Sài Gòn những cái đầu tiên, nhất: Đệ nhất mỹ nhân

Sự kiện: Thời sự

Cô Ba Trà được người xưa tán tụng là đệ nhất mỹ nhân đầu tiên của đất Sài Gòn thuở đầu thế kỷ 20.

Trước 1954, chưa có cuộc thi hoa hậu nào ở đất Sài Gòn, tức là khi một cô gái được gắn cho danh hiệu hoa hậu hay hoa khôi một cách chính thức thông qua một cuộc thi nhan sắc nào đó. Một cô gái được gọi là hoa khôi, đệ nhất mỹ nhân… đó là cách đánh giá của một nhóm người trong xã hội. Trường hợp cô Ba Trà là một ví dụ. Danh xưng đệ nhất mỹ nhân của cô cùng với rất nhiều giai thoại liên quan đến cuộc đời cũng như các người tình được lưu truyền mãi về sau là nhờ những cây bút tài danh ghi lại. Trong một rừng các câu chuyện đôi khi có tình tiết trái ngược nhau, tôi đánh giá cao hơn cả ngòi bút ông Vương Hồng Sển trong tác phẩm Sài Gòn tả pín lù.

Mới hai mươi tuổi đã bốn đời chồng

Cô Ba Trà tên là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 ở Cần Giuộc. Gia đình vốn khá giả nhưng rốt cuộc lâm vào cảnh khốn cùng sau khi cha cô ghen tuông, nghi ngờ vợ ngoại tình nên thổ huyết mà chết. Nhà chồng đuổi cả hai mẹ con ra đường. Thời thơ ấu của Trà là nỗi kinh hoàng khi cô không được mẹ cho đi học và thường nhận những trận đòn roi thù hận của mẹ vì là giọt máu của “quân đoản hậu”. Thiếu tình thương cả cha lẫn mẹ đã phần nào tác động nên tính cách cô sau này lạnh lùng và không thương yêu ai cả.

Mẹ cô đã đem cô gả bán cho một viên quan ba thầy thuốc người Pháp với số tiền vỏn vẹn vài chục đồng bạc khi cô mới 14 tuổi. Làm vợ viên quan cũng là cái may vì cô được cho đi học dù ngắn ngủi. Chưa đầy một năm chung sống, viên quan Pháp về nước bỏ người vợ trẻ con ở lại. Quãng thời gian chung sống với chồng Tây không hiểu sao khiến cô Trà nảy nở, xinh đẹp tuyệt vời. Cô đi bán dạo trên xe lửa được một công tử con nhà giàu ở Phan Rang để mắt cưới làm vợ khi 15 tuổi. Chồng lăng nhăng bồ bịch, Trà bỏ trốn rồi làm vợ hờ một bác sĩ Tây học khi 17 tuổi. Cuộc đời cô lên hương từ đây, biết mùi giàu có và nổi tiếng nhan sắc trên đất Sài thành. Cô chia tay ông bác sĩ để làm vợ một triệu phú trẻ ở Chợ Lớn khi mới 20 tuổi.

Rồi sau đó cô Ba Trà không làm vợ một ai nữa. Tuổi trẻ xuân sắc của cô được trải dài trong các cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, giao lưu ăn chơi với những người đàn ông giàu có bậc nhất giới thượng lưu Sài Gòn hay các cậu ấm con đại điền chủ miền Tây rồi quan tòa, luật sư cho đến vua cờ bạc…

Sài Gòn những cái đầu tiên, nhất: Đệ nhất mỹ nhân - 1

Tấm ảnh được cho là của cô Ba Trà chụp với Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Đốt tiền vì người đẹp

Mới hơn 20 tuổi, cô Ba đã nổi lên như diều gặp gió vì đẹp và sang trọng. Chiều chiều cô ngồi một mình trên chiếc ô tô mui trần lộng lẫy chạy dạo trên phố Sài Gòn, trên xe có hai người tài xế ăn mặc thật đẹp với màu áo cũng giống màu áo của cô. Cô dùng tới hai tài xế, trong đó tài xế phụ chỉ làm mỗi việc mở cửa xe cho cô lên xuống. Cô Ba Trà sang không thua thống đốc Nam kỳ vì chỉ có ông này dùng hai tài xế như cô mà thôi.

Tiền bạc của cô được ông Vương Hồng Sển thuật lại: “Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp… Cô Ba Trà, đệ nhất huê khôi ở Nam kỳ, một người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại, các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.

Những người đàn ông si mê sắc đẹp của cô Ba Trà lao vào cô như con thiêu thân. Để làm hài lòng người đẹp, họ đốt tiền theo đúng nghĩa đen. Đấy là cuộc tranh giành giữa Bạch công tử (George Phước, hay Lê Công Phước, con đốc phủ Lê Công Sủng ở Mỹ Tho) và Hắc công tử (hay công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, con đại điền chủ Trần Trinh Trạch). Cứ mỗi lần Bạch công tử tặng Trà món quà gì có giá, Hắc công tử lập tức tặng món giá trị hơn, cuộc đấu tặng người đẹp nhẫn kim cương, xe hơi… gần như không có hồi kết. Cuối cùng Hắc công tử thách đấu cả hai dùng tiền để nấu sôi nồi chè đậu xanh 1 kg, ai nấu sôi trước là thắng và giám khảo là cô Ba Trà. Trước đám đông chứng kiến, Bạch công tử đã thắng và Hắc công tử đành ngậm ngùi ra đi. Người ta tính ra Bạch công tử đã phải đốt số tiền tương đương 3.000 giạ lúa mới đủ sôi nồi chè vì tiền vốn kém nhiệt.

Còn đốt tiền theo nghĩa bóng thì vô kể, không biết bao nhiêu người tán gia bại sản với cô Ba Trà. Khi thua bài, cô chỉ cần sai người đi gọi điện thoại cho tình nhân ra ngân hàng lấy số tiền cỡ vài chục lượng vàng cho cô đánh tiếp, còn cô đã đích thân đi gặp, người tình phải đưa vài trăm lượng là chuyện thường.

Sắc, tài và tật

Cô Ba Trà mê hoặc đàn ông không chỉ vì nhan sắc lộng lẫy mà vì cô nổi tiếng thông minh hơn người. Dù không được học hành nhưng chỉ trong thời gian ngắn được chồng Tây cho đi học, cô đã đọc, viết thành thạo và giỏi tiếng Việt lẫn Pháp. Quãng thời gian ngắn bán rong trên xe lửa cô đã học thạo tiếng Hoa để sau này cưa cẩm các “xì thẩu” vùng Chợ Lớn, cô học tiếng Campuchia, tiếng Thái cũng rất nhanh và hiểu đàn ông còn nhanh hơn.

Với tiền bạc được các đại gia, thiếu gia cung phụng, cô Ba Trà đã nhiều lần cầm trong tay số tiền khổng lồ có thể mua mấy ngàn mẫu ruộng đất để trở thành một đại điền chủ giàu có nhưng rốt cuộc cô vứt tất cả tiền bạc có được vào cờ bạc. Mỗi khi thua trắng tay đứng lên chiếu bạc, cô lại nói: Tiền bạc chỉ như cát bụi, có đó rồi mất đó không tiếc. Chỉ có tình nghĩa mới là còn lại. Nói vậy nhưng cuộc đời cô không yêu thương ai cả, không một người đàn ông nào gắn bó lâu dài. Đến cuối đời cô mới nhận ra: Cả đời có tiêu hàng núi tiền cũng không thấy hạnh phúc. Chỉ có mỗi lần ăn 5 xu dưa chuột với miếng đường tán ngồi trên xe lửa về thăm chồng thứ hai mới là lần duy nhất hạnh phúc. Bởi vì đó là lần duy nhất cô nhớ chồng, mối tình đầu thực sự của cô.

Không chỉ nghiện cờ bạc, cô còn nghiện nàng tiên nâu. Chừng đó đủ tán gia bại sản. Nhiều lần cô phải chạy qua Campuchia hay Thái Lan trốn nợ chờ đến khi có một bàn tay đại gia chìa ra giúp đỡ.

Đoạn cuối của Đạm Tiên

Gần 30 tuổi, sau khi thua những trận cờ bạc trắng tay, cô Ba Trà được một đại gia cho một số tiền lớn để mở một chốn lầu xanh tại đường Hồ Xuân Hương bây giờ, được gọi mỹ miều là Nguyệt tiên cung, chốn hành lạc để “sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh”. Khách đến đây muốn trải qua cảm giác nhất dạ đế vương phải đưa lễ một số tiền lớn mới được tiếp, được ăn uống sang trọng và được ôm ấp người đẹp trong một căn phòng sang trọng như cung điện. Đây cũng là chốn mà khách đến để đánh bạc an toàn vì có đường đi lắt léo, hệ thống báo động khắp nơi và có cửa sau để chạy nếu lính đến. Giai đoạn kinh tế khủng hoảng những năm 1930, Nguyệt Tiên cung vắng khách dần.

Khi nhan sắc xế bóng và nhiều gái đẹp khác hớp hồn các tay chơi giàu có, cô Ba Trà kiếm sống ở các chiếu bạc bằng cách cho các thiếu gia hết tiền vay nóng đánh tiếp, lãi 10 phân một ngày. Khi được hỏi liệu các tay chơi đó có xù tiền không thì cô trả lời tỉnh rụi: Ai lại đi gạt tiền một con đĩ như tôi.

Cờ bạc và thuốc phiện vét hết sạch, người ta nói đến 60 tuổi cô Ba Trà phải đi làm thuê một cửa hiệu ở Chợ Lớn để lánh mặt mọi người, rồi không ai nhắc đến cô nữa. Có người nói thấy cô chết gục trong cầu thang một chung cư tồi tàn, có người nói cô quy y cửa Phật… Bất kể thế nào, không có một kết thúc đẹp cho người phụ nữ từng được xem là đẹp nhất Nam kỳ ngày đó.

Đổi tình lấy… chữ

Ông Vương Hồng Sển si mê sắc đẹp của cô Ba Trà từ khi còn là một thanh niên học trên Sài Gòn. Chủ nhật nào ông cũng phải đi tới tiệm chụp ảnh Khánh Ký trên đường Nguyễn Huệ để ngắm ảnh của người đẹp mới thỏa. Không ngờ tới tuổi ngũ tuần ông được gặp và gần gũi với người đẹp như trong một giấc mơ. Lúc đó cô Ba Trà đã 40 tuổi nhưng vẫn đẹp lộng lẫy, đang túng thiếu, ông giúp cô viết các bức thư thật hay cho các người quen cũ để nhờ họ giúp đỡ tiền bạc. Nhờ làm “thư ký không lương” một thời gian dài đó, ông được cô quý mến và kể lại cuộc đời đầy oan nghiệt cho ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Trường Giang (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN