"Tết chay" của những phận đời dưới gầm cầu

Bà Đặng Thị Bảy sống dưới gầm cầu Tân Thuận 1 (quận 7, TPHCM) cho biết "năm nay được ăn tết chay với bánh ngọt và trái cây" khi được tặng 500 ngàn đồng và một chiếc xe đạp.

Cận tết Quý Tỵ, các bến đậu trên sông Sài Gòn rộn ràng với hàng trăm chiếc ghe chở đầy hoa kiểng, trái cây từ miệt sông nước miền Tây. Nhưng dưới các gầm cầu lại là bầu không khí khác hẳn.

Xóm nghèo quanh gầm cầu chữ Y (nhánh cầu đường Hưng Phú, TPHCM) rất ít không khí tết. Dưới gầm cầu này là “khách sạn ngàn sao” của bà Trần Thị Huệ (51 tuổi) từ hơn một năm qua. Mồ côi cha mẹ từ khi 13 tuổi, cô bé Huệ ngày ấy trải qua 38 năm sống bụi. Ngày tắm nước vòi tưới cây ở công viên, tối đợi khi nước sông Sài Gòn dâng lên thì bà đem quần áo giặt giũ, sau đó leo lên ngủ trên một bệ xi măng lạnh dưới gầm cầu.

Bà Huệ nói mỗi chiều dù bà chạy nhanh đến mấy cũng chỉ bán được 17 tờ giấy dò vé số (vốn 12 ngàn đồng) và lời được 5 ngàn đồng, số tiền chỉ đủ để mua một tô cơm trắng. Tết Quý Tỵ sắp đến, bà có một điều ước: “Ước gì tôi có được một triệu đồng để làm vốn đặt cọc lấy vé số bán!”.

"Tết chay" của những phận đời dưới gầm cầu - 1

Niềm vui của bà Bảy (giữa) cùng hai cháu ngoại Hồng Tiên, Thanh Hải khi tết này được tặng 500 ngàn đồng và chiếc xe đạp - Ảnh: Thái Bình

Ở đầu kia của nhánh gầm cầu này từ hơn 10 năm qua là chốn dung thân của ông Nguyễn Văn Nê (57 tuổi, quê Tiền Giang). Ông kể cũng từng có vợ con, nhưng sau lần bị tai biến liệt nửa người thì gia đình tan vỡ. Ban đầu bán vé số, nhưng do không di chuyển được nhiều nên ông dần ăn lậm vào vốn, và giờ thì sống bằng tấm lòng hảo tâm thơm thảo của bà con ở cái xóm nghèo này. Điều ước ngày tết của ông đơn giản chỉ là những bữa ăn no và một bộ chiếu, gối, mền lành lặn.

Còn bà Phạm Thị Ngọc Giỏi năm nay ngoài 60 tuổi, cho biết đã gần 30 năm sống đơn độc dưới gầm cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TPHCM). Cứ mỗi sáng bà đi lòng vòng nhặt ve chai gánh về, chiều phân loại và đem bán. Tết này bà Giỏi vui vì gầm cầu Nhị Thiên Đường vừa được nâng cao nền sạch sẽ, bà hy vọng sẽ ít bị đám ruồi, muỗi, chuột, kiến, gián tấn công nơi ở.

Cũng sống với nghề lượm ve chai nhưng bà Phạm Ngọc Yến (quê An Giang, hiện sống dưới gầm cầu chữ Y, nhánh đường Dạ Nam, quận 8) còn bị hành hạ của hai căn bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Nhắc đến chuyện sắm sửa tết, bà Yến than: “Bệnh muốn chết còn không có tiền đi khám, ở đó mà mơ mua sắm”.

Bà Đặng Thị Bảy sống cùng hai đứa cháu ngoại dưới gầm cầu Tân Thuận 1 (quận 7, TPHCM) từ bốn năm nay. Bà Bảy thường đi giặt đồ mướn để kiếm tiền “nhưng giờ thì nhà nào cũng có máy giặt cả rồi”, bà than thở. Đón tết Quý Tỵ, bà Bảy vừa được UBND phường Tân Thuận Tây tặng 500 ngàn đồng và một chiếc xe đạp cho đứa cháu trai. “Mẹ tụi nhỏ quần quật làm thuê cũng chỉ được hơn một triệu đồng mỗi tháng nên nhà tôi nhiều năm qua chưa bao giờ sắm tết. Nhưng năm nay chắc sắm được tết chay với bánh ngọt và trái cây”, bà Bảy nói.

Bà Bảy còn khoe sẽ ăn tết lớn hơn nữa vì đứa cháu trai Nguyễn Thành Hải mới “chạy” hai “sô” phụ việc mai táng. Hải cười xởi lởi: “Em chỉ làm lặt vặt, mỗi lần được chủ cho năm, sáu chục ngàn đồng”. Hải mong muốn trước tết được làm thêm ở các đám tang nữa để đủ tiền cho mình và cô em gái cùng đi chơi Đầm Sen hoặc Suối Tiên. “Mang tiếng là dân thành phố nhưng tụi em chưa bao giờ đến mấy nơi vui như thế”, Hải nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Bình (Tuổi trẻ)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN