Sà lan tông sập cầu Ghềnh: Bắt hai tài công

Sau khi lái sà lan tông sập cầu Ghềnh, hai tài công bơi được vào bờ rồi bỏ trốn nhưng đã bị công an bắt giữ vào sáng nay.

Cau Ghenh sap

Sau khi lái sà lan tông sập cầu Ghềnh, hai tài công bơi được vào bờ rồi bỏ trốn

Sáng 21.3, qua truy xét, công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 2 tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) khi đang lẩn trốn ở Sóc Trăng.

Trước đó, vào trưa 20.3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai hướng về cầu Hóa An. Khi đến cầu Ghềnh (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì tông cực mạnh vào mố cầu số 2. Cú đâm mạnh làm nhịp cầu này rớt chìm xuống sông. Nhịp cầu thứ 3 cũng rớt và cắm một đầu dưới sông.

Thời điểm sà lan đâm sập cầu có 4 người đi xe máy, có hai người bị rớt theo nhịp cầu nhưng may mắn thoát nạn. Sau tai nạn, 2 tài công đã nhảy xuống sông bơi vào bờ trước khi tàu kéo bị chìm. Sau đó, hai người này xin tiền chủ bãi cát bên sông đón xe về quê để trốn.

Hiện, hai tài công đang được di lý về thành phố Biên Hòa để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, vào tối 20/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án vi phạm giao thông đường thủy để điều tra.

Liên quan đến vụ việc, ngay sau khi phát hiện sự cố, 3 nhân viên gác chắn tàu tại Cung chắn Biên Hòa 2 đã lập tức kiểm tra và nhanh chóng thông báo cho tàu hàng chuẩn bị qua cầu Ghềnh dừng lại kịp thời.

Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc –Nam bị “tê liệt”. Hàng ngàn hành khách đi tàu từ ngoài miền Trung và miền Bắc vào phải dừng ở ga Biên Hòa và ngược lại hàng trăm hành khách ở ga Sài Gòn bị kẹt lại tại đây.

sap cau ghenh

Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam bị “tê liệt”.

Để giải quyết sự cố, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM phối hợp trung chuyển tất cả hành khách từ ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa và từ ga Biên Hòa về ga Sóng Thần và ga Sài Gòn. Trong đêm 20.3, hàng chục chuyến xe khách đã trung chuyển hàng ngàn hành khách đi và về hai địa điểm trên.

Về thời gian khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nhanh nhất cũng phải mất từ 3-5 tháng. Để giải quyết sự cố, ngành đường sắt thực hiện phương án trung chuyển hành khách.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc tàu kéo gây tai nạn đã hết hạn kiểm định gần ba tháng.

Cụ thể, tàu kéo SG 3745 có công suất 205 CV, chủ tàu là Phan Thế Thượng, địa chỉ 206 lô BCC Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tàu được kiểm định ngày 6.3.2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1-12-2015. Còn sà lan mang số hiệu SG 5984 được kéo theo, người đứng tên đăng ký là Nguyễn Thu Hồng (cùng địa chỉ trên), có hạn đăng kiểm đến 4.7.2016.

Cầu Ghềnh dài 223 m thuộc TP Biên Hòa là 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố, do Pháp xây dựng vào năm 1902, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.

Vào 6.2.2011, tàu khách SE2 chạy hướng Nam - Bắc khi qua cầu Ghềnh thì tông vào 6 ôtô khiến 2 người chết tại chỗ, hàng chục nạn nhân bị thương. Sau tai nạn, cơ quan chức năng đã cấm tất cả ô tô hai chiều và xe hai bánh theo chiều phường Bửu Long về trung tâm TP Biên Hòa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN