Tai ương giáng xuống mái tranh nghèo

Trong một lần đi công tác tại tỉnh Tuyên Quang, tôi được một người dân kể rằng, ở thôn Hợp Long, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, có một gia đình 4 người thì 3 người phải đi phẫu thuật.

Với thông tin đó chúng tôi đã vượt qua nhiều km đường rừng tìm về gia đình anh Vũ Văn Vịnh, SN 1974, chị Trần Thị Din, SN 1979, ở thôn Hợp Long, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Tai ương dồn dập

Cũng vì gia đình nghèo khó nên anh Vịnh bươn chải lên Tuyên Quang nhằm kiếm kế sinh nhai nơi miền đất lạ. Tại vùng núi rừng này anh gặp chị Trần Thị Din, và họ đã nên duyên vào năm 1998, dù nghèo nhưng họ vẫn hạnh phúc khi được chung sống cùng nhau. Cưới được một năm, chị Din hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, niềm vui và hạnh phúc nhân lên gấp bội, họ đặt tên con là Vũ Trần Dương. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, tai họa liên tiếp ập đến gia đình bé nhỏ ấy.

Bé Dương thường xuyên đau ốm, được 2 tuổi thì Dương bị sa ruột phải xuống Hà Nội mổ cấp cứu. Sau khi con ra viện thì chút tiền của dành dụm bấy lâu cũng hết. Sau đó, họ sinh thêm 1 cháu nữa. “Sinh cháu thứ 2 chưa được bao lâu thì cháu đột ngột ra đi, tiếp đó bé Dương đi học mẫu giáo thì phát hiện một mắt của cháu bị hỏng không nhìn thấy gì. Lúc ấy vợ chồng tôi vừa thương con vừa hụt hẫng, không biết phải làm thế nào. Đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả”, anh Vịnh nói.

Tai ương giáng xuống mái tranh nghèo - 1

Vợ chồng anh chị Vịnh – Din và cháu Dương

Cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn, bao nhiêu tiền của đều đội nón ra đi cùng bé Dương vào hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hết thuốc bắc đến thuốc nam. Nào ngờ, số phận khắc nghiệt không chịu buông tha cho gia đình nhỏ bé. Năm 2009 chị Din sinh bé trai thứ 3 được 3 tháng thì chị bị đau tim dữ dội, phải xuống Hà Nội cấp cứu. Các bác sỹ cho biết phải mổ tim cho chị thì mới có hy vọng sống sót, nhưng khi biết được số tiền mổ tim cho vợ trên 100 triệu đồng thì anh Vịnh choáng váng. Số tiền ấy với những người chỉ dựa vào lúa ngô như gia đình anh chị thì tích góp cả đời cũng không có. “Nghe đến số tiền phẫu thuật mà tôi như không thở được nữa. Bình tĩnh, tôi nghĩ bằng mọi giá phải vay mượn để vợ được phẫu thuật cho dù phần trăm sống sót ít đến mấy. Sau này vợ khỏe, hai vợ chồng lo làm ăn trả nợ. Chỉ nghĩ thế là tôi quyết định chạy vạy khắp nơi vay tiền, bán hết toàn bộ thóc, ngô trong nhà để vợ được phẫu thuật. Con trai mới được 3 tháng tuổi nhờ một tay ông ngoại chăm sóc, bà ngoại và các anh chị em thay nhau chăm sóc vợ ở bệnh viện. Sau ca mổ, mấy ngày sau vợ tôi vẫn không tỉnh lại. Bệnh viện trả về chuẩn bị hậu sự vì vợ tôi đã chết lâm sàng rồi. Lúc ấy, tôi chỉ biết cầu xin bác sỹ cứu lấy vợ tôi và cho vợ tôi ở lại tiếp tục theo dõi”.

Và rồi điều diệu kỳ đã đến với gia đình anh, chị Din tỉnh lại sau 3 tháng nằm bất động tại bệnh viện. Niềm vui khiến anh Vịnh và người thân vỡ òa. Nhưng rồi niềm vui ngắn ngủi bị dập tắt, khi bé Dương xuống bệnh viện thăm mẹ, tiện thể khám sức khỏe luôn thì bác sỹ cho biết bé Dương bị bệnh tim bẩm sinh cần phải mổ. Lại thêm một cú sốc lớn, bà ôm cháu, bố ôm con khóc nức nở trong bệnh viện, khiến những bệnh nhân khác không cầm được nước mắt.

Nhưng vì không có tiền nên anh đành đưa vợ con về nhà, đợi mấy năm nữa kiếm được tiền sẽ cho con phẫu thuật. Trong khi đó số nợ hàng trăm triệu đồng chưa trả được thì đầu năm 2010 chính anh Vịnh lại gặp bạo bệnh, anh bị viêm phúc mạc nặng phải xuống Hà Nội mổ, mấy tháng sau anh Vịnh lại bị vỡ ruột thừa, cả nhà lại tiếp tục dắt díu nhau xuống Hà Nội vào bệnh viện lo thủ tục mổ cho anh.

Năm 2011 gia đình anh Vịnh được xét diện hộ nghèo, có được bảo hiểm khám chữa bệnh, anh chị cố gắng làm lụng và vay mượn thêm để năm 2012 bé Dương được phẫu thuật tim. Ca phẫu thuật thành công, lại được giảm chi phẫu thuật nhờ bảo hiểm hộ nghèo nên cũng bớt phần nào khó khăn.

Tai ương giáng xuống mái tranh nghèo - 2

Ngôi nhà vách đất nhỏ xíu của anh Vịnh chị Din

“Con ước mơ trở thành bác sỹ”

Ngôi nhà vách đất nhỏ nhưng đâu đâu cũng thấy hàng túi thuốc tây treo lủng lẳng, bữa ăn chỉ có cơm và rau. Anh Vịnh nói rằng: “Hoàn cảnh của chúng tôi nghèo quá đưa lên mặt báo người ta cười cho, mình còn trẻ tuổi thì mình phải cố gắng làm ăn. Giờ cô về tận gia đình tôi, tôi ngại lắm nếu cô viết bài thì cứ viết đúng chứ đừng nói quá cô nhé, tôi sợ nhiều người không hiểu lại nghĩ rằng do lười biếng nên mới nghèo. Trên đời này chọn được người chứ mấy ai chọn được số bao giờ”.

Chị Din cho biết: “Thời gian khổ cực đó, chồng tôi một ngày chỉ dám ăn một bữa, về nhà là cứ mang ngô và khoai xuống Hà Nội để ăn thay cơm. Còn tôi rất may mắn được nhiều người nằm cùng phòng có điều kiện hơn họ mua cơm cho ăn, các bác sỹ cũng thương tình, hôm nào thấy tôi chưa có cơm là họ lại mua cho một suất. Lúc đó tôi sống bằng cơm của những người tốt bụng. Tôi không bao giờ quên ân tình của họ dành cho mình. Bây giờ cho dù còn chút sức lực tôi cũng sẽ làm việc hết mình để chăm sóc chồng con và kiếm tiền trả nợ. Bao nhiêu năm bạn bè, anh em giúp đỡ cho vay để chữa bệnh còn chưa trả hết, lại thêm một khoản nợ ngân hàng, mỗi tháng phải trả tiền lãi nữa. Chỉ cầu mong ông trời cho gia đình tôi sức khỏe”.

Tai ương giáng xuống mái tranh nghèo - 3

Cháu Dương đang ngồi học bài

Nghe chị Din kể chuyện, tôi nhìn sang bé Dương ngồi bên cạnh mẹ. Qua cặp kính cận dày cộp, đôi mắt bé Dương mọng đỏ rồi nước mắt tuôn trào: “Cháu thương bố mẹ cháu lắm cô ạ, nhưng cháu không làm được gì chỉ biết cố gắng học thật giỏi thôi”. Nghe con nói chị Din cũng khóc, anh Vịnh cố giấu đôi mắt đỏ hoe khiến tôi, một cô gái cứng rắn cũng phải ứa nước mắt. “Dù nhà nghèo, nhưng hai anh em Dương và Quang Anh rất ngoan, 8 năm liền Dương đều là học sinh giỏi. Đợt vừa rồi Dương được nhà trường tặng cho một chiếc xe đạp với danh hiệu học sinh nghèo vượt khó nên Dương mới có phương tiện đến trường”, chị Din tự hào.

“Sau này cháu chỉ mơ ước làm bác sỹ thôi cô ạ. Để cháu đi chữa bệnh cho những người nghèo như bố mẹ cháu. Cháu ao ước lắm, có hôm nằm ngủ cháu mơ được làm bác sỹ đi chữa bệnh miễn phí cho mọi người”. Một bé trai học lớp 8 đã phẫu thuật tim, đôi mắt của em chỉ còn sáng một mắt. Liệu ước mơ và hoài bão lớn của cậu bé có trở thành hiện thực khi gia đình quá nghèo, chiếc kính cận bị gãy mất một gọng vẫn chưa có điều kiện sửa.

Bà Ma Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết: “Ở những vùng miền núi như chúng tôi thì hầu như nhà nào cũng nghèo, nhưng hoàn cảnh của nhà anh Vịnh, chị Din thì đúng là đã nghèo khó lại còn bệnh tật. Gia đình anh chị Vịnh – Din sống rất tốt, bà con làng xóm ai cũng thương, con cái học giỏi. Chính quyền xã đã xét hộ nghèo và hàng năm cũng hỗ trợ một phần gạo giúp đỡ đình anh Vịnh. Tôi rất mong các nhà hảo tâm với tấm lòng “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ gia đình anh Vịnh, để họ vượt qua cửa ải khó khăn này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Mận (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN