Sơn nữ đu mình nơi vách đá hái “vàng treo”
Vào mùa thu hoạch trái chín, mỗi ngày người dân ở xã Đồng Bành, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) phải băng rừng, lội suối từ tờ mờ sáng thậm chí treo mình nơi vách đá dựng đứng để thu hoạch “vàng treo”.
Hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 khi tiết trời thu se lạnh cũng là đến lúc mùa na chín. Người dân vùng núi đá vôi ở Chi Lăng (Lạng Sơn) lại nhộn nhịp rủ nhau băng rừng, vượt suối thậm chí treo mình nơi vách đá dựng đứng để thu hoạch.
Nằm cạnh quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Chi Lăng (Lạng Sơn) nếu không để ý thì ít ai biết rằng nơi đây chính là vựa na lớn nhất của cả nước. Nằm cheo leo bên những sườn núi đá tai mèo nhọn hoắt chính là màu lá xanh mướt của hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ những khe đá, bò từ dưới chân núi lên các sườn cao.
Nhắc đến vùng đất Chi Lăng, ngoài chiến thắng lịch sử oai hùng của quân Lam Sơn chiến thắng quân Minh xâm lược thì vùng đất này còn nổi tiếng với đặc sản quả na. Đi hỏi những người cao tuổi nhất vùng cũng chẳng ai biết cây na có mặt ở đất này từ bao giờ, chỉ biết họ sinh ra đã thấy các bà, các mẹ cho ăn những quả na thơm lừng, ngọt lịm.
Để có được những quả na thơm lừng, ngon miệng nổi tiếng khắp cả nước, người nông dân trồng na vùng Chi Lăng phải thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, trèo đèo lôi suối nhiều km nơi vách đá mới có thể đến được vùng trồng na để thu hoạch.
Theo chân chị Triệu Thị Hạnh (một chủ vườn na tại Chi Lăng) mới biết để hái được những trái na tươi ngon người dân nơi đây phải vất vả như thế nào.
“Do đặc điểm sinh trưởng của cây na ưa vùng đồi núi dốc và đất ở vùng núi đá vôi nên việc trồng na, chăm sóc hay thu hoạch cũng vô cùng vất vả”, chị Hạnh vừa bám tay vào cành cây cho khỏi ngã do đường trơn vừa nói.
"Cứ mỗi dịp sau tết là gia đình tôi đã phải lên núi để chăm cây, tỉa cành. Phân bón cũng phải dựa vào sức người mà gánh từ dưới nhà lên núi, công việc thụ phấn cho hoa cũng phải được làm bằng tay để đảm bảo chất lượng quả ra đồng đều. Lúc đến mùa thì phải đi thu hoạch hàng ngày, kể cả trời mưa cũng phải trèo leo để hái na để tránh bị hỏng trái", chị Hạnh cho biết thêm.
Cây na thường được tỉa cành tạo tán nên chỉ cao hơn 2 mét. Người dân trồng na vào vị trí có đất xen kẽ giữa các tảng đá, hốc đá. Mỗi cây được bao quanh bằng “hàng rào” đá. Chọn những quả na già mở mắt, người thu hoạch na phải cầm kéo sắc cắt cả cuống, lá để giữ quả tươi lâu. Với những quả trên cành cao thì phải đu người lên để với.
Những người phu gánh na thuê cho biết, trong một buổi sáng họ có thể hái được từ 90 tới 100kg na. Na sau khi thu hái xong được tập kết phân loại và xếp vào thúng để gánh xuống chợ.
Vì công việc gồng gánh quá vất vả, người dân Chi Lăng đã nghĩ ra phương pháp dùng vành xe máy và dây cáp để chế máy ròng rọc vận chuyển na từ trên núi xuống đất.
Người dân vùng Chi Lăng cho biết từ khi có hệ thống ròng rọc này thì công việc hái na đỡ vất vả hơn rất nhiều. Một sọt na nặng khoảng 50kg chỉ sau 2 phút đã được đưa xuống chân núi. Cho phí lắp đặt máy móc, dựng cột bê tông, dây cáp của hệ thống tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng.
Theo người dân địa phương, gia đình nào ở Chi Lăng cũng trồng na, nhà ít thì vài trăm cây, nhà nhiều thì tới cả ngàn cây. Những quả na thơm lừng ngọt lịm đã đem lại cuộc sống ổn định, thậm chí có phần khá giả nên được người dân yêu quý đặt cho cái tên mỹ miều: Vàng treo nơi vách đá.