Sông Bung nổi giận
Người dân hạ du nơm nớp lo sợ khi sông Bung bị “chia khúc” để làm thủy điện, nhất là từ lúc xảy ra sự cố trôi van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 mới đây, cuốn trôi 2 người và nhiều nhà dân cùng tài sản
Từ nước bạn Lào, sông Bung như một sợi chỉ kiên nhẫn luồn lách qua dãy Trường Sơn hùng vĩ để đổ vào tỉnh Quảng Nam. Tại Quảng Nam, sau khi vắt ngang 3 xã của huyện Tây Giang, sông Bung đổ về Nam Giang, chảy sang Đại Lộc rồi hòa vào dòng sông mẹ Vu Gia trước khi tuôn ra biển. Nhiều bậc cao niên sống bên bờ sông Bung cho biết dù có độ dốc lớn nhưng dòng sông này vốn khá hiền hòa, không giống con thú dữ bị trúng thương sẵn sàng tấn công những ai tiếp xúc như hiện nay.
Còn đâu thơ mộng, hiền hòa…
Dọc sông Bung, hàng trăm bản làng Cơ Tu sống nương tựa vào nhau và xem con sông này như tri kỷ. Bao đời nay, họ lớn lên và chết đi bên dòng sông. Nước sông Bung tô điểm cho vẻ đẹp mặn mà hoang sơ của những sơn nữ Cơ Tu. Sông Bung cho cá, cho dòng nước ngọt lành và cho phù sa để những rẫy lúa một màu xanh ngắt.
Bên dòng sông Bung còn có rượu Tà Vạt, một loại thức uống lên men đặc biệt mà đồng bào Cơ Tu lưu truyền rằng đó là sự ban tặng của thần linh. Với họ, sông Bung mang một ý nghĩa linh thiêng khó giải thích được bằng lời. Chiều sông Bung ngồi nghe em hát/ Rượu Tà Vạt làm mát lòng anh - hai câu hát được một người bạn phiên dịch từ tiếng Cơ Tu có lẽ ai nghe cũng xao xuyến lòng.
Dòng sông Bung hiền hòa đã bị “chặt khúc” để làm hàng loạt thủy điện
Dân làng A Dinh, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vui mừng khi thoát chết trở về
Thế rồi một ngày, người ta thấy hàng loạt phương tiện, máy móc được đưa đến để dồn ép, “chặt khúc” dòng sông Bung để làm thủy điện. Bắt đầu từ công trình ở thượng nguồn tại huyện Tây Giang là Tr’Hy, hàng loạt thủy điện đua nhau mọc lên như Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6. Gánh trên mình 6 thủy điện bậc thang, trong đó đoạn qua huyện Nam Giang chỉ dài vài chục cây số có đến 5 công trình, dòng sông Bung thơ mộng phải chịu nỗi đau quằn quại và nổi giận với con người như vừa qua có lẽ là điều tất yếu.
Đi ngược sông Bung lúc này, ai cũng có thể chứng kiến dòng sông hiền hòa trước đây đã thay đổi hẳn. Một số nơi từ con sông nhỏ biến thành lòng hồ tích đầy nước, phần sông còn lại đa số trơ đáy dù là mùa mưa hay mùa nắng.
Với người dân các xã Zuôih, La Êê, Chơ Chun, Chà Vàl ở huyện Nam Giang, trước khi sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, lần đầu tiên họ chứng kiến dòng sông mỹ miều uốn cong theo triền núi trở nên khô khốc. Lần đầu tiên họ chứng kiến ở giữa dòng sông, những tảng đá rêu phong được thiên nhiên đẽo gọt trơ mình chọc thẳng lên trời cao như oán thán. Và, lần đầu tiên người dân xuống dòng sông Bung ngăn từng đoạn để bắt cá!
Hàng loạt thủy điện mọc lên cũng kéo theo những thay đổi và biến động đối với nhiều số phận người dân bên sông Bung. Nhiều người phải xa dòng sông để nhường đất cho dự án. Hơn chục cán bộ đã dìu dắt nhau vào tù do gian dối trong 2 dự án thủy điện Sông Bung 4 và Sông Bung 2.
Điều duy nhất không thay đổi là đời sống người dân quanh vùng thủy điện vẫn luôn nghèo đói. Tệ hại hơn, họ phải sống cuộc đời bên dòng sông gắn liền với tuổi thơ nhưng luôn canh cánh nỗi lo. Nhiều người cho biết nếu như trước đây, khi thiếu rau họ lên rừng, thiếu cá xuống sông đánh bắt thì bây giờ, với hệ lụy từ những công trình thủy điện và vấn nạn “vàng tặc”, sông Bung dần biến thành “dòng sông chết” bởi rất ít loài cá có thể sống nổi với lượng hóa chất độc hại do con người đổ xuống.
Ám ảnh khôn nguôi
Ngược dòng sông Bung sau sự cố trôi van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2, chúng tôi nhận thấy rõ nỗi ám ảnh, lo sợ của người dân địa phương. Đêm 14-9, sau khi trở về từ rẫy, dân làng A Dinh, xã Chà Vàl kéo nhau đến nhà Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu để ăn mừng thoát chết. Bên chén rượu Tà Vạt cay nồng, những người gương mặt hốc hác sau một đêm thức trắng giữa núi rừng ngồi kể lại giây phút chống chọi với tử thần khi dòng nước lũ ùa về và kể về cuộc đời mình.
Theo bà Kring Nhậu, chiều 13-9, khi mọi người mới dọn cơm lên ăn thì nghe tiếng ầm ầm như máy bay bên tai. Họ ngước mắt nhìn thì khiếp đảm khi thấy dòng nước cao cả chục mét cuồn cuộn đổ về như muốn nuốt chửng mọi thứ. Không kịp suy nghĩ, người dân chỉ biết bỏ chạy, la hét khiến một khoảng núi rừng kinh động.
“Chưa bao giờ mình thấy sông Bung hung dữ như vậy. Rất may là nước tràn về sớm chứ nếu vào ban đêm, lúc mọi người đã ngủ thì không biết ra sao... Mình sợ lắm, không dám lên rừng làm rẫy nữa” - bà Kring Nhậu thảng thốt.
Bà Hiên Thị Chăn, trưởng thôn A Dinh, cho biết đêm đó, hơn một nửa dân làng đi làm rẫy ở bên kia sông Bung nên người thân ở nhà lo lắng không ngủ được. Sau khi nghe tin, bà cử 4 thanh niên vào rẫy tìm nhưng họ không quay lại khiến mọi người thêm lo. Mãi đến trưa 14-9, hàng trăm người mới lũ lượt kéo nhau trở về khi nước rút dần.
Điều mà bà Chăn lo lắng nhất là hiện nay, rất nhiều người vẫn phải sang sông làm rẫy hằng ngày. Sau này, khi thủy điện Sông Bung 2 đi vào hoạt động sẽ trở thành mối nguy hiểm cho người dân phía dưới mỗi lần xả nước phát điện.
Ông Đặng Đình Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong sự cố vừa qua, cho biết sắp tới, xã phải tính phương án di dời các hộ dân ven sông Bung đến những ngọn đồi cao hơn để tránh nguy hiểm.
Sống ở hạ nguồn sông Bung, người dân xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc có lẽ thấm thía với những cơn lũ dữ tràn qua bởi từng có các ngôi làng ở đây bị xóa sổ. Mới đây, khi nghe tin thủy điện Sông Bung 2 gặp sự cố, nỗi lo của người dân lại ập đếp. Hàng trăm người nhanh chóng sơ tán nhà cửa, dắt díu nhau lên núi lánh nạn.
Nhiều người ở Đại Lộc nói rằng đã lâu rồi họ không còn ra đứng bờ sông, không thể nhìn con nước đục trong để đoán thời tiết như trước đó. “Mới chỉ có thủy điện Sông Bung 4 đi vào hoạt động đã khiến người dân hết sức lo lắng, không biết khi cả 6 thủy điện tích nước thì chuyện gì sẽ xảy ra” - một người dân hoang mang.
Dòng nước sông Bung dù đục dù trong vẫn xô đẩy nhau chảy về với biển. Sự cố ở thủy điện Sông Bung 2 rồi cũng sẽ chìm vào ký ức. Thế nhưng, nhiều người dân và con cháu của họ sẽ phải sống cả đời bên dòng sông này. Điều họ mong mỏi là cơ quan chức năng phải bảo đảm các công trình thủy điện tuyệt đối an toàn bởi nếu có sự cố như vừa qua, không ai đoan chắc rằng may mắn sẽ đến với người dân một lần nữa…
Thay người điều hành Chiều 17-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xác nhận đã yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 2 (GENCO2, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2) làm thủ tục bổ nhiệm giám đốc ban quản lý dự án (BQLDA) thủy điện này. Theo ông Thành, hơn 1 năm nay, ông Vương Thành Chung được giao nhiệm vụ phó giám đốc phụ trách BQLDA thủy điện Sông Bung 2. Tuy nhiên, sau sự cố trôi van hầm dẫn dòng thủy điện, cần có 1 giám đốc để kiện toàn bộ máy nhân sự và phục vụ công tác điều tra nguyên nhân. Ông Thành cho biết ông Chung sẽ không được tiếp tục điều hành dự án nữa nên cần phải bổ nhiệm giám đốc. Trước đó, chiều 15-9, ông Thành đã rút ngắn thời gian công tác tại Trung Quốc để đến hiện trường. Tại đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN nêu ý kiến là có nên cách chức lãnh đạo BQLDA thủy điện Sông Bung 2 hay không nhưng sau đó đã cân nhắc vấn đề này. Theo ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc GENCO2, sở dĩ ông Thành không đề xuất cách chức ông Chung là vì ông này mới nhận nhiệm vụ từ ngày 1-6-2015, trong khi hầm dẫn dòng gặp sự cố đã đưa vào sử dụng năm 2012. Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 13-9, cửa van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 nặng 125 tấn bị cuốn trôi khi công trình này mới tích nước được 10 ngày. Hơn 25 triệu m3 nước trong hồ đổ xuống đã cuốn trôi anh Đặng Văn Tuyền (ngụ huyện Nam Giang), anh Nguyễn Minh Luân (quê Phú Thọ) và nhiều nhà dân cùng tài sản. Đến nay, mới chỉ có thi thể anh Tuyền được tìm thấy. Theo bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, hiện các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm anh Luân. |