Tấm bản đồ của sự chối bỏ!

Đó là tấm bản đồ mà phía Trung Quốc vừa công bố.

Việc một quốc gia in ấn, công bố bản đồ là một hoạt động bình thường, nếu như bản đồ đó phản ánh trung thực lãnh thổ được thừa nhận của quốc gia ấy qua các văn kiện ký kết với các lân quốc. Tỉ như bản đồ công bố năm 1904 mang tên Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, theo đó lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Ngay chính tên gọi của đảo này cũng đã biểu thị vị trí cực nam Trung Quốc của nó.

Từ tấm bản đồ được thừa nhận không tranh chấp đó do triều đình nhà Thanh công bố, các nước khác mới in lại những tấm bản đồ Trung Quốc khác bằng ngôn ngữ các nước đó để tiện dụng, tất nhiên trên nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối biên cương và lãnh thổ được vạch trong bản đồ gốc do nhà Thanh công bố, đúng theo công pháp quốc tế và với tinh thần tự trọng hàn lâm. Tỉ như bản đồ đế chế Trung Hoa năm 1910 do Đại học Cambridge của hoàng gia Anh ấn hành, theo đó, đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.

Tấm bản đồ của sự chối bỏ! - 1

Bản đồ địa hình Trung Quốc do Sinomaps Press ấn bản và phát hành, bao gồm 130 đảo lớn nhỏ ở biển Đông (Ảnh: huanqiu.com)

Trong cả tấm bản đồ năm 1904 của nhà Thanh lẫn các bản đồ khác cùng thời đều nổi lên một điểm chung rất rõ ràng: Hải Nam là lãnh thổ cuối cùng ở cực nam Trung Quốc, hoàn toàn không có những cái gọi là Nam Sa, Đông Sa, Tây Sa... Tam Sa gì cả, đúng theo tinh thần “Trung Quốc sơn hà, thiên tử cư”..., nói theo cách nói của người Việt thế kỷ thứ 10 và 11 là “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” mà quan quân nhà Tống đã hai lần có dịp học và hiểu vào các năm 981 và 1077.

Các bản đồ nêu trên hoàn toàn khác với bản đồ mà Trung Quốc vừa mới in ấn và công bố, vốn là một “sáng tác” biểu thị tham vọng vô cùng, bất cần đến bất cứ công cụ tài phán quốc tế, dựa trên những chứng cứ lịch sử và pháp lý. Chuyện một anh công chức Đài Loan năm 1947 vẽ ra tấm bản đồ “đường lưỡi bò” mà nay Trung Quốc vin vào, cũng chẳng giá trị gì hơn một câu chuyện tiếu lâm địa chính trị, bằng cớ là đã chẳng hề thấy bóng dáng “đường lưỡi bò” ở hội nghị San Francisco 1951!

Tất nhiên, mỗi nước đều có những lý lẽ của mình, bởi thế mới gọi là tranh chấp và cần đến sự tài phán quốc tế một cách văn minh. Thế nhưng đây không phải là chọn lựa của nhà chức trách Trung Quốc! Thật ra, giấc mơ “đường lưỡi bò” rồi xưng hùng xưng bá này đã khởi động từ cách đây 41 năm, với việc mở cửa để câu kết với một Nixon và Kissinger đang tìm một sự ra khỏi Việt Nam “trong danh dự” với cái giá của một số “đổi chác” trong đó có cả “hạng mục” Hoàng Sa 1974...

Nội dung của tấm bản đồ thâu tóm thật ra đã được tự ý liệt kê trong điều 2 của luật biển ngày 25/2/1992 của Trung Quốc: ”Lãnh thổ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm phần trên lục địa của đất nước cùng các đảo ngoài khơi, Đài Loan cùng các đảo phụ khác nhau, kể cả đảo Điếu Ngư, đảo Penghu, các đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, cùng các đảo khác thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (Bulletin du droit de la mer, No.21, Aout 1992).

Điều đó có nghĩa rằng tham vọng thôn tính các đảo của các nước khác, tức sự sống còn của một số nước láng giềng mà nền kinh tế từ bao đời nay dựa vào những vùng biển bị thèm khát đó, đâu phải là một chuyển động gì mới mẻ, tùy hứng, mà đã là xuyên suốt trong ít nhất 20 năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Danh Đức (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN