Rau “bội thực” thuốc bảo vệ thực vật
Huyện ĐăkPơ (Gia Lai) có vùng rau lớn với gần 3.000 ha nằm trên địa bàn 2 xã Tân An và Cư An. Sản phẩm của vựa rau này cung ứng cho người tiêu dùng cả miền Trung. Vậy nhưng những người làm rau ở đây đang đánh mất đi hình ảnh đẹp về sản phẩm cây trồng mũi nhọn của địa phương mình từ việc lạm dụng thuốc BVTV.
Những cánh đồng rau bát ngát, xanh mơn mởn ở 2 xã Tân An và Cư An thuộc huyện ĐăkPơ (Gia Lai) trông rất bắt mắt. Thế nhưng không ai có thể ngờ là trên từng cây rau, đậu ở đây liên tục bị người trồng “ướp” các loại thuốc BVTV trong suốt quá trình SX.
Vùng chuyên rau có tiếng
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện ĐăkPơ, trong vụ ĐX 2012, nếu địa phương này chỉ gieo trồng được 393 ha lúa 2 vụ thì diện tích trồng các loại rau, đậu lên đến hơn 2.300 ha, tập trung tại 2 xã Tân An và Cư An. Những con số trên cho thấy, cây rau chính là “nguồn sống” của người dân nơi đây.
Ông Đặng Chí Phong, Chủ tịch UBND xã Cư An, cho biết: “Trên toàn địa bàn xã chỉ có 55 ha trồng lúa 2 vụ và 87 ha làm lúa 1 vụ/năm. Trong khi đó, diện tích trồng các loại rau ăn lá là 614 ha và 63 ha khác trồng các loại cây họ đậu. Trên thị trường có loại rau gì là bà con ở đây đều trồng đủ. Rau được trồng trên mọi loại đất, cả đất rừng cây rau cũng có mặt. Riêng 2 thôn An Bình và An Sơn 100% hộ dân sống bằng nghề trồng rau”.
Lượng rau xuất bán tại ĐăkPơ mỗi ngày lên đến 100 tấn
Tương tự, ở xã Tân An, các loại cây rau, đậu cũng “lấn” cây lúa. Ông Đào Ngọc Ngởi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An, nói: “Ở xã chỉ có 105 ha canh tác lúa 2 vụ/năm và 154 ha làm lúa 1 vụ. Nguồn thu chính của bà con là rau với 991 ha và 72 ha trồng các loại đậu. Vùng rau ở Tân An được hình thành từ thập niên 60 theo phong trào di dân từ ngoài Bắc vào, tính đến nay đã có hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhờ cây rau mà hầu hết người dân ở đây đều có cuộc sống khá giả, nuôi con học hành đến nơi đến chốn với mức thu nhập từ 50 triệu-100 triệu/hộ/năm.
Theo thống kê của ngành chức năng, số lượng rau đậu các loại được xuất đi từ các vùng rau của TX An Khê và huyện ĐăkPơ thường xuyên đạt 100 tấn/ngày. Vào những dịp gần Tết Nguyên đán, con số trên tăng đến 150 tấn/ngày. Ngoài cung ứng cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên, rau ở đây còn có mặt khắp các tỉnh miền Trung.
Rau bị “ướp” thuốc BVTV
Chúng tôi làm 1 vòng dạo quanh các vùng rau. Đối nghịch với màu xanh của những cây rau nhìn rất mát mắt là mùi thuốc sâu hăng nồng trong không khí. Hỏi ra thì biết, vùng rau chúng tôi đang đi qua đã đến lứa phun thuốc. Theo những người trồng rau ở đây, làm rau là phải chấp nhận “chung sống” với các loại thuốc độc.
Bởi các loại rau, đậu luôn mẫn cảm với thời tiết, thường xuyên bị sâu bệnh gây hại. Do vậy, không chỉ đến lúc cây rau bị bệnh mới phun thuốc điều trị mà việc phun các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây rau cũng phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ.
Người trồng rau thường xuyên sử dụng hàng chục loại thuốc BVTV trong SX
Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, đang thuê hơn 5 sào đất ở đội 4, thôn An Định, xã Cư An để trồng rau, cho biết quy trình bơm thuốc BVTV cho cây rau nghe rất kinh hoàng: “Đối với những loại rau ăn lá, cứ 7 ngày là tụi tui bơm thuốc 1 lần. Hết thuốc trừ cỏ đến các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Quy trình này kéo dài đến ngày thu hoạch, thời gian là hơn 1 tháng. Trước thu hoạch 7 ngày, tụi tui lại bơm thuốc kích thích để cây rau vượt cao khiến người mua nhìn thích mắt. Sau khi bơm thuốc kích thích, trong vòng 3 ngày sau mà không cắt là những cây rau sẽ tự động thối rữa.
Riêng quy trình SX cây đậu que kéo dài đến 3 tháng, và phải bơm thuốc nhặt hơn, 3 ngày 1 lần. Bơm thuốc xong, 3 ngày sau hái quả bán. Vừa hái xong là bơm ngay lứa thuốc khác. Nếu quy trình này không được thực hiện thường xuyên thì lũ sâu, ong tấn công làm rụng hết bông, đậu sẽ không cho quả”.
Cây rau phải được thường xuyên bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh
Cũng theo chị Hoàng, người trồng rau ở đây biết rất rõ việc tiếp xúc các loại thuốc BVTV thường xuyên như thế, họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Không chỉ vậy, họ cũng biết với quy trình SX rau kiểu này, sức khỏe của người tiêu dùng bị ảnh hưởng không kém. Thế nhưng vì mưu sinh, tất cả nhắm mắt làm.
“Tụi tui trồng rau nên rất rõ cây rau “ăn” thuốc độc nhiều đến dường nào, do vậy, khi nhìn chính cây rau mình trồng cũng thấy ớn. Người ăn vào ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào tui không thấy, nhưng chính dân trồng rau tụi tui đã phải lãnh nhận trực tiếp những gây hại của thuốc BVTV, thậm chí đã có người chết do vết thương bị nhiễm trùng vì tiếp xúc với thuốc BVTV”, bà Trần Thị Dung (56 tuổi) ở đội 4, thôn An Định, xã Cư An, nói. |
“Nếu không làm vậy, mỗi sào rau tui đầu tư gần 1,5 triệu cả tiền giống, phân, và nhiều nhất là thuốc BVTV mà rau hư hết không cho thu hoạch thì lấy gì nuôi con ăn học”, chị Hoàng bộc bạch.
Điều đáng quan ngại là hiện nay, người trồng rau ở ĐăkPơ sử dụng rất bừa bãi loại thuốc dạng cát có tên là Vifuran 3G để diệt các loại côn trùng sống trong đất gây hại cho cây rau.
Tất nhiên, không 1 loại thuốc BVTV nào là không độc, nhưng loại thuốc này tính chất độc cao hơn nên ngành chức năng đã đưa vào danh mục hạn chế sử dụng.
Thường thì trước khi lên vồng trồng rau, các nhà vườn vãi loại thuốc nói trên lên đất rồi mới làm đất để côn trùng không gây hại khi cây rau phát triển. “Vụ trước tui làm cải, cây cải đang phát triển sởn sơ thì lũ côn trùng trong đất tấn công rễ, cải bị chết từng chòm. Để diệt chúng, tui mua 1kg thuốc cát vãi vào các rò rau, chứ không thì mấy sào cải sẽ chết ráo”, chị Hoàng cho biết thêm.