Romney, Obama và ngoại giao Mỹ
Ứng viên Romney công kích chính sách đối ngoại của Tổng thổng Obama nhưng tầm nhìn của ông cho nước Mỹ cũng lại bộc lộ nhiều mâu thuẫn.
Ngày 8/10, trong bài phát biểu tại Viện Quân sự Virginia, ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney lần đầu tiên đã trình bày chi tiết về chính sách đối ngoại của ông nếu đắc cử. Nhưng liệu có sự khác biệt nào giữa tầm nhìn của ông Romney về vị trí của nước Mỹ trên thế giới so với các chính sách hiện đang được chính quyền Obama theo đuổi và liệu có mâu thuẫn gì không?
Trung Quốc:
Romney: Một mặt, Romney giễu cợt Obama về chính sách “xoay trục” sang châu Á khi coi tình trạng bất ổn ở Trung Đông và nước Nga là những mối đe dọa trực tiếp hơn. Nhưng mặt khác, ông lại đã cảnh báo về “sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc”, cho rằng nước này đang “đe dọa toàn bộ khu vực”. Ông Romney quan tâm tới cái mà ông gọi là thương mại không công bằng của Trung Quốc qua việc định giá đồng tiền của nước này.
Obama: Chính sách “xoay trục” của Obama về châu Á chủ yếu nhằm trấn an các quốc gia đồng minh với Mỹ vốn đang lo lắng về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Những gì được xem là sự phát triển quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam thực tế mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự. Obama tiếp tục con đường khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực nhưng không muốn rơi vào thế đối đầu với Bắc Kinh.
Những vấn đề chưa được giải đáp: Ngoài việc đe dọa một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Romney chưa thể hiện rõ ông sẽ xử lý ảnh hướng và sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc như thế nào. Nhưng Bắc Kinh thì lại có thể rút ra kết luận từ những lời chỉ trích của Romney đối với Obama, rằng đó không phải là một ưu tiên của ứng viên đảng Cộng hòa này.
Ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney chỉ trích Tổng thống Obama về thất bại trong việc đối phó với chính sách thương mại của Trung Quốc
Nga:
Romney: Ông Romney đã khơi gợi lại ngôn từ thời chiến tranh lạnh khi gọi nước Nga là “kẻ thù địa chính trị số 1” của Mỹ và coi Nga như một mối đe dọa với các nền dân chủ mới ở Đông Âu. Ông đã chỉ trích Tổng thống Obama về các hiệp ước cắt giảm tên lửa và trì hoãn kế hoạch bố trí căn cứ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Romney cáo buộc Obama đã thể hiện sự yếu đuối.
Obama: Đương kim Tổng thống Mỹ đã cố gắng “cài đặt lại” quan hệ với Nga nhưng nhanh chóng rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, ông Obama quan niệm rằng còn nhiều vấn đề ngoại giao cấp bách hơn và duy trì một mối quan hệ sống động với Nga về các vấn đề như Iran và Syria là điều quan trọng.
Mâu thuẫn và những vấn đề chưa được giải đáp: Romney đã cố gắng bảo vệ những quan điểm chế giễu “kẻ thù” của mình bằng cách chỉ ra sức mạnh của Nga tại Liên Hiệp Quốc, gồm cả việc ngăn chặn các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại Syria và việc miễn cưỡng áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Nhưng ông lại nói rằng điều đó không làm Nga trở thành kẻ thù và Nga không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia chính đối với Mỹ. Ông Romney không cho biết sẽ đối phó với Moscow như thế nào.
Syria:
Romney: Kêu gọi trang bị cho quân nổi dậy những vũ khí đủ mạnh để chống chính quyền của Tổng thống Assad và liên tục chỉ trích Tổng thống Obama không hỗ trợ đủ cho lực lượng phiến quân.
Obama: Khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh vũ trang cho phe nổi dậy nhưng chỉ là vũ khí hạng nhẹ vì lo ngại những vũ khí mạnh hơn có thể rơi vào tay lực lượng thù địch khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
Mâu thuẫn: Trong khi Romney chỉ trích Obama không hành động đủ để đối phó với những lực lượng mà ông coi là Hồi giáo cực đoan ở nhiều nơi khác thuộc Trung Đông nhưng lại đòi vũ trang cho các nhóm phiến quân ở Syria mà thực tế ông hiểu biết rất ít.
Iran:
Tổng thống Mỹ Obama, ứng viên đảng Dân chủ phản pháo Mitt Romney về vấn đề Iran
Romney: Trước đây, Romney chỉ trích Obama không giữ lập trường mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với chương trình hạt nhân của Iran, cho rằng Mỹ nên hành động quân sự sớm hơn thay vì muộn hơn. Nhưng ông Romney đã chuyển dần theo quan điểm của Obama: gia tăng các biện pháp trừng phạt như cách để gây sức ép lên Tehran. Đáng chú ý, Romney không ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu về một “ranh giới đỏ” áp đặt chương trình hạt nhân của Iran.
Obama: Tập trung vào ngoại giao và trừng phạt, cho rằng Tehran còn xa mới phát triển được vũ khí hạt nhân nên chưa cấp bách phải hành động quân sự. Nhưng Tổng thống Obama đã nhiều lần nhấn mạnh ông sẽ không cho phép Iran phát triển bom nguyên tử và sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn chặn nếu cần thiết.
Những vấn đề chưa được giải đáp: Cũng như Obama, Romney chưa nói cụ thể khi nào sẽ xem xét hành động quân sự chống Tehran. Ông cũng không đề cập gì đến biện pháp ngoại giao khi bày tỏ ủng hộ chính sách cấm vận của ông Obama. Nhưng tách bạch cấm vận và ngoại giao là điều rất khó đối với ông Romney.
Israel-Palestine:
Romney: Coi nhân dân Palestine là những người không quan tâm đến hòa bình và muốn phá hoại Israel, cáo buộc Obama từ bỏ Israel và đặt an ninh của nước này gặp nguy hiểm trước Iran. Romney tự mình thắt chặt liên minh với chính phủ Israel về hầu hết mọi vấn đề, kể cả nói rằng ông sẽ không thúc ép Israel đàm phán với Palestine.
Obama: Cố gắng thúc ép Thủ tướng Netanyahu nghiêm túc đàm phán hòa bình bằng việc ngưng mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem nhưng đã bị phản ứng và mối quan hệ giữa hai người trở nên xấu đi và càng trầm trọng thêm bởi những khác biệt xung quanh vấn đề Iran. Tuy nhiên, Obama lại gia tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Israel và nhận được khen ngợi từ Netanyahu cũng như các chỉ huy quân đội nước này.
Những vấn đề chưa được giải đáp: Romney dường như đã nhầm lẫn các lãnh đạo Palestine ở Bờ Tây với Hamas ở Gaza, phơi bày sự thiếu hiểu biết về một vấn đề sẽ làm cho ông gặp khó khăn nếu thừa kế Nhà Trắng.
Afghanistan:
Romney: Cho rằng việc rút quân khỏi Afghanistan vào 2014 là quá sớm, sẽ chỉ tạo ra thêm chiến tranh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công khủng bố vào nước Mỹ. Romney ủng hộ duy trì dự phòng một sự hiện diện quân sự nhất định của Mỹ tại đây.
Obama: Đặt ra thời hạn rút khỏi một trong những cuộc chiến dài nhất của Mỹ khi đứng trước cuộc xung đột không thể giành chiến thắng và cũng là cuộc chiến tiêu tốn tiền bạc.
Những vấn đề chưa được giải đáp: Ông Romney cam kết duy trì quân đội Mỹ tại Afghanistan nhưng lại không nói sẽ làm gì để đánh bại Taliban – công việc mà quân đội Mỹ đã không thể làm được trong một thập kỷ chiến đấu.
Libya:
Romney muốn đổ lỗi vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi cho sự yếu kém của Obama
Romney: Đổ lỗi cho Obama về thất bại liên quan đến vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, gồm cả Đại sứ Mỹ Chris Stevens. Romney đã cáo buộc Obama không nhận ra rằng cuộc tấn công này là bằng chứng cho thấy al-Qaida vẫn là một lực lượng cần phải tính đến và phải đối phó ở Libya.
Obama: Tìm cách tăng sức mạnh cho chế độ dân sự non trẻ ở Libya nhưng thể hiện rõ quan điểm không can thiệp quân sự trực tiếp.
Mâu thuẫn và những vấn đề chưa được giải đáp: Romney dường như không chỉ rõ được sự khác biệt giữa việc kêu gọi vũ trang cho các lực lượng phiến quân Syria và việc chỉ trích Obama không trấn ấp những nhóm vũ trang ở Libya.