Vụ Sông Bung 2: Chủ đầu tư nhận trách nhiệm

Sự kiện: Thời sự

Sau hơn 1 giờ 30 phút cống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, chủ đầu tư mới báo cơ quan chức năng khiến người dân thiệt hại nặng nề.

Vụ Sông Bung 2: Chủ đầu tư nhận trách nhiệm - 1

Dù cơ quan chức năng đã cẩu được 2 xe múc nhưng vẫn chưa tìm thấy 2 công nhân điều khiển Ảnh: Trần Thường

Chiều 15-9, lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã họp với các xã và lực lượng công an, biên phòng cùng Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 để tìm phương án hữu hiệu tìm kiếm 2 thợ máy đào bị cuốn trôi.

Chờ thủy điện báo tin, chắc có thảm họa!

Ông Đặng Đình Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang - cho biết làng Pà Ooi cách đập thủy điện Sông Bung 2 khoảng 5-6 km theo đường chim bay, còn đi bộ dọc sông mất hơn 1 giờ. Dòng nước từ thủy điện đổ về rất nhanh và mạnh, cuốn trôi nhiều tài sản của dân.

Theo thống kê ban đầu, có 3 căn nhà bị cuốn trôi, hàng chục con trâu, bò và nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng. Tuy nhiên, những thiệt hại trên không lớn bằng việc người dân địa phương mất niềm tin, thay vào đó là nỗi sợ hãi khi phải sinh sống dưới chân đập thủy điện.

Ông Xuân cho biết sau khi xảy ra sự cố, giữa Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 và chính quyền xã đã phối hợp chưa kịp thời. Hơn 16 giờ 30 phút ngày 13-9, cán bộ biên phòng ở thủy điện biết có sự cố ở đập đã điện báo cho chủ tịch UBND xã La Êê thì xã mới biết và báo cho các trưởng thôn. Trong khi đó, đến khoảng 18 giờ, phía thủy điện mới nhắn tin cho chủ tịch xã.

“Chủ tịch UBND huyện Nam Giang điện thoại nói có sự cố xảy ra, yêu cầu xã thông báo cho các thôn sơ tán người dân. Khi biên phòng gọi điện về, nước còn nhỏ nhưng bắt đầu lên nhanh, chừng 15 phút sau thì nước ùn ùn đổ xuống. Nếu đồn biên phòng không báo thì tôi nghĩ sẽ có thảm họa rồi chứ không chỉ mấy căn nhà bị trôi” - ông Xuân bức xúc.

Lại “đúng quy trình”?

Trong khi đó, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), cho rằng sau khi sự cố xảy ra, ông đã thông báo lập tức cho cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp huyện bằng văn bản và bằng tin nhắn.

Ông Hải khẳng định sự cố xảy ra lúc 16 giờ 25 phút mà đến 18 giờ thông báo cho các cơ quan chức năng trong cảnh hoảng loạn như thế là đã khá nhanh. Phía trên xã còn có nhà máy của đơn vị, trong khi số liệu quan trắc cho thấy đến 18 giờ, nước về nhà máy chưa ngập quá nửa mét nên không thể nói nước ập xuống trong vòng vài chục phút.

Về việc có thông tin cho rằng một số công đoạn thi công thủy điện không đúng quy định, ông Hải cho rằng nhà thầu phải thực hiện thi công theo đúng thiết kế và bảo đảm chất lượng của công trình, không miễn trừ trách nhiệm kể cả công trình đã nghiệm thu đi vào sử dụng.

“Đến giờ này, ở cấp độ quản lý dự án, chúng tôi khẳng định đang quản lý đúng trình tự thủ tục theo quy định... Theo quy trình, phải tìm ra nguyên nhân gì thì mới biết trách nhiệm thuộc về ai. Nói gì thì nói, trách nhiệm của chủ đầu tư chúng tôi phải có liên đới. Chúng tôi khẳng định là có trách nhiệm chứ không phải không. Tuy nhiên, phải có kết luận điều tra và trách nhiệm đến đâu, ai sai đến đâu thì xử lý đến đấy, trách nhiệm của ai thì người ấy chịu” - ông Hải nhấn mạnh.

Trước thông tin tỉnh Quảng Nam cho biết lúc tổ chức nghiệm thu, Hội đồng Nghiệm thu không mời tham gia nên tỉnh chưa nghe về những cảnh báo liên quan đến dự án, ông Hải khẳng định UBND tỉnh đã có ý kiến cho phép tích nước dự án này theo văn bản 4036 do Phó Chủ tịch Thường trực Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 23-8 và văn bản 1009 của Sở Công Thương gửi Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 ngày 24-8.

Theo ông Hải, Ban Quản lý dự án ký hợp đồng với bất cứ nhà thầu nào đều có sự chấp thuận của EVN. Riêng gói thầu nhỏ, Ban Quản lý có quyền tự ký nhưng phải được EVN phê duyệt về kết quả đấu thầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thường - Phương Nhung ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN