Tất niên cùng ve chai sông nước

Áp Tết, vậy mà chỉ vì một miếng ăn mà phải đánh đổi bao mồ hôi công sức, cả tính mạng thì quả là khó nuốt.

Chòng chành những con thuyền kiếm cơm

Chẳng ai muốn sống bằng đời lượm nhặt cái người ta vứt đi, chẳng ai muốn đánh đổi sinh mạng mình để lấy những thứ được cho là rác. Nhưng cuộc sống đầy những khó khăn và không phải ai cũng có thể tìm cho mình được một công việc phù hợp. Họ - những con người bám lấy dòng sông và những thứ bỏ đi, chỉ để kiếm vài chục ngàn trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi gọi họ là những mảnh đời ve chai sông nước ở Sài Gòn.

Họ như những cánh vạc men theo những con nước, xuôi dòng theo các con kênh, rạch trong thành phố. Có thể chúng ta gặp họ ở dọc kênh Tàu Hủ, cũng có cũng khi trên những nhánh sông quận 2, quận Gò Vấp… đất kiếm cơm của họ thường vô định, dựa vào nước lớn, nước ròng để mưu sinh.

Gần 7h sáng, tôi theo chân chú Phan Văn Bình (57 tuổi) xuất phát từ bến phà An Phú Đông (Q.Gò Vấp) bắt đầu một ngày mưu sinh mới. Sau khi chuẩn bị đủ “đồ nghề” gồm cái vợt dài và vài cái bao loại lớn, đẩy chiếc thuyền con ra giữa dòng chú mạnh tay chèo men dọc theo sông Vàm Thuật hướng về cầu An Lộc để “hành nghề”. Con thuyền chòng chành đưa tôi và chú đến tận cầu An Lộc (Q.12), đoạn đường này khá xa, phải mất gần 4 giờ đồng hồ cả đi và về. Con thuyền đi dọc sát mép bờ vì chai nhựa thường tấp vào bờ nên dễ lượm, đôi khi cũng phải bơi ở giữa dòng xem có gì vớt được hay không. Đôi tay vẫn mạnh lái mái dầm, đôi mắt không ngừng quan sát để tìm kiếm, thỉnh thoảng chú dùng tay để lượm vài chai C2, trà xanh…

Quê chú Bình ở Long An, năm 13 tuổi, chú bị một mảnh đạn bắn lạc vào lưng, thế là chú bị tật ở cột sống, chân phải chú bị teo đi. Chú mang tật nguyền của đôi chân rày đây mai đó kiếm sống. Nhà không có ruộng vườn gì, con gái chú hiện đi làm công nhân, còn vợ chú đi làm tạp vụ cho một nhà hàng ở tỉnh. Chú rời gia đình lên đây đã mười mấy năm, ngần ấy năm cũng là ngần ấy thời gian chú gắn bó với cái nghề nhặt những thứ bỏ đi trên sông.

Ngôi nhà của chú ở đất Sài thành là chiếc thuyền trôi nổi trên sông, chú ở một mình trên thành phố, thỉnh thoảng có ít tiền mới về quê. Sáng sáng chú ra khỏi nhà trên chiếc xuồng nhỏ nhặt ve chai, trưa về chú lại phụ người này người kia làm việc. Vì biết bơi nên chú cũng không cảm thấy sợ khi con nước lên xuống hay những đợt sóng mạnh do các xuồng máy gây ra. Mái đầu lấm tấm bạc của người đàn ông này, cho tôi biết rằng cuộc sống khó khăn đã buộc ông phải xa mái ấm của mình để mưu sinh bằng cái nghề này. Đến bây giờ ở cái tuổi đã ngũ tuần, ông khó có cơ hội để tìm cho mình một công việc phù hợp ngoài những việc nặng nhọc và nguy hiểm như ông đang làm.

Tất niên cùng ve chai sông nước - 1

Họ là những mảnh đời ve chai sông nước ở Sài Gòn

Đến ấp Bình Trường, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ hỏi bà Ba vớt ve chai ai cũng biết, bởi bà là người có “thâm niên” lượm ve chai trên sông lâu nhất ở đây. Từ thuở nơi đây còn là những căn nhà lá lụp xụp chi chít nối nhau bà đã bắt đầu lượm ve chai trên sông để nuôi con cháu. Bà kể: “Cuộc sống nghèo khó quá, ruộng vườn, nghề nghiệp không có thì đành phải mưu sinh bằng nghề này thôi. Nguy hiểm cũng có, chuyện buồn, chuyện vui có đủ hết. Bây giờ người vớt ve chai nhiều quá nên tiền cũng ít lại.” Chiếc thuyền mưu sinh của bà giờ đây đã mục nát không còn sử dụng được, bà chuyển sang lội bộ theo mé sông mỗi khi nước ròng. Chỉ vào nồi rạm mới kho, bà cho biết đó là thành quả của buổi sáng đi lượm ve chai, vừa lượm vừa vớt những con rạm trôi trên mặt nước để cải thiện bữa ăn.

Về đâu những “thân cò”?

Nói ví von về nghề lượm ve chai này, chú Bình tâm sự: “Ở đường bộ thì có xe đạp, xe đẩy còn ở đường sông thì có thuyền chúng tôi, cũng gian nan vất vả lắm.” Sự khác nhau giữa hai đối tượng này là phương thức mưu sinh nhưng nỗi khổ cực có phần giống nhau. Cũng khói bụi, ô nhiễm môi trường, cũng tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập. Khác với những người lượm ve chai trên “đường bộ”, thì hành nghề trên “đường thủy” thoáng hơn, không khí không ngột ngạt, không phải đinh tai, nhức óc vì tiếng còi xe gầm rú. Thoáng thì thoáng thật nhưng chỉ cần mọt con thuyền máy chạy ngang, con thuyền sẽ chao đảo và nếu không vững tay chèo, người cầm lái có thể ngã bất cứ lúc nào. Tuy vậy, họ vẫn miệt mài công việc của mình với hi vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn.

Hầu hết họ đến với nghề này chỉ mong mỏi một điều là có cái ăn, cái mặc qua ngày hoặc kiếm tiền xoay sở để trả khoản nợ nào đó. Thu nhập của họ cũng thất thường nên cái đói, cái no của cái bụng cũng tùy thuộc vào mớ ve chai kiếm được nhiều hay ít. Chú Bình cho biết, trung bình một ngày chú kiếm được từ 30-50 ngàn đồng nhờ vào những ve chai vớt được trên sông: “Hồi đó còn nhiều chứ bây giờ người ta cấm vứt rác xuống sông nên cũng lượm được ít thôi, nước ròng thì lượm mủ (chai nhựa), nước lớn thì về”. Số ve chai được nhặt về sẽ có người mua ve chai dạo đến thu mua tại chỗ.”

Em Võ Thị Ánh Tuyết, cháu gái bà Ba, năm nay 12 tuổi nhưng cũng thường trốn mẹ theo bà nhặt ve chai. Em bảo “Em thường đạp mảnh chai hoài, sướt chảy máu ở chân nè. Sáng nào rảnh em đi theo bà dọc bờ sông ra đến chợ Bình Khánh rồi về, một buổi cũng được 3-5 ngàn để dành tiền đi học.” Chị Diệt Thị Phượng – mẹ em cho biết chị cấm em đi theo bà sợ nguy hiểm “Chị đi thì bé em cũng lọt tọt theo, không cho đi thì trốn đi, nó đi từ sáng tới trưa thì về. Được ít đồng để dành mua vở học, xót con lắm nhưng cũng tại mình nghèo con mình mới phải khổ”. Nói đoạn chị chỉ cho tôi xem bao ve chai em Tuyết vừa mới lượm được, nào ly nhựa, chai trà xanh không độ…

Có lẽ không có cái nghề nào lại kém chọn người đến như vậy. Nó chỉ chọn những người kiên nhẫn, những ai có thể chịu đựng được cái nắng gay người hay những mối nguy hiểm luôn rình rập lẫn mùi hôi của dòng sông ô nhiễm đêm ngày bốc lên. Kém người là thế nhưng nhiều người đã nhờ cái nghề này mà sống được, cũng vì không nghề nghiệp, cũng vì nghèo khó mà người ta bám víu lấy nó.

Chạy dọc đại lộ Đông-Tây, thỉnh thoảng chúng ta thấy những mái chèo nhỏ chòng chành với mớ ve chai, cuộc sống của họ rồi sẽ đi về đâu, những mảnh đời sông nước? Năm nay đã gần 60 nhưng hằng ngày bà Ba vẫn đi dọc theo mép sông Xoài Rạp để vớt ve chai kiếm tiền.

Một miếng ăn mà phải đánh đổi bao mồ hôi công sức, cả tính mạng thì quả là khó nuốt. Nhưng biết làm thế nào được, những người như bà Ba cần cơm ăn, cần cuộc sống. Và tất cả chúng ta cũng chỉ vì những cái cần thiết đó mà lao xuống biển, bay lên trời, chui xuống lòng đất, hoặc bươn chải "hết ngày dài lại đêm thâu" trong cuộc đời còn nhiều gian khó này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thuận (VOV Giao thông)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN