Say rượu lái xe như "bom nổ chậm" trên đường
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông đã đưa mức xử phạt cao nhất với "ma men" lái xe lên 18 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, cần tăng hình thức xử phạt bổ sung.
Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang được lấy ý kiến rộng rãi, nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn đã được đề nghị tăng mức xử phạt. Đề xuất tịch thu xe của "ma men" không có trong dự thảo, thay vào đó, mức xử phạt bằng tiền và thời gian tước giấy phép lái xe (GPLX) đều được tăng lên.
Cụ thể, người lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 (vượt quá 50 mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở) sẽ bị phạt 8 - 12 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng. Mức xử phạt cũ là phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng. Mức xử phạt tiền cao nhất đối với người điều khiển ô tô vượt quá 80mg/100ml máu được tăng từ 10 - 10 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng. Đồng thời, thời gian bị tước GPLX từ 2 tháng tăng lên 10 - 12 tháng.
Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở) lên 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang được lấy ý kiến rộng rãi, nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn đã được đề nghị tăng mức xử phạt (Ảnh minh họa)
Đánh giá về đề nghị nâng mức xử phạt như kể trên, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Nếu chỉ nhìn vào mức xử phạt tiền, tăng như vậy chưa thể nói là đủ hay không. Cái cần là mức xử phạt đủ mức răn đe, nhưng không phải vì thế mà áp mức phạt hành chính quá mức người dân chịu được. Chúng ta cần những hình phạt khác bổ sung".
Ông Thanh đề nghị, đối với người say rượu bia lái xe ngoài việc bị thu bằng cần có hình thức xử phạt lao động công ích. Ông Thanh cho rằng: "Lái xe khi say rượu bia mới thành "xe điên", vì vậy phải xử thật nghiêm. Tôi bắt ông đi lao động công ích để vừa biết sợ, vừa có tính giáo dục chứ không chỉ đơn thuần là phạt tiền".
Một cán bộ Đội CSGT số 2, CATP Hà Nội cũng đồng tình với mức xử phạt được nâng cao đối với nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn. Vị này cho rằng chế tài mạnh áp dụng ở nhóm hành vi này là cần thiết để ngăn chặn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông không sử dụng rượu bia, chứ không phải nhằm mục đích xử phạt họ.
Vấn đề hình sự hóa hành vi say rượu lái xe đã từng được dư luận đặt ra cũng không đưa vào dự thảo nghị định lần này. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết đây là dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính nên chỉ đưa ra mức phạt tối đa với hành vi này theo quy định của Luật. Đề xuất về việc hình sự hóa hành vi kể trên sẽ được Bộ GTVT góp ý tại Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng điều quan trọng là có chế tài và các biện pháp để khuyến cáo, ngăn ngừa người say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Trong chiến dịch "Đã uống rượu, bia - không lái xe" đang được phát động, Ủy ban ATGT Quốc gia đặt mục tiêu là phải hạn chế đến mức thấp nhất người say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng cho hay: "Người say rượu, bia điều khiển xe được ví như quả bom nổ chậm đang đi trên đường, không thể biết lúc nào sẽ gây tai nạn cho mình và cho những người khác. Việc đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ người say rượu, bia về nhà không phải để khuyến khích họ uống nhiều mà để ngăn ngừa, hạn chế tối đa các trường hợp lái xe trong trạng thái say".
Theo Ban soạn thảo dự thảo, tại Việt Nam, hành vi vi phạm nồng độ cồn cần phải tăng mức xử phạt bởi số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16 - 20%. Tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Còn kết quả nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới trong báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe năm 2014 cho thấy TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9% trong đó nam giới là 36,2%, nữ giới 0,7%. Việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày. |