Sẽ cho phép mang thai hộ?

Có được mang thai hộ hay không, có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận?... Đó là những nội dung được đưa bàn thảo tại cuộc họp Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000, hôm qua (6/12).

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), trong thực tiễn xã hội, mang thai hộ và nhu cầu về mang thai hộ là có.

Có những người vợ bị bệnh lý không thể mang thai và sinh nở, việc nhờ mang thai hộ là một giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành cấm việc mang thai hộ, nên nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ “chui”.

“Đây là vấn đề thực tiễn, có tính thời sự, do đó cần được nghiên cứu để luật hoá trong Luật HNGĐ sửa đổi”- ông Huệ nói.

Vấn đề mang thai hộ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Song song với luồng ý kiến phản đối, luồng ý kiến ủng hộ đề nghị pháp luật cần thừa nhận vì mục đích nhân đạo.

“Mặc dù pháp luật không công nhận nhưng thực tế việc này vẫn diễn ra. Tôi đề nghị cần đưa vào luật để kiểm soát, nếu không sẽ có những hậu quả khó lường sau này như anh em lấy nhau. Tuy nhiên, bổ sung quy định này chỉ nhằm mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ”- TS. Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự (ĐH Luật Hà Nội) đề nghị.

Ông Cừ đề xuất cần quy định những điều kiện chặt chẽ, cụ thể về hình thức pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ.

Một vấn đề khác đang gây tranh cãi là sửa luật có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận? Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng trước khi kết hôn nếu những cặp vợ chồng tương lai mà quan tâm quá nhiều đến vấn đề tài sản riêng chung thì chứng tỏ họ không tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng gia đình bền vững.

Ngược lại, khá nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép xác lập chế độ tài sản ước định, bởi cần bảo đảm sự minh bạch, công khai trong các giao dịch do người vợ hoặc chồng thực hiện, thực hiện quyền định đoạt về tài sản của vợ và chồng.

“Theo tôi cần có quy định để ghi nhận tài sản của những người trước hôn nhân. Có trường hợp trước khi kết hôn, người vợ có 100 tỉ đồng. Sau khi kết hôn khối tài sản này đưa vào kinh doanh sản xuất đã lên tới 1.000 tỉ đồng. Vậy 1.000 tỉ đồng kia phân chia như thế nào nếu họ chia tay nhau?”- LS Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lấy ví dụ từ một vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn mà ông đã tham gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN