Tận diệt thú rừng: Điểm mặt đầu nậu

Các đầu nậu mua bán cả gấu rừng, cọp con và học thuộc luật để biết mua bán loài nào bị phạt hành chính, loài nào bị xử lý hình sự.

“Hàng rừng mà đi “chính ngạch” là bị bắt giữ liền, tụi tui đi đường ruộng không hà. Loại này hở ra là bị tóm, đi tù như chơi” - một đầu nậu “có số má” trong thế giới thịt thú rừng không ngần ngại bày tỏ...

Tận diệt thú rừng: Điểm mặt đầu nậu - 1

Ông Mãn - chủ một điểm bán thịt thú rừng ở thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng - kêu giá bán con chồn hương  - Ảnh: Anh Thoa

Ở khu vực biên giới Tây Ninh, Bình Phước có không ít đầu nậu thú rừng quy mô lớn. Từ đây, “hàng” được ngụy trang và vận chuyển về các lò thu mua trước khi ra với “thượng đế”.

Tận diệt thú rừng: Điểm mặt đầu nậu - 2

Bà Hiện, người làm của bà Thương, làm thịt một con chồn hương trước mặt khách mua hàng tại lò thú ở bên trái chợ Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước  - Ảnh: Anh Thoa

Đánh hàng xuyên biên giới

Trưa 20/10, chúng tôi đi Tây Ninh để đến khu vực cửa khẩu Xa Mát (giáp biên giới Campuchia). Lúc này, một thợ săn rắn đánh hàng từ Campuchia về cho biết: “Dạo này công an quần nên phải rút vào hoạt động kín”. Theo chân một tay săn ở mạn biên giới Tây Ninh - Campuchia, chúng tôi đến nhà ông Bằng trên đường Nguyễn Văn Linh (thuộc thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Ông Bằng cho hay: “Mới thâu một rắn hổ chúa nửa ký bán giá 400.000 đồng. Rắn này chủ yếu ở rừng Campuchia do thợ săn đánh về, cỡ nào cũng có”. Ông Bằng dẫn chúng tôi ra phía sau nhà chất hàng chục cái lồng sắt đựng rắn long thừa và lôi ra túi lưới đựng rắn hổ mang chúa. Ông Bằng mở một lớp túi lưới ra, con rắn chúa đang cuộn mình bỗng cựa quậy, ngóc đầu lên, mang bè rộng, khè phì phì.

Ngày 25/10, chúng tôi tiếp cận điểm tập kết thú rừng của ông Chợt, một tay buôn động vật hoang dã ngụ ở đường Trung Mỹ Tây 2A (P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM). Ông Chợt cho biết hàng rừng tuy khan hiếm nhưng đối với khách quen thì thứ gì cũng có. Chỉ cần chốt giá cả hợp lý thì chỉ trong ngày giao hàng đến tận nơi. Hàng ông Chợt cung cấp khá phong phú: rắn chúa giá 1,8 triệu đồng/kg, chồn hương 1,3 triệu đồng/kg, gấu con sống hay chết đều có hàng nhưng giá khá cao.

Trước đó vào tháng 5/2012, ông Chợt đã mang một gấu rừng đông lạnh từ nơi ở đến quán cà phê gần ngã tư Trung Chánh (Hóc Môn) chào bán cho ông Phương, một đại gia may mặc ở quận 12. Theo điều tra, ông Chợt thường xuyên áp tải hàng rừng bằng xe Wave. Ông Chợt ôm một túi cói lớn đựng gấu rừng bước vào quán cà phê. Vừa gặp ông Phương, ông Chợt nói thẳng: “Loại này hở ra là bị tóm, đi tù như chơi”. Làm ngụm cà phê, ông Chợt lôi ra một con gấu con đông lạnh đang trong tư thế cuộn tròn, hai mắt nhắm nghiền. Ông vạch từng bộ phận của gấu con, rồi ra giá: “20 triệu đồng, chưa kể chi phí mua cồn, bình (loại 30 lít) và rượu. Cả thảy 21 triệu đồng”. Chỉ cần qua công đoạn mổ ruột dùng cồn rửa, ngâm trong ba ngày, sau đó tạo hình gấu con ngâm với rượu ngon trong tư thế gấu ngồi “chào đón” gia chủ. “Vết bị đạn bắn nằm bên trong bụng, khi rã đông sẽ nhìn rõ. Nhưng anh chỉ cần nhìn bàn chân bụ bẫm với móng sắc nhọn như vầy thì không thể là gấu nuôi nhốt được. Không chỉ có gấu rừng mà ngay cả cọp con còn sống hay chết đều có hàng” - ông Chợt khẳng định.

Theo tìm hiểu, ông Chợt có một lực lượng “săn hàng” khá đông ở mạn rừng bên lãnh thổ Campuchia. “Đa số gấu nhỏ được bắt sống nguyên con, còn loại gấu lớn thì bắn chết rồi mổ lấy mật và chặt tay tại chỗ” - ông Chợt cho hay. Loại thú rừng này sẽ được ông Chợt lén lút chuyển qua biên giới về Việt Nam. “Hàng rừng mà đi “chính ngạch” là bị bắt giữ liền, tụi tui đi đường ruộng không hà. Thú rừng ngày càng khan hiếm, trong đó gấu còn sống hiện đang được giới buôn đẩy lên cao, giá một cặp gấu con nặng 10kg/con không dưới 100 triệu đồng nhưng không đủ hàng cung cấp. Rất nhiều đại gia đặt tiền cọc để săn hàng thú rừng tươi sống và chỉ hai, ba ngày là tôi giao hàng cho họ” - ông Chợt vô tư kể.

Ngày 20/10, chúng tôi chạy xe máy gần 100km từ thị xã Đồng Xoài đến chợ Đắc Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, giáp ranh biên giới Campuchia).

"Muốn ăn con gì các chú cứ ra sau nhà xem. Rắn hổ mang chúa 950.000 đồng/kg, cheo trên 300.000 đồng/kg tùy lớn nhỏ, chồn 250.000 đồng, mèo rừng tùy thuộc thị trường..."

Bà Thương (một đầu nậu ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, giáp ranh biên giới Campuchia)

Điểm thu mua thú rừng do bà Thương làm chủ nằm bên hông trái của chợ Đắc Ơ. Trước cửa nhà bà Thương có cả một bảng hiệu to đùng “Thương Hoài: thu mua nấm linh chi, sản vật rừng”. Bà Thương thường bắc ghế ngồi ngay trước hiên nhà. Khi được chúng tôi nói có người quen giới thiệu, bà Thương gọi người làm: “Xem chú này mua gì bán cho chú ấy”.

Men theo đường ximăng hẹp, chúng tôi ra phía sân sau nhà bà Thương với diện tích rộng khoảng 100m2. Rất nhiều thú rừng được cất giấu nơi đây. Lúc này có một người đàn ông nhìn dáng vẻ sang trọng đang mua hàng. Bà Hiện, một người làm của bà Thương, cầm chặt bao đựng chồn đập liên tiếp xuống nền nhà. Con chồn phụt máu chết ngay tại chỗ. Ngay sau đó người phụ nữ xách con chồn đến bên bình gas, bật lửa vào ống khò và đốt trụi lông để làm thịt.

Theo tìm hiểu, khu vực này có đến sáu điểm thu mua thú rừng. Để có hàng, bà Thương phải ứng tiền trước cho những tay săn bắt thú rừng để họ mua bẫy, đồ dùng, gạo nước... đi rừng. “Cứ mỗi nhóm đi rừng tôi ứng 1-3 triệu đồng. Có như thế khi có thú ngon họ mới để dành bán cho mình”. Thế nhưng cũng theo bà Thương, chỉ cần mua được một con thú quý hiếm đem từ rừng ra là sống khỏe bởi tiền lời luôn gấp đôi so với giá gốc.

Tận diệt thú rừng: Điểm mặt đầu nậu - 3

Giá mỗi ký cheo rừng được đầu nậu đưa ra là từ 300.000 đồng - Ảnh: Ngọc Khải

Món nhậu cho khách “sang”

Ngày 22/10, chúng tôi tiếp cận điểm thu mua thú rừng của bà Mai (gần ngã ba Tứ Quý, thôn 2, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Bảo Lộc 9km). Người dân sinh sống tại ngã ba Tứ Quý cho biết: quán Tường Vi của bà Mai nổi tiếng với các món nhậu thú rừng “độc”. 17h ngày 24/10, tại quán Tường Vi có ba ôtô cùng nhiều xe máy trờ tới quán thưởng thức đặc sản núi rừng. Chúng tôi quan sát thực đơn các thực khách gọi chỉ toàn các món heo rừng, cheo, dúi, nhím, rắn, gà rừng... với đầy đủ các món.

Ông Hùng, một thợ săn tại vùng rừng xã Lộc Bắc, cho biết ở Lâm Đồng vựa thu mua của bà Mai và Lập “thẹo” (đều ở xã Lộc An) là hai mối thu mua lớn nhất vùng. Các loại thú từ lớn tới bé đều được tay chân của hai “trùm” này mua trực tiếp của thợ săn về tiêu thụ. Theo điều tra, quán Tường Vi chỉ chứa một lượng nhỏ thú rừng như cheo, nai, nhím, chồn hương... được ướp sẵn trong ba tủ lạnh vừa đủ cho khách ăn nhậu trong ngày. Để tránh bị phát hiện, phòng khi bị bắt, bà Mai còn có hẳn một nhà riêng chuyên chứa thú rừng còn sống với số lượng lớn.

Khi được hỏi, người làm của bà Mai lôi trong tủ lạnh ra một con cheo nặng 1,2kg nói vừa mới giết còn tươi nguyên giá 400.000 đồng/kg. Trong tủ lạnh chứa đầy cheo, nhím, heo rừng... đã làm sẵn. Có khách hỏi mua thú sống ăn cho tươi, bà Mai giãi bày: “Chị bị bắt và kiểm tra hai lần rồi nên đề phòng, không dám để thú sống tại quán nữa...”.

Ngày 23/10, chúng tôi đến thị trấn Đạ Tẻh (thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), điểm thu mua thú rừng lớn nhất khu vực này là ông Mãn, nằm trên đường 30/4. Đầu giờ chiều, hai đối tượng đi chiếc xe Wave màu đỏ đến nhập thú rừng. Tuy nhiên, điểm bán thú rừng của ông Mãn không cho người lạ mặt ra phía sau khu nhốt thú. Khách muốn mua loại nào ông Mãn và vợ sẽ vào trong nhà lấy ra cho khách coi. Ông Mãn cho biết: “Thích mua loại nào cứ nói, đây có chồn hương, cheo, kỳ đà... tất cả đều là đồ rừng. Đối với thịt heo, điểm của tôi không bán heo nuôi mà chỉ bán heo rừng”.

Theo điều tra, ở khu vực thị trấn Đạ Tẻh có khoảng chục điểm chuyên buôn bán thú rừng. Loại thú rừng này được săn bắt từ vườn quốc gia Cát Tiên. Sau khi bẫy được thú, các tay thợ săn thường mang ra điểm thu mua của ông Mãn bán.

Cách nhà ông Mãn khoảng 40m là điểm thu mua thú rừng của bà Năm. Chiều 23/10, chúng tôi tìm cách tiếp cận điểm buôn bán thú rừng của bà Năm. Lúc này bà Năm đang bán lại lô thú rừng cho một đối tượng chuyên buôn bán thú rừng dạo. Theo tìm hiểu, điểm thu mua thú rừng của bà Năm lớn không thua kém điểm của ông Mãn. Bà Năm còn mở cả quán nhậu Cây Dừa để tiêu thụ thú rừng. Bà Năm cho hay: “Tôi phải tự mua sách về học thuộc loại thú nào thì có thể bị phạt hành chính, loại nào bị hình sự. Khi có mấy con nằm trong sách đỏ là tôi tìm khách nhậu đại gia bán ngay, không tàng trữ trong nhà”.

Kiểm tra các điểm bán thú rừng

Chiều 1/11, ông Nguyễn Đình Cương, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh một số đối tượng liên quan trong phóng sự điều tra “Tận diệt thú rừng”. Trước đó sáng cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng thành lập đoàn liên ngành ập vào lò thú rừng trên hương lộ 3 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) và lập biên bản bắt giữ một số thịt heo rừng, một con nhím, hai con kỳ tôm và rắn.

Cũng liên quan đến phóng sự điều tra của PV, cuối ngày 1/11, chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) Trần Văn Chung đã ký công văn hỏa tốc chỉ đạo trưởng công an thị xã, Đội quản lý thị trường số 6, trưởng phòng tài chính kế hoạch thị xã thẩm tra, xác minh, kiểm tra thông tin báo phản ánh về điểm mua bán thịt rừng của ông Bình ở đường Nguyễn Huệ, P.Tân Thiện, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng mua bán thịt rừng trái phép trên địa bàn và báo cáo kết quả về UBND thị xã chậm nhất ngày 6/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV Điều tra (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN