Sống lại những mầm sưa quý

Vào đầu năm 2006, nhiều hộ dân Cơ Tu sống dưới chân núi Cha Nghe (xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) liên tục tiếp các nhóm khách lạ mặt từ phía Bắc vào với một mẫu lá rừng trong tay.

Ngay sau khi nhận được cái chỉ tay của người bản xứ về hướng núi Cha Nghe, chỉ trong vài ngày sau đỉnh núi Cha Nghe gần như bị san phẳng, thậm chí cả những cây con cũng bị nhổ mang đi bởi những đoàn người tìm sưa.

Mãi đến một hôm có đoàn cán bộ nghiên cứu của Trường đại học Nông lâm Huế tìm về...

Sống lại những mầm sưa quý - 1

Tiến sĩ Ngô Trí Dũng với những chiếc lá sưa 3 năm tuổi

Truy tìm và tàn phá

Cả cánh rừng sưa đỏ độc nhất vô nhị ở vùng núi Nam Đông trong phút chốc được các thương lái chở khỏi làng dưới cái mác “củi làm chất đốt”. Mãi cho đến khi họ nhận được “hung tin” đó là loại gỗ có giá trị kinh tế cao không thua kém trầm hương thì tất cả đã muộn.

“Hồi ấy cả làng bỏ hết việc đồng áng lao lên đỉnh núi Cha Nghe. Người thì đào tung cả góc núi để tìm kiếm những đoạn rễ cây sưa còn sót lại, kẻ đi tìm cây con nhổ mang về cho bằng được. Vậy là từ một cánh rừng sưa nguyên sinh bỗng chốc không còn một chiếc lá, cả đỉnh núi bị phá nát tan tành...” - ông Thành, một người dân thôn 6, xã Hương Hữu, nhớ lại.

Còn ông Hồ Đức Thái (60 tuổi, ở thôn 4, xã Hương Hữu) bảo: “Từ ngày cha sinh mẹ đẻ dân mình ngày ngày đi làm rẫy qua đỉnh Cha Nghe mà có biết giá trị của cây sưa đâu. Người Cơ Tu mình chỉ biết sưa là loại gỗ tốt nên thường chặt về làm nhà. Đặc biệt, nhà ai nuôi con trâu, con bò là phải tìm cho bằng được vài khúc gỗ sưa về làm chuồng vì nó rất cứng, lại có mùi thơm nên trâu bò sẽ không bị ruồi muỗi bu bám.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ hôm có nhóm người lạ về làng. Họ cầm trên tay một mẫu lá rừng đi khắp làng hỏi có ai biết cánh rừng nào ở Nam Đông có loại cây như thế này không”. Nếu có thì họ sẽ mua bằng ký, một ký họ trả đến mấy chục nghìn đồng. “Sống sát bìa rừng mà nghe bảo có người mua gỗ tính bằng ký thì còn gì bằng. Vậy là dân trong làng ùa lên núi Cha Nghe thả sức mà đốn hạ.

Về sau khi trên núi Cha Nghe không còn một cây sưa nào nữa thì thương lái tiếp tục lùng mua gỗ trong dân. Từ gỗ làm cửa, làm đòn tay đến nọc giữ trâu bò hay chỉ là thanh gỗ nằm trong chuồng heo sau vườn... tất cả bọn họ đều tìm mua chở đi hết”.

Còn ông Nguyễn Hồng Hương, cán bộ địa chính xã Hương Hữu, nhớ lại: “Hồi đó, chính kiểm lâm địa phương cũng không biết đây là một loại gỗ quý hiếm đến như vậy. Các thương lái lên đây thuê dân vào rừng đốn sưa, rồi chẻ nhỏ ra bó từng bó như củi đun để qua mặt kiểm lâm. Vậy mà chẳng ông kiểm lâm nào biết cả. Tất cả đều gật đầu “đúng là củi đun” rồi mở thanh chắn cho xe thương lái chở “củi” về đồng bằng. Ầm ầm chừng một thời gian thì tất cả rơi vào yên lặng...”.

Sống lại những mầm sưa quý - 2

Người dân sống dưới chân núi Cha Nghe tiếp nhận cây sưa giống từ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên

Sống lại những mầm sưa quý

Khi nghe tin một quần thể sưa đỏ mọc trên núi ở vùng rừng Nam Đông bị chặt phá vô tội vạ, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Đại học Nông lâm Huế đã tức tốc lên đường tìm hiểu vụ việc.

Tiến sĩ Ngô Trí Dũng, khoa lâm nghiệp (Đại học Nông lâm Huế), nhớ lại: “Khoảng giữa tháng 10/2006, nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm lên đỉnh núi Cha Nghe với một tâm nguyện: bằng mọi cách phải bảo tồn cho được loài sưa đỏ đặc hữu này. Nhưng khi lên đến nơi thì không còn một gốc sưa nào sót lại... Tất cả đã bị đào xới tan tành. Không nản chí, anh em trong nhóm tản ra khắp các nương rẫy của đồng bào với hi vọng sẽ tìm thấy những cây sưa con nào đó sót lại. Và thật may mắn khi chúng tôi tìm thấy khá nhiều cây sưa con nhú mầm trên mảnh đất nham nhở sau những trận mưa rừng”.

Bằng kinh nghiệm, tiến sĩ Dũng nhận định giống sưa vừa phát hiện ở Nam Đông có nhiều đặc tính rất giống với nhóm sưa mọc trên núi đá vôi ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

“Bởi vì cả vùng rừng Nam Đông chỉ có một chóp núi Cha Nghe được cấu tạo bằng núi đá. Vùng phân bố của cây sưa rất hẹp, chỉ phát hiện trong phạm vi chừng 10ha. Đã vậy cây sưa mẹ không còn hiện diện nữa, riêng những cây tái sinh tại chỗ thì bị săn lùng và còn rất ít trong tự nhiên. Người dân tác động mạnh vào quần thể từ đánh mìn lấy gốc đến chặt hạ những cây chưa đủ tuổi”, tiến sĩ Dũng nói. Thế là nhóm nghiên cứu về dự án bảo tồn sưa Nam Đông do tiến sĩ Dũng “chủ xị” chính thức được thành lập, và may mắn hơn là dự án đã nhận được sự tài trợ về kinh phí của Quỹ Động thực vật quốc tế (Fauna & Flora International).

Gần 100 mầm cây sưa con thuần chủng cuối cùng còn sót lại ở núi Cha Nghe đã được di thực về vườn ươm giống của Trường đại học Nông lâm Huế. Thế rồi bằng phương pháp chiết cành, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Dũng đã nhân giống thành công cây sưa đỏ quý hiếm lấy từ vùng rừng Nam Đông trước sự thán phục của nhiều người.

Theo thạc sĩ Bùi Phước Chương, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn quản lý tài nguyên (Thừa Thiên - Huế), để bảo tồn cây sưa nhóm nghiên cứu đã nghĩ ra cách phải dựa vào dân. Chính người dân là chủ thể hưởng lợi từ loại cây quý này thì mới hi vọng dự án bảo tồn thành công được.

“Chúng tôi đã phối hợp với địa phương lên kế hoạch giao cho người dân tự trồng ngay trong nương rẫy của họ. Trước mắt là ưu tiên giống cho những hộ có đất rừng ở núi Cha Nghe. Với giải pháp này, nhóm nghiên cứu đã thành công khi hàng mấy trăm cây sưa đỏ thuần chủng đã được người dân bản địa trồng và chăm sóc rất chu đáo. Chỉ sau một thời gian tưởng chừng như mất hẳn, giờ đây những tán sưa đã xanh rì trở lại ngay trên đỉnh núi Cha Nghe”.

“Nếu không có nhóm kỹ sư này từ Huế lên kịp thời thì người dân chúng tôi có lẽ không bao giờ thấy bóng dáng cây sưa nữa. Đúng là khi mất rồi mới thấy tiếc”, ông Hồ Đức Thái nói với tình cảm chân thành.

Không dừng ở đó, nhóm nghiên cứu bảo tồn loài sưa còn tính đến phương án đưa cây sưa về trồng ngay trong vườn nhà của người dân bản địa. Với cách thức này sẽ tạo cho người dân bản xứ có cảm giác cây sưa rất dễ trồng, đồng thời phân tán được tâm lý “lùng tìm chặt sưa trên núi” đối với những hộ dân không có đất rừng trên đỉnh Cha Nghe. Và nhóm nghiên cứu đã thành công.

Khi chúng tôi cùng nhóm nghiên cứu bảo tồn cây sưa quay trở lại đỉnh Cha Nghe thì những cây sưa nơi đây đã lớn quá đầu người, thậm chí có cây thân đã lớn bằng bắp chân người, cao đến 3m. Nhìn những mầm sưa đâm chồi lao thẳng về hướng mặt trời, tiến sĩ Dũng khẳng định: giống sưa quý hiếm đặc hữu ở Nam Đông đã chính thức được phục hồi và phát triển rất tốt.

Tuy nhiên, để tiếp tục tạo dựng lại một quần thể sưa như trước đây thì vẫn còn nhiều việc lắm, trong đó có vai trò nhận thức của cộng đồng để cây sưa đặc hữu Nam Đông được phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nam - Hữu Khá (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN