Sau quá khích, công nhân chờ trợ cấp
Bày tỏ lòng yêu nước là quyền lợi, trách nhiệm chính đáng, thiêng liêng của công dân. Tuy nhiên, hàng ngàn công nhân đã bị kẻ xấu lợi dụng điều đó, trở nên quá khích, đập phá, hủy hoại tài sản ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài mà họ được trả lương. Bây giờ, khi tình hình đã lắng dịu thì nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo họ về với thực tại.
Thông tin tới báo giới trong nước và quốc tế cuối tuần qua, Trung tướng Hoàng Kông Tư – Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết, đã khởi tố trên 300 đối tượng với các tội danh trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… trong các cuộc tuần hành quá khích xảy ra tại một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai.
Sự việc này được đại diện các Bộ Công an, Ngoại giao, Kế hoạch & Đầu tư và các tỉnh khẳng định là rất đáng tiếc, ảnh hưởng lớn tới uy tín của Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nước ngoài và cho chính người lao động. Tình hình đã ổn định trở lại, nhưng công nhân đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do các đối tượng cơ hội và do chính bản thân họ gây nên. Những ngày tới đây của công nhân sẽ ra sao? PV Báo GĐ&XH có cuộc trao đổi với ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Ảnh: TL
Xây dựng các phương án hỗ trợ
Thưa ông, hiện tại Tổng LĐLĐVN và công đoàn ở các địa phương đã có hướng xử lý hậu quả sau các cuộc đình công, tuần hành quá khích của một số công nhân để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép?
- Tại hội nghị lần thứ VI vừa rồi, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã họp bàn về vấn đề này. Bây giờ đang tập trung giải quyết chủ yếu ở Bình Dương và Đồng Nai. Vụ việc ở Hà Tĩnh thì tình trạng đập phá, đốt nhà xưởng không xảy ra nhiều.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã cử đoàn công tác vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai theo dõi tình hình. Các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền vận động, định hướng việc biểu thị lòng yêu nước một cách hòa bình, trật tự, hiệu quả và đúng pháp luật.
Đang có tình trạng một số chủ doanh nghiệp sau sự việc vừa qua hiện vắng mặt. Lương tháng 4 của công nhân lại chưa có, do đó Công đoàn đang chủ yếu tuyên truyền, giải thích cho công nhân phải chờ đợi. Ngoài ra là các phương án hỗ trợ. Người lao động trước hết phải chấp nhận nghỉ việc để chờ doanh nghiệp khắc phục hậu quả để tiếp tục sản xuất. Nếu không, sẽ có biện pháp là tìm kiếm doanh nghiệp nào có nhu cầu thì điều chuyển công nhân, hoặc thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.
Nếu vì chuyện đập phá nhà xưởng vừa rồi mà công nhân bị mất việc, quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ thế nào, thưa ông?
- Vấn đề này thì phải cùng chính quyền các địa phương chứ một mình Công đoàn không làm được. Sẽ có các giải pháp cụ thể. Một là với những doanh nghiệp bị đốt phá, khả năng phục hồi lâu, hiện nay công nhân đang đến yêu cầu làm thủ tục để cho họ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Các địa phương phải báo cáo để yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét, các trung tâm giới thiệu việc làm phối hợp cùng giải quyết. Nếu các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì phải xem xét giải quyết cho công nhân hưởng.
Thứ hai là đối với một số doanh nghiệp giới chủ không có mặt, nợ lương thì chúng tôi sẽ xem xét các khoản trợ cấp khác để công nhân tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Người lao động có thể được nợ tiền thuê nhà
Chuyện “trốn”, nợ bảo hiểm ở các doanh nghiệp không hiếm. Nếu như vậy, chúng ta sẽ xử lý thế nào, thưa ông?
- Với doanh nghiệp lâu hồi phục thì sẽ xem xét về bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng trường hợp doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm của công nhân thì dĩ nhiên phải tính đến các phương án riêng trên tinh thần là hết sức hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, Công đoàn và các địa phương sẽ phối hợp với tổ chức quần chúng vận động các chủ nhà trọ trước mắt cho người lao động nợ tiền thuê nhà…
Xin cảm ơn ông!
“Công đoàn không mờ nhạt” “Trong một tình huống mà đến chủ doanh nghiệp có hẳn một bộ máy bảo vệ, đội ngũ quản lý, chuyên gia, nhưng khi lực lượng quá khích vào còn phải bỏ trốn thì không thể nói Công đoàn mờ nhạt được. Công đoàn đã kêu gọi nhưng chắc chắn trong cuộc tuần hành của hàng nghìn người như thế thì không thể nào hiệu quả được ngay. Đến giờ này, Công đoàn đã thực tốt chức năng của mình, đã tuyên truyền để công nhân hiểu hiểu lòng yêu nước cần đặt đúng vị trí”. Ông Mai Đức Chính |