Rốt ráo xử lý gần 9 nghìn container phế liệu tồn ở cảng
Lượng container phế liệu tồn đọng rất lớn tại các cảng là do sự chồng chéo trong công tác nhập khẩu...
Kiểm tra container rác thải nhập về cảng Hải Phòng dưới dạng phế liệu - Ảnh: Việt Hòa
Gần chục nghìn container phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do các hãng tàu nước ngoài vận chuyển về Việt Nam vẫn đang tồn đọng tại cảng biển, thách thức các cơ quan chức năng và kéo giảm hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp...
Container tồn đọng chây ỳ tại cảng biển
Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, tính đến giữa tháng 9/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu vẫn là 8.869 container.
Thông tin cụ thể hơn, ông Hà Quang Thắng, Trưởng phòng Pháp chế (Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng) cho biết, hiện khu vực cảng biển Hải Phòng đang có tới 5.758 container phế liệu. Trong đó, lượng container nằm tại cảng dưới 30 ngày là 1.703 container, từ 30-90 ngày là 2.585 container và quá 90 ngày là 1.470 container.
“Đầu tháng 9 vừa qua, Tổng cục Hải quan Hải Phòng và Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, thuộc Tổng cục Môi trường đã có đợt rà soát, cập nhật lượng container phế liệu tồn đọng, còn hướng giải quyết vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể”, ông Thắng nói.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, số container tồn đọng chủ yếu gồm phế liệu: Nhựa, giấy và một số loại khác như phế liệu sắt, nhôm do các hãng tàu nước ngoài như: COSCO, EMC, WANHAI, OCL, MSK, HUYNDAI… vận chuyển về. “Một số đơn vị cố tình lách luật để nhập khẩu phế liệu không đúng quy chuẩn, khi bị phát hiện bỏ hàng luôn tại cảng để trốn tránh. Một số trường hợp lại dùng giấy xác nhận của DN khác, giả mạo hồ sơ, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng thực tế gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định hàng vô chủ”, ông Cường nói.
Theo ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, lượng container phế liệu tồn đọng rất lớn là do sự chồng chéo trong công tác nhập khẩu, số container phế liệu ở các hợp đồng cũ chưa giải quyết hết, các hợp đồng nhập khẩu phế liệu mới lại phát sinh về cảng cùng lúc khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, quản lý.
“Có những trường hợp cá biệt, chủ hàng Việt Nam còn bị người nước ngoài dụ dỗ, cho tiền để vận chuyển, giải thoát rác thải cho họ”, ông Tương nói và cho rằng, các DN cảng biển cần căn cứ các thông tin trên hệ thống e-manifest khi tàu cập cảng, nếu phát hiện hàng hóa có nhiều nghi vấn tuyệt đối không cho phép dỡ hàng xuống cảng hoặc đề nghị tái xuất hàng hóa. Đối với các container hiện đang chây ỳ tại cảng cần khẩn trương rà soát tổng thể, container phế liệu nào quá hạn cần kiên quyết thanh lý theo quy định để giải phóng hàng, đảm bảo hiệu năng khai thác của các cảng biển.
Phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu vẫn là 8.869 container - Ảnh: TTXVN
Kiên quyết “đào thải” phế liệu sai quy chuẩn
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, vừa qua, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu các cơ quan quản lý tại cảng biển, DN cảng biển, các đại lý và đơn vị liên quan rà soát hàng hóa container phế liệu nhập khẩu. “Trường hợp phát hiện hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết yêu cầu chủ hàng, chủ tàu tái xuất lô hàng, vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, ông Thu nói.
Cũng theo ông Thu, Cục Hàng hải VN đã đề nghị Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra, phân loại các container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày tại cảng biển để đăng báo đốc thúc chủ hàng đến nhận hàng. Sau 60 ngày kể từ ngày thông báo đầu tiên đối với hàng hóa loại thường và sau 15 ngày đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại có hạn sử dụng dưới 60 ngày, nếu khách hàng không đến sẽ triển khai thủ tục thanh lý hàng tồn đọng.
“Bên cạnh đó, đang có một số DN nhập khẩu đã được cấp phép nhưng có thời hạn ngắn, khi hàng về tới cảng dỡ, giấy phép đã hết hiệu lực khiến DN không thể làm thủ tục thông quan. Bộ TN&MT cũng cần gia hạn giấy phép để tạo điều kiện cho DN nhận hàng tồn tại cảng”, ông Thu cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 27 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT chỉ đạo các cơ quan liên quan không cấp mới, không gia hạn giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; không cấp phép nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; Chỉ xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu; Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu trước khi phế liệu được nhập vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Tài chính được giao phối hợp với Bộ Công thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam; Đồng thời, chỉ đạo cơ quan hải quan cho thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện.
“Lực lượng hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; hướng dẫn các hãng tàu, đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể để xác định được loại phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”, Chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Kho chứa gỗ thành phẩm và phế liệu rộng 1.500 m2 bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm, hàng trăm chiến sĩ cảnh...