Thả nổi người nghiện: Khó cai tại cộng đồng
Tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng thể hiện tính nhân văn, đồng thời giúp dễ dàng phát hiện người nghiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cai nghiện tại cộng đồng là khó khả thi.
Sau khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có hiệu lực, năm 2010, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công an đã ban hành Thông tư 14 hướng dẫn thực hiện. Thông tin này quy định các địa phương phải quản lý và cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện trong thời gian 6 tháng, sau đó nếu họ tái phạm thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế đưa vào cơ sở chữa bệnh, thay vì trước đây cứ phát hiện là đưa ngay vào các trung tâm để cai.
Kế hoạch chi tiết
Trên cơ sở đó, cuối tháng 11/2012, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch “Cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện ma túy từ nay đến năm 2015”. UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đề ra cách thức, giải pháp khả thi nhằm kiểm soát tình hình người nghiện trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch gồm: 100% người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký với chính quyền địa phương được cai nghiện tại gia đình; 100% người sau cai được tiếp nhận, giúp đỡ ổn định cuộc sống tại nơi cư trú; 100% đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao được quản lý cai nghiện tại trung tâm; khống chế tỉ lệ tái nghiện dưới mức 50%...
Để thực hiện, UBND TPHCM phân công Sở LĐ-TB-XH chủ trì, xây dựng mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lực lượng công an lập hồ sơ xác định người nghiện, số tự nguyện và số bắt buộc áp dụng biện pháp cai nghiện tại nơi cư trú; Sở Y tế tổ chức hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra, tập huấn phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe người nghiện cho cán bộ y tế quận, huyện, phường, xã, thị trấn…
Các đối tượng sử dụng ma túy bị lực lượng Công an TP Đà Nẵng bắt giữ. Ảnh: Hoàng Dũng
Tại TP Hà Nội, tất cả 577 xã, phường đã có đội xã hội tự nguyện để “vào từng nhà - rà từng người, vào từng ngõ - gõ từng người” vận động, thuyết phục trước cai - trong cai - sau cai. Ngoài ra, còn có 74 câu lạc bộ quản lý, giáo dục, sinh hoạt, giúp đỡ những người sau cai nghiện ma túy ở các cộng đồng.
Thực hiện mơ hồ
Tuy nhiên, khó khăn, lo lắng đang chồng chất vì Luật Phòng chống ma túy sửa đổi dù đã có hiệu lực từ 2 năm nay nhưng những việc cần cho thi hành quy định mới vẫn chưa đâu vào đâu. Những khó khăn về điều kiện y tế, nhân sự, kinh phí, việc giám sát, quản lý người nghiện tại nơi cư trú vẫn đang là bài toán quá khó đối với các địa phương.
Theo ông Phan Văn Dũng, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH quận 12 - TPHCM, hiện trên địa bàn quận có gần 600 người nghiện. Trong đó, số có hộ khẩu thường trú chỉ 132 người, còn lại là đối tượng lang thang. Kế hoạch cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã được chỉ đạo thực hiện nhưng triển khai như thế nào thì còn rất mơ hồ. Ngành LĐ-TB-XH trước giờ vẫn chủ trì công tác quản lý lĩnh vực này nhưng hiện họ không có cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, y tế cấp phường, xã cũng chưa có đội ngũ nhân sự có thể thực hiện cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Mọi việc đang “rối tung rối mù” mà chưa có sở, ngành nào đứng ra làm đầu mối trong việc này và kinh phí cũng chưa thấy đâu.
Phòng LĐ-TB-XH quận 8 - TPHCM cho biết địa phương chỉ mới lập tổ công tác khảo sát thống kê số người nghiện để vận động đăng ký đối tượng tham gia. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự phục vụ công việc này chưa hình thành và cơ sở vật chất thì chỉ duy nhất trung tâm y tế dự phòng của quận là có khả năng đáp ứng.
Nói về những bất cập của hình thức cai nghiện tại cộng đồng, ông Nguyễn Đình Hiền, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho rằng có những rào cản rất khó vượt qua để mang lại hiệu quả bởi thiếu đủ thứ. “Các xã, phường hầu như không có lực lượng chuyên trách đủ trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, hầu hết là kiêm nhiệm, không có thù lao. Cơ sở vật chất về y tế như giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ lại quá thiếu... Bên cạnh đó, người nghiện vẫn được sinh sống tại chỗ, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội sẽ tác động rất xấu, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy” - ông Hiền băn khoăn.
Quản lý không được
Một vướng mắc khác khiến việc cai nghiện tại cộng đồng gặp khó là công tác quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy từ trung tâm về cộng đồng lẫn người cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Chuyên dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai cũng là vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Số liệu của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho thấy toàn TP hiện có đến gần 10.000 người nghiện ma túy (trong tổng số hơn 20.000 người nghiện) sinh sống ngoài cộng đồng. Năm 2011, trong số hơn 900 người nghiện được quản lý sau cai tại cộng đồng, chỉ có hơn 400 người được hỗ trợ việc làm, 30 người được vay vốn, 4 người được dạy nghề.
Còn tại TPHCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, nhìn nhận: “Hiện chúng ta nói quản lý người nghiện và người sau cai nhưng thật ra chỉ là hỗ trợ giúp đỡ. Tuy nhiên, đối tượng từ chối giúp đỡ và thay đổi địa chỉ cư trú không báo nên không quản lý được. Với Luật Cư trú mới thì ta cũng không có quyền quản lý nơi cư trú của họ. Vừa qua, các ngành chức năng có đưa ra con số tái nghiện ở TPHCM là 3%. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành công an thì tỉ lệ tái nghiện phải đến 26%-27% và số liệu này cũng chưa đầy đủ”.
“Mềm” hóa quy định Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, cho biết để hạn chế tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng, Đà Nẵng đã làm “mềm” hóa quy định. Theo đó, nếu phát hiện người sử dụng chất ma túy lần đầu, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, buộc họ ký cam kết không tái phạm và cho về gia đình giáo dục cai nghiện. Nếu sử dụng chất ma túy lần thứ 2, không kể thời gian 1 tuần hay 1 tháng, đối tượng phải vào trung tâm cai nghiện tập trung để quản lý. Nếu nghi ngờ người nào, cơ quan chức năng sẽ mời lên kiểm tra đột xuất chứ không cần phải phát hiện sử dụng ma túy. H.Dũng |