSDL.

“Hiện nay, các thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng thường xuyên bị đánh cắp, mua bán. Điều này khiến nhiều người dân gặp không ít phiền toái. Vậy toàn bộ thông tin của người dân được cập nhật vào CSDL thì có được bảo vệ không? Đồng thời, bản thân người dân cần có nghĩa vụ gì để phối hợp cũng như làm đúng trách nhiệm, đúng quy định về các CSDL này?” - bạn đọc Quế Anh nói.

Bạn đọc Trần Ngân (ngụ quận Tân Bình) thắc mắc CSDL quốc gia về dân cư hay CSDL căn cước đều là nơi tập hợp thông tin của công dân, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết trong các CSDL chứa thông tin gì.

Quyền và nghĩa vụ đối với căn cước

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ Điều 5 Luật Căn cước, công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đều có quyền và nghĩa vụ đối với căn cước, CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước.

Đối với công dân Việt Nam, họ sẽ có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước; yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử.

Được xác lập số định danh cá nhân, được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư; sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp; khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước.

“Người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch cũng sẽ có những quyền giống với công dân Việt Nam như đã nêu trên. Tuy nhiên, thay vì có quyền về thẻ căn cước thì họ lại có quyền với giấy chứng nhận căn cước. Đồng thời, điểm khác là họ không có quyền về căn cước điện tử và xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư” - luật sư Hoàng Anh Sơn nói.

Luật sư cho biết thêm cũng theo quy định ở Điều 5 thì công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đều có nghĩa vụ làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước, căn cước điện tử.

Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan. Chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu.

Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra; nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.

Cũng theo luật sư Hoàng Anh Sơn, người mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự và người dưới 14 tuổi cũng được thực hiện quyền và nghĩa vụ trên. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự họ thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cưvà cơ sở dữ liệu căn cước

Theo Điều 9 và Điều 15 Luật Căn cước, thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; tên gọi khác; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; số CMND 9 số; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, CCCD, CMND 12 số đã được cấp.

Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số CMND 9 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

Tình trạng khai báo tạm vắng; số hồ sơ cư trú; tình trạng hôn nhân; mối quan hệ với chủ hộ; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số CMND 9 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình tại nơi cư trú; thông tin khác theo quy định của Chính phủ.

Thông tin trong CSDL căn cước gồm: 20 trường thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư (20 trường thông tin đầu tiên đã nêu trên - PV).

Ngoài ra còn có thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp (trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, cơ yếu); trạng thái của căn cước điện tử (được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử).

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

9 hành vi bị cấm trong Luật Căn cước

Theo Luật Căn cước, sẽ có một số hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Thẻ căn cước công dân gắn chip Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN