Sửa Hiến pháp: Đề cao trách nhiệm Thủ tướng

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, Chính phủ muốn Hiến pháp sửa đổi ghi rõ Quốc hội quyết định những vấn đề gì. Những vấn đề không quy định cho Quốc hội, nghĩa là Chính phủ có thể quyết định.

Tại cuộc họp báo sáng nay (17/5), Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Hoàng Thế Liên (Ủy viên Ban chỉ đạo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, người phát ngôn của Ban chỉ đạo) đã trả lời của PV về việc tổng kết công tác lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Xin ông cho biết, hiện nay, Ủy ban Dự thảo nhận được những góp ý, phản hồi thế nào về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tiếp thu được bao nhiêu?

Có 7 nhóm kiến nghị tập trung chủ yếu nói về Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, quyền con người... Hiện chưa có dịp tổng kết mức độ tiếp thu là bao nhiêu. Nhưng chúng tôi cam đoan là tới đây sẽ có thông tin về vấn đề này.

Nhìn chung chúng tôi thấy, chất lượng ý kiến cho việc dự thảo tốt hơn trước. Tuy vậy, có những kiến nghị rất hay, tâm đắc, nhưng lý luận và cơ sở thực tiễn chưa thuyết phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm lập luận về những vấn đề chúng tôi đã nêu để thuyết phục Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu càng nhiều càng tốt.

Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ có dự kiến công bố công khai những ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp được tổng hợp lên các phương tiện thông tin đại chúng hay không?


Ủy ban dự thảo sẽ tiếp nhận các ý kiến, tổng hợp lại thành một tờ trình về việc tiếp thu và giải trình ý kiến nhân dân. Hiện nay trong tay các Đại biểu Quốc hội đã có bản đó. Tới đây, Quốc hội họp sẽ công bố và chúng ta sẽ biết nhân dân góp ý như thế nào, được tiếp thu, giải trình như thế nào.

Đây là quy định của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Chưa thấy có quy định đăng tải trên thông tin đại chúng, nên chúng tôi chưa làm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất việc này.

Tổng kinh phí bỏ ra cho việc lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp là bao nhiêu tiền?

Đến nay chưa tổng kết. Nhưng chúng tôi cho rằng không nên nề hà điều này, miễn là hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Tài chính cho phép dùng kinh phí dự phòng trên một số nguyên tắc mà công văn của Chính phủ đã nêu. Do vậy, địa phương nào cần thì lấy kinh phí dự phòng của địa phương theo quy định mà Bộ Tài chính đã đưa ra.

Làm chính sách là xây đường đi cho dân tộc, cả trước mắt và lâu dài, nếu tốn kém cũng phải chấp nhận. Hiến pháp là sản phẩm cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Sửa Hiến pháp: Đề cao trách nhiệm Thủ tướng - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Hoàng Thế Liên chủ trì buổi họp báo

Có ý kiến cho rằng Hiến pháp phải tăng trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng và các bộ trưởng?

Chính phủ có một số kiến nghị. Theo đó, Chính phủ đề nghị, trong Hiến pháp công nhận Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền “hành pháp” thì không cần quy định Chính phủ là cơ quan “chấp hành của Quốc hội” nữa. Vì trong “hành pháp” đã bao hàm ý đó.

Thứ hai, Chính phủ cho rằng, phải quy định thẩm quyền của Chính phủ và của từng thành viên như thế nào để Chính phủ có một vị trí độc lập nhất định.

Hơn 90% luật, chính sách là do Chính phủ đề xuất trình Quốc hội để phê duyệt. Nhưng một số chính sách thuộc thẩm quyền điều hành của Chính Phủ thì cần cho phép Chính phủ có được quyết định nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế - xã hội.

Trong Chương Quốc hội, cần ghi rõ Quốc hội quyết định những vấn đề gì. Theo đó, những vấn đề không quy định cho Quốc hội, có nghĩa là Chính phủ có thể quyết định.

Mặt khác, Chính phủ cũng cho rằng, cần xác định rõ vị trí của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên. Được biết, Chính phủ đề xuất rằng, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân. Bộ trưởng cũng vậy. Tôi cho rằng, quy định này sẽ đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và bộ trưởng trước nhân dân về nhiệm vụ của mình.

Về cơ chế bảo hiến, có đưa ra mô hình Tòa án Hiến pháp hay không?


Chúng ta đặt Hiến pháp là đạo luật cơ bản. Tòa án Hiến pháp thực chất là cơ chế sửa lỗi của số đông. Văn bản luật phải được thông qua theo số đông. Trước đây đã có đề xuất 3 mô hình: Thành lập tòa án Hiến pháp như một số nước; giao cho Tòa án tối cao; hoặc lập hội đồng hiến pháp.

Tuy nhiên, một thiết chế mới phải phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước.

Các nước theo tam quyền phân lập thành lập Tòa án Hiến pháp là đúng. Nhưng ở nước ta thiết chế Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Đó là cơ quan duy nhất do nhân dân bầu ra.

Cân nhắc thì thấy Hội đồng Hiến pháp là hợp hơn cả với tư cách là do QH bầu ra. Hội đồng Hiến pháp thực hiện quyền phán quyết và có quyền ban hành một số chế tài đối với những cơ quan đã có văn bản trái Hiến pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN