Tấn bi kịch của đôi “vợ chồng” già U90 mắc bệnh phong

Gọi là “vợ chồng” nhưng họ chẳng có đám cưới nào diễn ra, cũng chẳng có ai chứng giám cho tình yêu của họ. Đến cả đứa con gái do họ sinh ra cũng phải bị mang cho đi làm con nuôi, bặt vô âm tín…

Tấn bi kịch của đôi “vợ chồng” già U90 mắc bệnh phong - 1

Ông Ích bơm từng xi-lanh cháo vào miệng cho bà Lỉnh.

Tuổi thơ đáng sợ của cậu bé từng tự tử vì bệnh phong

Trời mùa đông, gần trưa nhưng bầu trời u ám, mây xám khiến không khí tại khu nhà dành cho bệnh nhân phong nặng ở Bệnh viện phong da liễu Văn Môn (Thái Bình) thêm phần quạnh hiu hơn.

Đúng 9 rưỡi sáng, những người cấp dưỡng đã mang cơm đi phục vụ cho các bệnh nhân. “Đến giờ ăn cơm rồi các cụ ơi”, tiếng một cấp dưỡng vang lên. Từ trong những căn phòng, những cụ già bước đi ra chậm rãi, tay cầm theo những chiếc âu nhựa, bát sành… để lấy cơm và thức ăn.

Nhìn theo bóng dáng một cụ ông lững thững lấy cơm rồi về phòng, ông Nguyễn Xuân Thu – Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân nói với chúng tôi: “Hoàn cảnh của cụ ông kia có lẽ là khó khăn nhất ở bệnh viện chúng tôi”.

Để tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của cụ ông, chúng tôi sải bước nhanh theo chân cụ về phòng. Dừng chân trước cửa, tôi thấy cụ ông với hai bàn tay rụng gần hết ngón, lóng ngóng bơm từng xi-lanh cháo cho cụ bà nằm trên giường. Rồi cụ lê từng bước khó nhọc bởi đôi bàn chân giả tìm khăn lau cho cụ bà.

Ông Thu giới thiệu: “ Cụ ông là Nguyễn Đỗ Ích ( 89 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) còn cụ bà là Vũ Thị Lỉnh ( 88 tuổi, quê Ân Thi, Hưng Yên).

“Bà ấy nằm liệt giường được 2 năm 3 tháng rồi. Từ lúc bà ấy bệnh, tôi lập ban thờ Phật để hằng ngày tụng kinh, niệm phật cầu an cho bà ấy. Tôi chẳng mong gì cả, chỉ mong bà ấy được khỏe lại, nếu có ra đi, cũng thanh thản”, ông Ích mở lời khi chúng tôi hỏi về tình trạng của cụ bà. Hai mắt ông bắt đầu ngấn lệ. Ông đưa tay với lấy chiếc khăn mặt rụi lên mắt.

Ông đưa đôi bàn tay đã cụt gần hết ngón, chỉ còn 1 ngón tay cái là nguyên vẹn đẩy đẩy chiếc ghế mời chúng tôi ngồi. Rồi ông cũng ngồi xuống ghế và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về tấn bi kịch của cuộc đời ông.

Ông Ích bị bệnh từ khi còn rất nhỏ. Ngày bệnh phong (còn gọi là bệnh hủi) lan rộng như đại dịch, người dân nhìn thấy phong như nhìn thấy ác quỷ. Có người còn bị chôn sống, thả trôi sông.

Tấn bi kịch của đôi “vợ chồng” già U90 mắc bệnh phong - 2

Bà Lỉnh bị liệt nửa người hơn 2 năm nay không thể tự chăm sóc bản thân.

Mắt rưng rưng, ông Ích nói: “Dân làng hây (sợ) tôi lắm, họ tạo sức ép bắt gia đình đuổi tôi đi thật xa. Tôi sợ hãi lắm, khi ấy tôi chỉ là một đứa trẻ khoảng 10 tuổi đã phải uống thuốc sâu tự tử. Nhưng số tôi không chết, gia đình đã cứu tôi và cho tôi đi ở, làm thuê nơi khác”.

Nói đến đây, giọng ông lệch đi vì nghẹn ngào. Ngừng một hồi, lấy khăn lau nước mắt, rồi ông tiếp tục câu chuyện.

Hồi mới bị bệnh, ông Ích thấy có những vết như hắc lào bám vào da chân, rồi loang dần lên đầu gối. Nhưng căn bệnh phong quái gở không dừng ở đó, càng ngày, chân tay ông càng lở loét nên bị chủ cho về. Khi ấy, ông đi ở được 4 - 5 năm.

Bị đuổi việc, đi không biết đi đâu, về quê cũng không được, ông Ích lang thang nhiều nơi rồi chuyển đi buôn. Ông thuê nhà trọ rồi sắm đôi quang gánh, hằng ngày gánh từng quả chuối, quả bưởi, mớ rau ra chợ bán.

Câu chuyện bị ngắt lại bởi cụ bà đang nằm ở giường khẽ ho lên một tiếng. Cụ ông lại với tay lấy chiếc khăn mặt chấm lên miệng, lên mắt cho cụ bà.

Quay trở lại câu chuyện, ông Ích kể tiếp, trong một buổi đi chợ Nho Quan (Ninh Bình), còn khoảng 6km nữa mới đến chợ nhưng ông mệt quá không thể đi được. Ông nằm bệt ra vệ đường. Gần đó, có cô hàng nước đốt một đống lửa để sưởi, ông đến xin ngồi nhờ. Tối đêm, khi cô hàng nước dọn về nhà, ông đến nằm cạnh đống lửa rồi thiếp đi lúc nào không hay.

“Sáng dậy, tôi nhìn xuống chân và giật mình. Hóa ra, cả đêm qua, tôi để chân lên đống lửa đỏ rực mà không hề hay biết. Chân phồng rộp, lõng bõng nước, tôi vẫn cố lết ra chợ, bán hết chỗ hàng ngày hôm trước rồi mới về nhà trọ”, cụ Ích lắc đầu nói như thều thào. Ông Thu, người đã 27 năm theo dõi các bệnh nhân nơi đây cũng không cầm nổi nước mắt.

“Tất cả tôi đều phải trải qua một mình, gánh chịu một mình, đau khổ, cô đơn cũng chỉ có mình tôi. Có những lúc, tôi nghĩ tưởng mình không còn sống trên đời này nữa”, ông Ích gạt nước mắt.

Thế rồi sau đó, ông Ích tự đi chữa vết thương ở bệnh viện Nam Định. Rồi cũng một mình ông tìm đến khu điều trị phong thuộc tỉnh Nam định và ở đó 5 năm (1952-1956).

Năm 1957, gia đình ông tìm đến và đưa ông vào trại phong Văn Môn Thái Bình (nay là Bệnh viện phong da liễu Văn Môn) và cụ ở đây cho đến hôm nay.

Những tưởng cuộc đời của cậu bé khi mới 10 tuổi bị cả người thân, xã hội hắt hủi, chịu bao cay đắng tủi nhục sẽ yên ấm hơn khi tìm được nơi điều trị và được sống với những người đồng bệnh, cùng chung cảnh ngộ. Nhưng không, cuộc đời ông Ích là chuỗi những ngày bi kịch, hết đau thương này lại đến mất mát kia ập đến.

Hai người ăn chung một suất, dành tiền mua bỉm

Năm 1971, sau một thời gian sống tại trại phong Văn Môn Thái Bình, ông Ích quen bà Lỉnh, người con gái kém ông 1 tuổi cũng mắc bệnh phong. Đôi trai gái đang ở tuổi xuân thì lại cùng chung cảnh ngộ nhanh chóng quấn quít lấy nhau.

“Ngày đó, quy định của bệnh viện cấm bệnh nhân phong quan hệ, có con; vì vậy hầu hết các bệnh nhân chót có con với nhau đều phải cho đi làm con nuôi. Có như vậy thì những đứa con mới được chăm sóc chu đáo và ăn học tử tế”, ông Thu chia sẻ.

Tấn bi kịch của đôi “vợ chồng” già U90 mắc bệnh phong - 3

Mỗi khi nhớ lại quá khứ đau khổ của mình khi bị bệnh phong hành hạ, ông Ích lại không cầm được nước mắt.

Ông Ích và bà Lỉnh có với nhau một người con gái và cũng cho đi làm con nuôi khi mới hơn 1 tuổi, tên là Vũ Thị Hảo. “Hiện giờ nó đang ở Trung Quốc, mấy chục năm nay nó cũng không về đây thăm tôi. Nó về một lần lâu lắm rồi, chỉ bảo đang ở Trung Quốc, từ đó cũng biệt tích”, ông Ích buồn rầu kể.

Trong suốt câu chuyện, thỉnh thoảng, thấy cụ bà khó thở, ông lại lật đật đôi chân gỗ chạy đi lấy nước, rồi kéo cái chăn, kê lại người cho cụ bà đỡ khó chịu.

“Tôi không giấu gì nhà báo, tôi với bà ấy chỉ ăn một suất theo chế độ của Nhà nước. Suất còn lại, tôi xin cho tôi được lĩnh tiền để mua bỉm cho bà ấy. Số tiền mua bỉm là 300.000 đồng/tháng, không thể không có được.

Ở đây, thỉnh thoảng vẫn có đoàn từ thiện người ta đi tặng quà, tôi không dùng đến thì bán đi lấy tiền dành hết cho bà ấy. Cái bánh, cái kẹo tôi cũng bán lấy tiền mua bỉm”, ông Ích nói trong nước mắt.

Cụ bà bị liệt nửa người bên trái đã hơn 2 năm nay. Sáng nào ông cũng dậy sớm tụng kinh niệm phật, cầu an cho cụ bà. “Tôi cầu cho bà ấy được bình an, nếu có ra đi thì cũng ra đi thanh thản, về với Tây phương Cực lạc. Về phần mình, tôi chỉ mong còn khỏe cho đến khi bà ấy nhắm mắt xuôi tay, chứ giờ tôi bệnh ra đấy, khổ bà ấy lắm”.

Trời chuyển dần sang tối. Không gian tĩnh lặng đến đáng sợ. Một vài tiếng ho của bệnh nhân và tiếng gió rít qua cửa sổ. Mọi người đã chuẩn bị tắt điện để chìm vào giấc ngủ. Bữa cơm tối ở đây được ăn từ 15h30 phút chiều, vì thế, giờ người ta ăn tối cũng là giờ các cụ làm bạn với bóng đêm.

----------------------

 Thời gian trôi qua, cái nhìn của người đời với những người mắc bệnh phong đã cởi mở hơn. Nhưng sau những năm tháng phiêu bạt, nhiều người đã không còn nơi để về, họ chỉ còn biết làm bạn với những người cùng cảnh ngộ nơi bệnh viện phong da liễu Văn Môn.

Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: "Thế giới biệt lập của những bệnh nhân phong cô độc" vào lúc 16h ngày 20/2/2018.

Những mảnh đời còn sót lại ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn

Có nhiều người cả đời sống cô độc ở đây, chẳng có một người thân nào đến thăm. Cũng có người còn người thân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN